1. Ngày Sáu tháng Giêng, giờ hoàng đạo, con cháu cố Khàng và mười lăm cánh thợ làng nghề Chung Hòa tập trung về từ đường làm lễ đại thọ cửu tuần cho cố. Tôi là thợ hạng “cựu binh” nhưng lại về muộn, đã thế còn mang theo một ông tây. Rét! Ai cũng mặc đồ ấm riêng ông tây chỉ bận áo thun cọc tay khiến nhiều người phải để ý. Đưa ông tây đến chỗ cố Khàng, tôi chưa kịp giới thiệu thì ông liền vái cố và nói tiếng Việt: “ Cháu Volodia chúc thọ cụ thợ cả”. Cố Khàng ngạc nhiên cảm ơn ông tây trong sự hiếu kỳ của hàng trăm cặp mắt…
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
2. Một mùa hè đã lâu rồi, tôi đang có kỳ nghỉ hè ở Sochi nổi tiếng thì có một ông tây đi xe Volvo đến tuyển nhân công đi xây dựng trang trại tận vùng thảo nguyên Kazakstane. Mức thù lao thật lý tưởng, ba mươi ruble/ngày. Cách ăn chia theo thứ bậc là: năm, bốn, ba, hai, một. Cụ thể là thợ cả ăn năm phần, thợ chính- bốn, thợ phụ- ba, phụ hồ- hai, và lao công- một. Tôi nhẩm tính, chỉ cần đi làm phụ hồ mỗi ngày cũng bỏ túi được hai mươi ruble, giá trị bằng gần bốn cái bàn là...
Chỉ chưa đầy ba mươi phút, người thuê nhân công bên A đã có danh sách hơn năm chục sinh viên ứng tuyển.
Ông bên A hỏi, ai làm được thợ cả. Chỉ một người giơ tay, tự giới thiệu là Volodia, đã từng có ba năm đi xây dựng đường sắt xuyên Sibir. Ông tuyển quân mời Volodia lên chỗ mình bắt tay và vỗ vào vai anh, khen: “Rất tốt!”. Ông lại hỏi: “Ai làm được thợ cả nữa nào?”. Tôi định liều giơ tay nhưng nhìn hơn năm mươi ông sinh viên ngoại quốc, râu tóc xùm xòa, cổ to như cột đình, vai rộng năm bảy tấc,… nên chột ngay.
Do việc gấp nên chúng tôi được ứng tiền vé tàu và ăn đường đến Kazastane ngay trong sáng hôm đó.
3. Những háo hức ban đầu của chúng tôi đã bị đốt cháy bởi cái nóng ban ngày lên đến hơn 500C ngoài trời và cái lạnh khủng khiếp ban đêm, khi nhiệt độ hạ xuống dưới 00C. Vì thế, ngày cũng như đêm tụi tôi đều phải mặc áo đệm bông dày. Ngày- chống nóng, đêm- chống rét.
Công việc bắt đầu trục trặc từ hôm xây móng. Những kiến thức về xây dựng đường sắt ở Sibir của Volodia không hợp với cung cách xây chuồng bò ở vùng Trung Á. Cái móng đá để xây lên bức tường chỉ cao mét rưỡi không cần phải gia cố nhiều đá như thế! Lãng phí quá! Đến lúc thợ cả vã mồ hôi hột bổ trụ thì chỉ nhìn thoáng, tôi thấy anh không biết gì về xây tường. Volodia mới lên được bốn hàng gạch thì ông bên A đến. Ông vừa nhìn cái móng, vừa khoa tay, quát ầm cả lên: “Thế này mà anh dám đòi làm thợ cả à? Anh xây cái gì đây ? Móng lô cốt? Anh làm thế này là diệt tôi ? Tôi biết trả lời với Xô viết huyện sao đây?”. Volodia cố giải thích, anh tạo cái móng bự là để xây được tường dầy, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm... Bên A không thông, vẫn gắt gỏng nói, không có ai xây móng kiểu tốn kém và vẹo vọ như Volodia cả. Ông quyết định cắt hợp đồng với cả đội, phần phí tổn bên A chịu vì đã chọn nhầm thợ cả.
