Bánh quê, bánh truyền thống, bánh Tết... đằng sau những tên gọi nghe đến nao lòng ấy là tinh ba tú khí của đất trời, là hai sương một nắng của con người. Dâng bánh cúng Tổ tiên chính là dâng tấm lòng thơm thảo của cháu con gửi gắm trong từng chiếc bánh.
Bà Tán Thị Hương bên nồi bánh tét nấu bằng củi. Ảnh: V.T.L |
Bà Tán Thị Hương đang loay hoay thêm củi cho nồi bánh tét thì tôi đến. Nhà bà cách không xa đình Bồ Bản, xã Hòa Phong, nơi thỉnh thoảng tổ chức những hội làng đình đám không thua kém gì hội làng Túy Loan cách đó gần 2 cây số. Nước sôi sùng sục, làn khói mỏng đưa hương vị đặc trưng của lá, của nếp bay lên tận nhà trên.
23 năm trước, bà kể, khi nhạc sĩ Lương Nguyên, bấy giờ là Phó ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đến tổ chức chương trình “Làng vui chơi, làng ca hát” ở đình Bồ Bản, bà cùng cha mình thi gói bánh tét và rinh ngay giải nhất. Tuy hồi đó chỉ gói thôi chứ không nấu vì không đủ thời gian, nhưng bánh của cha con bà nhìn qua đã mê bởi “ngoại hình” quá đạt: tròn lẳn từ đầu đến chân, dây lạt cân phân đến từng mi-li-mét, lá đều tăm tắp như được làm bằng... máy!
Hơn 10 năm sau đó, bà mới có dịp tỏ cho bàn dân thiên hạ biết rằng bánh nhà bà không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn ngon về chất lượng bên trong. Đó là khi Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng làm chương trình về văn hóa dân tộc lên sóng đúng Tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch. Các công đoạn, từ lúc gói bánh, nấu bánh đến khi vớt bánh ra, bóc lớp lá chuối để lộ ra thân bánh trong trắng ngoài xanh và thưởng thức hương vị quê hương... đều được phóng viên nhà đài ghi hình tỉ mẩn.
Không hổ danh 3 đời làm bánh, hồi cha còn sống, bà còn làm thêm bánh khô và tạo được “thương hiệu” ở chợ Túy Loan. Nay chỉ làm độc một loại bánh tét, ngày thường cứ cách nhật bà gói 15 đòn, đến tháng 10-11 Âm lịch, bắt đầu vào mùa chạp mả thì làm nhiều hơn. Qua đầu tháng Chạp bắt đầu tăng tốc, cao điểm là 3 ngày, từ 27 đến 29.
Tết năm rồi, bà cùng hai người chị làm trên một nghìn đòn bánh, phần lớn làm theo đặt hàng của khách quen. Bánh tét cỡ lớn nhất gọi là bánh tét tượng (to như... voi) một đòn nặng 2,5kg, dài khoảng 30cm, đường kính gần 10cm, tét một lát là chưng đầy một đĩa loại vừa. Kế là bánh trung lớn nặng 2,2kg và bánh trung nhỏ nặng 1,5kg.
Bà Châu người làng Hòa Nhơn bên cạnh, mua bánh tét gửi đi Nhật cho con trai ăn Tết. Bên đó người ta ăn Tết theo dương lịch nên cậu này nhớ quay nhớ quắt mỗi khi Tết đến xuân về trên nước bạn. Chính cái hương bánh tét đã làm cậu nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà.
Bánh tét ngon, theo cách của bà Hương, chỉ có 2 tiêu chí là nếp và lá. Nếp phải là nếp hương, không được lẫn với gạo hoặc có nốt ruồi (lấm tấm chấm đen trên hạt nếp), không ẩm mốc. Lá phải chọn loại lá vừa “dậy thì”, đó là một lá mới vừa lớn bên cạnh một lá đã “trưởng thành”.
