Hội làng Túy Loan và Giải đua thuyền truyền thống mở rộng quận Liên Chiểu là hai hoạt động hội hè đầu tiên trong năm mới. Mỗi nơi một vẻ, cả hai cùng góp phần điểm tô nhiều sắc màu cho bức tranh xuân Đà Nẵng.
Nhiều hoạt động ở Hội làng Túy Loan đã góp phần lưu giữ nếp xưa giữa cuộc sống đương đại. TRONG ẢNH: Thi gói bánh tét ở hội làng. Ảnh: V.T.L |
Quà quê và cuộc “so giọng” trên sông nước
Sáng mồng 10 tháng Giêng, ngoài chính lễ diễn ra tại chính đình, Hội làng Túy Loan năm Mậu Tuất 2018 còn có phần hội với các trò chơi như hát bài chòi, thi nướng bánh tráng, gói bánh tét, thi kéo dây, đẩy gậy, leo cây chuối...
Năm nay, các gian hàng ẩm thực, trưng bày sản phẩm đặc trưng quê hương sẽ giới thiệu với khách gần xa một số món dân dã như: mì Quảng, bánh tráng Túy Loan, bánh ít, các loại rau củ quả, nấm...
Bà Nguyễn Thị Ba, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Túy Loan Tây 2, người phụ trách gian hàng ẩm thực tại hội làng cho biết, các món mì Quảng, bánh tráng Túy Loan đã quá quen thuộc với mọi người. Để có món quà quê mang tính hội làng, bà đề nghị làm thêm các loại bánh ngày càng trở nên “quý hiếm” ngay cả với vùng nông thôn như bánh ít lá gai, bánh xu xê,...
Khách đến dự hội làng có thể dùng tại chỗ hoặc mang về làm quà. Như thế, con cháu sẽ vừa thưởng thức hương vị bánh quê vừa được người lớn giải thích vì sao lá gai mà làm được bánh, vì sao bánh xu xê còn có tên là bánh phu thê. Đó cũng là một cách “cập nhật” truyền thống vào đời sống hiện đại.
Tuy nhiên, nội dung mới và hấp dẫn nhất sẽ diễn ra vào đêm trước, tối mồng 9 Tết. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Ngô Văn Nhân cho biết sau phần thả hoa đăng là chương trình được đông đảo người dân quanh vùng mong đợi:
Thi hát hò khoan đối đáp trên sông Túy Loan do Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) huyện Hòa Vang tổ chức với nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, nét đặc trưng văn hóa, ngành nghề của từng địa phương. Tham gia cuộc thi quá mới này, 4 thôn Túy Loan Đông 1, Túy Loan Đông 2, Túy Loan Tây 1, Túy Loan Tây 2, mỗi thôn thành lập một đội tối đa 5 người.
Những ngày cuối năm cũ, mọi người vừa lo Tết vừa tập tành lên bổng xuống trầm cùng với các chuyên viên của Trung tâm. Để cuộc “so giọng” trên sông nước trở nên ý vị và đầy màu sắc dân gian, các đội chuẩn bị một chiếc ghe và bày biện trên đó trầu, cau, rượu và một số đặc sản địa phương mình.
Không thiếu các nhạc cụ truyền thống như song loan, sanh tiền, sanh sứa, trống... để làm cho các đợt hò xô trở nên rập ràng, hấp dẫn, đầy không khí hội hè hơn. Giữa không gian trên bến dưới thuyền, cây đa cổ bên mái đình rêu phong, khách du xuân sẽ cảm nhận tình quê qua câu hát vẳng lên từ sông nước:
Đông tàn mai nở chào xuân/ Đầu năm lễ hội đình làng Túy Loan/ Lễ cầu quốc thái dân an/ Hội vui câu hát hò khoan lưu truyền/ Mở lời chào hết quý thuyền quyên/ Biết đâu Hợp Phố nên duyên châu về…
Tiếng reo dậy sóng
Nếu sông Túy Loan là bối cảnh cho câu hò khoan đối đáp lần đầu tiên xuất hiện ở hội làng bên bến sông thì sông Cu Đê đã “dậy sóng” hơn 20 năm qua với những cuộc đua thuyền phía tây bắc thành phố Đà Nẵng.