Mặt Volodia ỉu xìu xịu như bánh mì ngấm nước, còn tụi tôi thì thất thần ngồi rũ xuống nền cỏ thảo nguyên.
Nhìn “thảm cảnh” đó, tôi bỗng cứng cỏi nói: “Đồng chí bên A có thể gia ân ba mươi phút để tôi xây bổ trụ thẳng đứng, nắn móng phẳng lì và lên tường ngon lành được không ạ ? Xin đồng chí coi đây là lời nói Vô sản tất cả các nước liên hợp lại”. Câu nói cuối của tôi làm các bạn sinh viên bật cười. Ông bên A cũng cười và bảo: “Ba mươi phút mà thay đổi hoàn cảnh này ư? Tôi sẽ cho bạn một giờ”. Tôi dùng từ cảm ơn lớn để tạ ông và hô các bạn sinh viên vào việc khuân gạch, tải xi-măng, đi lấy tre gỗ làm giàn giáo, nhào lại vữa...
Tôi xắn tay áo, chọn một con dao sắc nhất. Trong khi chờ có tre, tôi rảo nhanh đến chỗ để vỏ bao xi-măng rút ra ba sợi nilon đem lại chỗ bổ trụ. Ông bên A nhìn mọi hành sự của tôi với vẻ tò mò. Khi tre được khuân đến, tôi nhặt một cây gióng dài, chặt lấy đoạn ngọn, bổ đôi giữ lại hai mắt đầu còn phang hết các mắt giữa, tạo thành một cái máng. Kê thật bằng, tôi đổ nước vào máng và cân lại lần nữa cho chuẩn trước khi căng dây, đánh dấu. Sau đó, tôi cho dựng cọc tre ở hai trụ rồi dùng dây nilon buộc vào một phần tư hòn gạch làm quả rọi với điểm thăng bằng đã được lấy ở hai phía cột. Bổ trụ xong, tôi xây một lúc đã được năm hàng gạch rồi chuyển sang bổ trụ tiếp đầu bên kia… Ông bên A phải thốt lên: “Thợ cả đây rồi! Ura!”.
Như dòng chảy đã khơi thông. Tôi bổ tiếp sáu cái trụ, dạy cho các bạn sáng ý cách xây tường. Các bộ phận đào móng, chuyển đá, tập kết vật liệu khác cũng vào mạch nhộn nhịp và trôi chảy.
Cuối ngày, ai cũng mệt bã nhưng vui vì đã đào móng động thổ thành công. Chúng tôi có chèo kéo ông bên A ở lại uống rượu mừng công nhưng ông nháy mắt cười, bảo, vợ trẻ không cho về muộn. Ông biếu đội vò rượu rồi lên xe dông thẳng vào thảo nguyên hun hút.
4. Đêm xuống, đã mười một giờ rồi mà thảo nguyên vẫn còn thứ ánh sáng màu vàng như mỡ gà. Thời tiết lúc này đã giảm xuống dưới 200C mát mẻ và dễ chịu. Phần đông đội viên đều lăn ra ngủ. Riêng tôi, hai mắt cứ hong hóng tò mò quan sát khung cảnh hoàng hôn đang hiển hiện thật ảo diệu rồi tôi khẽ trở dậy, một mình đi vào thảo nguyên. Chừng được hơn cây số, tôi ngồi ngắm cảnh mặt trời sắp chìm hẳn xuống chân mây.