Để có bánh đẹp và ngon, lá đó giá mấy cũng mua. Một số người vì ham lời nhiều mà quơ đại các loại lá già, lá bị “rỗ” mặt nên dù có chọn nếp “thượng hảo hạng” cũng cho ra lò những đòn bánh không đạt.
Gần nhà bà Hương là nhà ông Hứa Đạt, cũng chuyên nghề bánh trái. Ngày thường ông làm nhiều loại bánh: tét, đúc, chưng, rò, gói; mỗi thứ một ít bán ở chợ, trong đó bánh tét chỉ to bằng cổ tay. Tết chủ yếu các loại bánh tét, chưng, rò.
Vợ ông, bà Phan Thị Ân, ngày trước làm HTX nông nghiệp, nằm đêm nghĩ cách làm thêm để tăng thu nhập. Sáng ra, bà đổ mấy lon nếp nấu thử bánh tét, đem lên chợ bán. Cả một vùng quê nghèo lam lũ làm ăn, bỗng dưng xuất hiện loại bánh tét “tí hon” ở chợ, ai thấy cũng ưng, giá cả vừa túi tiền nên mua về cho nhà dùng để thấy hương Tết giữa ngày thường. Từ đó, gần 30 năm nay bà và cô em ruột (ở thôn Cẩm Toại Đông) “cắm” luôn ở chợ Túy Loan với các loại bánh mang hương vị quê nhà.
Bánh quê, bánh truyền thống, bánh Tết... đằng sau những tên gọi nghe đến nao lòng ấy là tinh ba tú khí của đất trời, là hai sương một nắng của con người. Dâng bánh cúng Tổ tiên chính là dâng tấm lòng thơm thảo của cháu con gửi gắm trong từng chiếc bánh.
Ở chợ Lệ Trạch, xã Hòa Tiến, có gian hàng chuyên bánh trái của ông Võ Nghĩa. Ngoài các loại bánh công nghệ, ông còn bán một số loại bánh truyền thống được làm thủ công ngay tại địa phương. Mỗi Tết ông Nghĩa nhập trên dưới 50 triệu đồng bánh quê các loại.
Chợ Lệ Trạch nằm ở vị trí “đắc địa”, bên đường ĐT 605 nối cầu Đỏ với các xã thuộc thị xã Điện Bàn giáp ranh với Hòa Tiến như Điện Tiến, Điện Hòa, Điện Thọ... nên lượng bánh bán sỉ rất nhiều. Có thể kể ra: bánh khô mè, khô nổ của bà Điểu (em bà Liễu bánh khô mè ở Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) ở thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến; bánh khô mè gói mộc, tuy bao bì không “hoành tráng” như các sản phẩm cùng loại khác nhưng vẫn có vuông giấy nhỏ ghi Cơ sở sản xuất Bánh khô mè Minh Quân, thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn.
Ông chủ Minh Quân cho biết, cơ sở ông sản xuất bánh khô mè được 5 năm rồi. Ngày thường ông làm khoảng 30kg bánh, ngày Tết cỡ 20 tấn. Ngoài Đà Nẵng, ông đưa hàng vô Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, lên Trà My, Tiên Phước. Toàn bộ các công đoạn đều sử dụng củi: từ nướng ruột bánh, rang mè đến thắng đường, sấy bánh.
“Ngày nay khi xã hội tân tiến thì đâu đó mỗi người chúng ta lại muốn trở lại với cội nguồn, quay về với những sản phẩm bánh trái của vùng quê được làm thủ công, không một máy móc hiện đại”, ông nói.
Nấu củi, tuy tốn chi phí nhiều hơn so với nấu bằng than đá hay chạy điện. Nhưng không sao, cả bà Hương lẫn ông Đạt cũng đều khẳng định, tuy lời ít hơn nhưng giữ được hương vị bánh trái quê nhà trong lòng người, nhất là mỗi khi Tết đến xuân về...
VĂN THÀNH LÊ