Theo ký ức của Giám đốc Trung tâm VHTT quận Liên Chiểu Huỳnh Tám, trước năm 1997 nơi này đã có cuộc đua ghe cấp xã. Sau khi Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, phường Hòa Hiệp hằng năm tổ chức Giải đua thuyền Mừng Đảng đón Xuân. Đến năm 2004, cuộc đua trên sông nước này được nâng lên cấp quận với tên gọi Giải đua thuyền truyền thống quận Liên Chiểu.
Mãi đến năm 2012, khi thành lập Trung tâm VHTT trực thuộc UBND quận, giải được mở rộng bằng việc mời các đội ghe đến từ các quận/huyện bạn và từ các tỉnh bạn như: thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), Điện Bàn, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam)...
Hơn 20 năm qua, rất nhiều đội ghe đua đã làm “dậy sóng” nơi phía tây cầu Nam Ô. Nếu giải nhất đội ghe nữ các năm “luân chuyển” qua các đơn vị Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ (Đà Nẵng), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), thì giải nhất đội nam không dưới 10 lần rơi vào tay phường Hòa Hiệp Bắc, theo tính toán của ông Nguyễn Cửu Lâm, cán bộ văn hóa - thông tin phường.
Các vận động viên đua ghe của phường đều là dân chuyên nghề đánh lưới, kéo rớ trên sông nước, ai cũng ăn sóng nói gió nên đứng trên ghe chẳng khác đứng trên đất liền. Trong đó có 4 người trên 50 tuổi vẫn “dư sức” xuống ghe là các ông Đặng Lô, Nguyễn Cườm, Huỳnh Khinh, Trương Tồn. Ông Lô có 3 người con đều là các tay chèo cự phách, năm rồi xuống ghe đua, năm nay tiếp tục cùng đồng đội làm “dậy sóng” Cu Đê.
Năm nay 2 đội nam của Hòa Hiệp Bắc sẽ cùng với 3 đội bạn là Hòa Hiệp Nam, Hòa Liên, Duy Xuyên tranh giải đội nam. Đội nữ Hòa Hiệp Bắc sẽ cùng 4 đội bạn là Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Liên, Duy Xuyên tranh giải đội nữ. Chưa tới ngày đua mà từ vận động viên đến khán giả gần xa đều háo hức bội phần bởi thông tin cho biết năm nay có một doanh nghiệp ở Đà Nẵng tài trợ 50 triệu đồng làm giải thưởng cho cuộc đua.
Ở Hội làng Túy Loan, khúc sông đi qua trước đình làng cũng hứa hẹn dậy sóng. Năm nay cuộc đua ghe được nâng lên cấp huyện, do Trung tâm VHTT huyện tổ chức, dự kiến sẽ có 8 ghe đua đến từ các xã Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Nhơn, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Châu và xã nhà Hòa Phong.
Ông Lê Đinh Minh Hải, Giám đốc Trung tâm, sẽ có hai đợt đua, đợt đầu (cự ly 4km) cho 2 bảng, từ đó chọn ra mỗi bảng 2 đội để vào chung kết (cự ly 5km). Mấy năm trung tâm chỉ hỗ trợ về chuyên môn, năm nay trung tâm trực tiếp tổ chức và sẽ tiếp tục duy trì qua các năm sau để thành giải đua thuyền truyền thống như ở quận Liên Chiểu.
Tết đến xuân về, những dầm chèo nhịp nhàng khua sóng trong tiếng reo hò dậy men hội hè đã làm cho các cuộc đua thuyền không bao giờ cũ dưới mắt người xem…
VĂN THÀNH LÊ