“Thợ cả!”. Có tiếng gọi phía sau tôi. Tôi giật mình quay lại và thấy Volodia. Không để cho tôi kịp hỏi, anh giải thích luôn: “Baby Cuba Phermandi hẹn ra thị trấn chơi nhưng thấy vắng thợ cả, tôi đi tìm”.Tôi không giấu cảm xúc, nói: “Thảo nguyên thật tuyệt vời, Volodia ạ! Chứng nghiệm cảnh này tôi càng không ngạc nhiên khi các nhà văn lớn nhất của nước Nga đều có những trang viết rất hay về thảo nguyên”. Volodia ngồi xuống bên tôi, gật gù nói: “Thợ cả, chúng ta còn ở đây lâu, anh sẽ còn nhiều dịp khám phá thảo nguyên. Lúc này tôi muốn hỏi anh một câu được không ạ?”. Tôi đáp: “Sao Volodia trịnh trọng thế ? Anh học trước tôi hai khóa, là bề trên của tôi mà”. Volodia: “Không, anh là thợ cả, thợ cả ơi, tôi rất muốn biết, tại sao mới hai mươi tuổi mà anh có tay nghề chói sáng đến thế?”. Tôi suýt bật cười khi Volodia phong cho tôi từ chói sáng. Nhưng nhìn thấy vẻ mặt chân thành của anh, tôi chỉ hơi mỉm cười bảo: “Ở làng tôi, đứa trẻ mười ba mười bốn tuổi có thể gia móng, bổ trụ nhanh hơn tay nghề của tôi đấy”. Volodia trố mắt hỏi: “Thật chứ ?”. Tôi gật đầu xác nhận và để Volodia tin điều tôi vừa nói, tôi kể cho anh nghe về một người thợ cả đã khai tâm cho tôi: “Quê tôi nghèo lắm. Trẻ con mới tám chín tuổi đã phải đi theo các gánh thợ lang thang kiếm cơm thiên hạ. Khi vào tuổi mười ba, tôi cũng được sung vào một đội thợ nề đi xây lò sấy thuốc lá hai tầng với chức phụ hồ. Thoạt nhìn thấy dáng khẳng khiu của tôi, ông thợ cả tên Khàng lắc đầu, bảo: “Tay chân học trò thế này thì làm việc thổ mộc sao được?”. Anh họ tôi PR ngay: “Bé hạt tiêu, bác ạ! Gánh nổi năm chục ký đấy, siêng lắm!”. Ông Khàng vẫn lắc đầu: “Cố thì cũng được thôi. Nhưng quỵ ra đó, ai chịu trách nhiệm?”. Tôi hăng hái: “Bác cho cháu thử sức. Nếu cảm thấy sắp quỵ, cháu xin thôi ngay!”. Ông Khàng thở dài nhìn tôi giao nhiệm vụ: “ Thôi thì phụ hồ vậy, đến cuối ngày cậu đi thổi cơm; cơm xong, rửa ráy bát đũa”. Tôi liền thưa: “Cháu hứa sẽ công tác tốt nhất”.
Hứa là vậy nhưng khi vào cuộc thì mới thấy khiếp hãi làm sao! Buổi đầu phải giả bộ không hề biết mệt để thợ cả thấy tôi là người được việc. Nhưng đêm về, tôi đau khắp đầu mình và tứ chi. Mệt mỏi nhưng tôi lại khó ngủ, khi thiếp đi thì liền ngáy hộc lên. Đến ngày thứ ba, tôi oải lắm. Cuối ngày, tôi chỉ ăn được nửa bát cơm, bưng nồi nước chè từ ngoài vào lán, chân loạng choạng, suýt ngã. Lúc mọi người đi nằm, tôi ra góc lán ngồi ngắm trăng và tĩnh tâm lại để tính toán nên rút lui như thế nào cho trôi. Những hình ảnh nhọc nhằn trong ba ngày phụ hồ hiện lên cực chi tiết trước mắt tôi. Chỗ này ới gạch, chỗ kia đòi vữa, chỗ kia nữa cáu gắt um lên vì vữa bị khô, không ăn gạch… Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy mình vẫn còn gặp may. Bác Khàng thợ cả luôn có lời động viên, bảo tôi sẽ quen dần, nhắc tôi phải ăn khỏe vào thì mới có sức chiến đấu lâu dài được. Đặc biệt, bác Khàng là người vui tính hay pha trò, dường như chuyện gì dưới con mắt của bác đều có nét hoạt kê. Nghe loa công cộng buổi sáng bình luận về sự phản trắc của tập đoàn Lon Non đảo chính cướp quyền của quốc trưởng Sihanuk, bác hạ một câu: “Lon già chúng tao cũng không sợ nữa là Lon Non!”. Thế là cả đám thợ cùng cười tóa lên.
