Công viên trẻ em

.

Ra Tết nhưng Công viên 29-3 vẫn tưng bừng không khí mùa xuân bởi nhiều người “nhịn” đến qua “mồng” mới vào đây vui chơi, tránh cảnh chen lấn, quá tải trong những ngày Tết. Công viên rất đẹp. Điều này không thể bàn cãi.

Kiếm đâu ra giữa trung tâm thành phố mỗi tấc đất tấc vàng lại có bãi cỏ bạt ngàn xanh mướt, hồ nước mênh mông, những hàng phượng, hàng cổ thụ soi bóng lung linh như thế. Mỗi tội đồ chơi quá cũ nát. Công viên 29-3 là nơi gắn bó với tuổi thơ của hầu hết các thế hệ 7x, 8x của Đà Nẵng, thậm chí là cả Quảng Nam.

Mấy ai lớn lên ở mảnh đất này mà chưa một lần vào Công viên 29-3 chơi Tết trên những chiếc máy bay, xe ngựa, tàu lửa đong đầy thế giới tuổi thơ. Thế nhưng, đến tận hôm nay, khi những thế hệ 7x, 8x đã sinh sôi ra được những thế hệ “mười mấy x” thì những trò chơi ở Công viên 29-3 vẫn như vậy, chẳng trẻ trung theo tẹo nào, có khi còn già nua thấy rõ qua thời gian.

Cũng những chiếc máy bay “ngày ấy”, bây giờ được dán thêm logo của vài hãng hàng không cho ra dáng, vậy mà trẻ con vẫn háo hức rồng rắn xếp hàng chờ bay. Mỗi lần máy bay cất cánh, thay vì tiếng gầm rú của động cơ là tiếng “rột! rột!” nặng nhọc từ trụ đỡ đã quá cũ kỹ.

Đối với những “phi công” nhí hí hửng ngồi trên kia, chắc những âm thanh này đã tạo thêm chút kỳ thú cho chuyến phiêu lưu của mình, chỉ có phụ huynh là không khỏi hồi hộp khi con ngồi trên những phương tiện chưa biết sẽ trục trặc lúc nào. Trước Tết, nhiều chiếc máy bay trong đó đã bị “đơ” không nâng, không hạ được và người phục vụ trò chơi phải đặt ghế nhựa vào bên trong “ám hiệu” máy bay đã hỏng.

Trước trò máy bay, bước vào công viên, ngay lập tức đứa trẻ nào cũng bị thu hút bởi “tàu rồng siêu tốc” vì con tàu này hoạt động ở chỗ rất dễ nhận thấy khi đường ray của tàu nằm ngay trên bãi gửi xe máy. Đứng gửi xe mà phụ huynh phải chong mắt ngó… lên trời né tàu chạy ngang phía đầu mình là chuyện thường. Đúng là cảm giác mạnh cho cả người chơi và người không chơi!

Đến trò xe điện đụng, quả thật đã chơi ở đây sẽ thấy Công viên 29-3 không hề thiếu trò mang đầy cảm giác. “Dàn” xe điện đụng bị nằm bãi hết một nửa do hư hỏng, chỉ còn vài chiếc hoạt động được nên ai muốn chơi phải chịu khó chờ.

Sau 4 lượt chờ, đến khi nhích vào vạch xuất phát, 2 đứa trẻ quay sang hỏi mẹ với vẻ hoang mang: cái trần bị sao vậy mẹ? Thằng nhỏ lí nhí nói với đôi mắt không rời tấm sắt đang lủng lẳng chực rơi ở trần khu vực xe điện đụng.

Trần được nối bằng nhiều mảnh sắt, mỗi mảnh có kích thước khoảng 1x1 mét. Mỗi lần cây tiếp điện của xe điện đụng quẹt qua là mảnh sắt này lại bong một chút. Khi mảnh sắt có vẻ khó “trụ” thêm trên trần, anh phục vụ phải lao ra đứng trong khu vực xe điện đang chạy để làm “vật chắn” không cho trẻ lái xe dưới tấm kim loại này, nhưng các “tài xế” ở đây toàn lơ tơ mơ trước vô-lăng nên cứ liên tục nhào xe qua khu vực nguy hiểm.

Hết vài phút chơi, người phục vụ tạm dừng tiếp nhận lượt chơi mới để chờ nối lại tấm sắt. Hú hồn! Một trò cảm giác mạnh đúng nghĩa! Mà thực ra đó cũng chỉ là sự “phản ứng” nhẹ nhàng của cái trần sắt này khi tuổi thọ của nó đã quá cao, đáng ra nó phải được “nghỉ hưu” lâu rồi mới phải.

Nói trẻ con Đà Nẵng không có sự lựa chọn nào khác ngoài Công viên 29-3 là không đúng. Công viên hiện đại ở thành phố chẳng thiếu, nhưng vào những công viên mới, đồ chơi phong phú, vui chơi thả ga thì của nào tiền nấy.

Với giá vé vài trăm ngàn đồng, tính ra ngoài tiền vé của con, cha mẹ còn tốn thêm hơn nửa triệu bạc mua vé cho 2 người vào trông coi con chơi. Riêng tiền mua vé, trung bình một gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ tốn tròn 1 triệu đồng. Không thể nói giá đó là đắt hay rẻ, bởi thuận mua vừa bán, muốn thì vào không muốn thì thôi; có điều tôi đã nghe không ít đứa trẻ dù rất thích được chơi trong công viên hiện đại nhưng cha mẹ không thể bỏ ra số tiền đó để mua vé vào cùng nên cả nhà đành chấp nhận chơi ở Công viên 29-3 cho rẻ.

Xóm tôi thì có cách tính toán “cao tay” hơn. Tết vừa rồi, thay vì mỗi nhà tốn mớ tiền đưa con vào công viên hiện đại chơi, cả xóm tin tưởng giao 7 đứa trẻ cho một bà mẹ tình nguyện đứng ra làm “tổng quản lý” dẫn bầy con nít đi công viên, thành ra chỉ tốn vé cho 1 người lớn, còn đám con nít thì kiểu gì chẳng “chơi lại vốn”.

Công viên không thiếu, công viên nhỏ nhỏ với vài ba trò chơi ở khu dân cư cũng nhiều, nhưng công viên lớn với thế giới trò chơi phong phú, an toàn, phù hợp cho trẻ em và giá cả không là vấn đề phải lăn tăn thì trẻ em Đà Nẵng còn cần lắm. Tết vào chơi công viên mà phải “mạo hiểm” hoặc phải “cao tay” tính toán, thiệt tội con nít.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.