Tôi kể tiếp với Volodia, tôi còn thấy bác Khàng hay kể chuyện mưu lược trong sách Tam Quốc diễn nghĩa nhưng bằng sự hiểu biết của tôi về bộ sách này thì bác biết tích truyện là do nghe truyền khẩu chứ chưa đọc văn bản hoặc có đọc cũng chỉ lướt qua, vì các tình tiết, nhân vật có sự nhầm lẫn công tích của tướng nọ với soái kia. Nghĩ đến đó, tôi bỗng nhận ra lối thoát, ít nhất là thoát trong danh dự. Tôi phấn chấn đi vào lán. Bác Khàng vẫn còn thức, vì tôi nhận ra ở chỗ bác nằm, chấm sáng đầu điếu thuốc lá lúc tắt lúc hừng.
Tôi mạnh dạn đến bên bác, khen: “Bác cả vui tính thật! Chuyện gì nghe bác kể cũng từ tức cười trở lên. Bác ơi, bác thích truyện Tam Quốc phải không ạ?”. Bác Khàng: “Nhất, nhưng chữ nghĩa ít, đọc vất lắm. Nghe Tam Quốc, bác quên đói luôn!”. Tôi khoe: “Cháu rất thuộc Tam Quốc…!”. Bác Khàng liền ôm lấy tôi, hỏi: “Cu Ty kể được chứ?”. “Vâng!” Tôi đáp và tự tin bắt chước giọng giảng bài đầy truyền cảm của thầy dạy văn vào chương đầu: “Tiệc vườn đào, anh hùng kết nghĩa / Chém Khăn vàng, hào kiệt lập công”… Tiếp theo, tôi cứ nhẩn nha đủng đỉnh đi một mạch hết chương một và mắt buồn ngủ díp lại. Tôi thưa với bác Khàng, sáng mai lúc uống nước để ra công trình tôi sẽ phục vụ tiếp chương hai nhưng bác Khàng đang cơn phê, giục tôi kể tiếp, tôi kể và ngủ quên lúc nào không biết. Sáng hôm sau, lúc tôi tỉnh dậy đã thấy mọi người ngồi quanh bàn chè thuốc chuyện trò rum cả lên. Tôi hốt hoảng đến thất kinh vì dám bỏ bê nhiệm vụ, ngủ vùi khi ngày làm việc thổ mộc mới sắp bắt đầu. Tôi đến chỗ bác Khàng để nói câu xin lỗi nhưng bác nhìn tôi đầy vẻ thông cảm, bảo: “Cu Ty, rửa mặt rồi ăn sáng đi. Hôm nay mua ngô luộc, không phải đun nấu gì đâu”. Tôi lý nhí đáp “vâng” rồi chạy ra ngoài vốc nước rửa mặt qua loa và đút vội bắp ngô luộc vào túi quần. Bác Khàng bảo: “Cứ ăn thoải mái đi, công việc nhiều, tuần tự mà làm, đừng có cuống”.
Bác nói thế nhưng tôi vội vàng thu dọn chỗ bàn trà thuốc cho gọn. Lúc tôi chạy ra công trình thấy một cối vữa đã đánh xong rồi. Tôi tròn mắt ngạc nhiên và lo. Bác Khàng vẫy tôi lại nghiêm nghị bảo nhỏ: “Cu Ty hôm nay lên giàn giáo!”. Tôi hoảng, định nói lời thanh minh nhưng bác Khàng hất hàm bảo tôi đi theo bác. Tôi vừa đi vừa run. Khi lên tầng hai, bác Khàng nhìn tôi và vận vào một câu Kiều, lẩy: “Trông gương trong bấy nhiêu ngày / Thấy công cũng đặng, thấy tài cũng thương” rồi bác dạy tôi cách bổ trụ, cách chăng dây, cách đổ vữa, đặt gạch, chỉnh gạch sao cho thẳng và phẳng…
Tôi dừng, nhìn Volodia bảo: “Thế đấy! Nhờ bác Khàng mà trong buổi sáng đó, khi mới mười ba tuổi, tôi đã làm được công việc của một người thợ xây chuyên nghiệp. Sau này lớn lên tiếp, lặn lội kiếm sống tiếp, tôi luôn được coi là một tay thợ có nghề nhưng chưa bao giờ làm thợ cả đâu. Thợ cả phải lĩnh hội nhiều phẩm chất như bác Khàng ấy!”.“Thợ cả!” Volodia ôm lấy bàn tay tôi bằng cả hai nắm tay to tướng rất công nhân của anh và thốt tiếp: “Anh là thợ cả của tôi và chúng tôi. Nhìn thấy anh ra mấy chưởng nghề, tôi bái phục, bái phục!”. Volodia bỗng đứng lên làm động tác như các kỵ sĩ vừa từ trên mình ngựa nhảy xuống, tay cầm mép mũ kỵ binh đi một đường hình dấu ngã thành kính. Tôi chưa kịp ngăn anh thì thấy xa xa hơn thảo nguyên có nhiều cây đuốc chấp chới lao đến chỗ chúng tôi.
Hai chúng tôi ngạc nhiên và sợ. Cái gì thế này ? Những ngọn đuốc vẫn chấp chới lao đến chỗ chúng tôi mỗi lúc một gần, huơ huơ, biến ảo.
Khi đến gần hơn, những ngọn đuốc đó hình thành một cánh cung lửa lay động chấp chới, chấp chới.
Rồi có tiếng gọi to: “Thợ cả ơi!”.
Nghe thế, Volodia bật máy lửa giơ lên. Anh cũng gào to đáp lại: “Thợ cả ở đây… ây!”.
Cái cánh cung lửa xô đến, dừng lại. Tôi nhận ra ngoài đám sinh viên bạn tôi còn có ông bên A. Ông vỗ vỗ tay trịnh trọng, nói: “Thợ cả! Nghe chiến công của đồng chí, đích thân chủ tịch Xô viết huyện, đồngchí Vaxili Vaxilievist đã đến chúc mừng và úy lạo cả đội. Mời thợ cả về lán để nhận vinh dự hiếm có này. Vaxili Vaxilievits đang đợi”.
Tôi chưa kịp đáp thì mọi người đã công kênh tôi lên vai chạy tốc hành trên thảo nguyên cùng với điệp khúc reo hò: “Thợ cả! Ura..a!”.
5. Volodia là một người ưa xê dịch. Anh từng đi thám hiểm Nam Cực, đi chặt mía ở Cu Ba, đi khai thác dầu ở Murmansk… Cuối năm rồi anh đến Vũng Tàu mở nhà hàng ẩm thực Bạch Dương. Volodia đã tìm ra tôi và khi biết cố Khàng, người khai tâm nghề cho tôi thượng thọ tuổi chín mươi, anh làm một chuyến bay ra Bắc đòi tôi đưa đến tặng cố một cái thước thợ bằng gỗ sồi Sibir. Nhân ngày tốt, làng mời cố Khàng “mở hàng” viên gạch xây móng trùng tu đền đức Thánh Cả, nhìn bàn tay cầm bay ở tuổi cửu tuần của cố, Volodia cứ trầm trồ: “Ôi! Thật tuyệt! Chả khác gì biểu diễn nghệ thuật!”
LÊ NGỌC MINH