Đêm ở ga Đà Nẵng đôi khi đem lại cảm xúc thật đặc biệt. Chuyến tàu đêm khép lại một ngày tất bật với từng hồi còi cất lên thao thiết, vang xa rồi mất hút trong tĩnh lặng.
Một góc ga Đà Nẵng về đêm. Ảnh: Mai Hiền |
20 giờ 30, khung cảnh trước sân ga khá tĩnh lặng và yên ả. Từ giờ đến cuối ngày sẽ có hai đoàn tàu SE7 đi Thành phố Hồ Chí Minh lúc 22 giờ 45 và SE8 đi Hà Nội lúc 23 giờ. Chuyến tàu đầu tiên trong ngày hôm sau sẽ khởi hành vào lúc 1 giờ 43.
Phòng đợi tàu, lượng khách vãng lai có khá nhiều người nước ngoài. Ông Barry đến từ Canada đang đợi đoàn tàu SE7 để đi thành phố Nha Trang trong một cảm giác đầy vẻ hài lòng. Ông nói: “Ở đây, mọi thứ khá tuyệt và bình yên. Tôi sẽ trở lại đây một lần nữa trong thời gian tới”.
Cùng chung chuyến tàu này, chị Paloma đến từ Brazil háo hức chia sẻ: “Buổi tối ở ga hơi vắng, chắc do tôi đến sớm nên cảm thấy hơi buồn. Thời tiết lúc này ở ga khá giống với Brazil. Điều này đôi khi làm tôi cảm thấy nhớ Brazil. Tôi đã tận hưởng một kỳ nghỉ tuyệt vời ở Đà Nẵng”.
Lượng người đến ga dần đông lên. Sắp đến thời điểm tàu SE7 xuất phát, tiếng nhắc nhở của chị nhân viên thông báo đến mọi người vang lên trên loa ấm áp. Ai nấy chộn rộn, tất bật cùng hành lý của mình vào ga để kịp giờ tàu.
Anh Trần Đức Mạnh (sinh năm 1994, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết: “Những chuyến tàu đêm tại ga luôn rất đặc biệt, tôi đi làm xa nên lúc nào cũng chọn chuyến tàu đêm tại ga để đi cho kịp vào Quy Nhơn làm việc vào sáng mai. Dù có nhiều phương tiện giao thông khác nhưng tôi vẫn chọn tàu vì sự an toàn. Hơn nữa, tôi đi tàu từ nhỏ đến giờ quen rồi, trừ khi có việc gấp mới đi xe khách hay máy bay”. Anh vừa dứt lời thì cũng là lúc cửa phòng đợi tàu mở ra để đón khách.
Hai bên hành lang đứng đợi tàu, khói bay lên nghi ngút từ những nồi xôi nóng hổi. Vài người cố nán lại để mua thêm hộp xôi, bịch sữa. Tiếng còi tàu vang lên. Những hành khách cuối cùng cũng vừa kịp bước lên tàu. Đoàn tàu rời ga, để lại một khoảng không vắng lặng. Vài nhân viên vội chuẩn bị cho chuyến tàu SE8 tiếp theo sẽ đến ga Đà Nẵng sau chừng 15 phút.
Gia đình của anh Hoàng Ri (sinh năm 1982, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) bán đồ ăn thức uống như: cơm, xôi, bánh bao, các loại bánh ngọt, nước đóng chai,… tại ga Đà Nẵng được 26 năm. Lớn lên cùng tiếng còi tàu, anh đã quen thuộc nhà ga, quen thuộc những chuyến tàu đêm như chính nhịp sống của mình. Anh cho biết: “So với trước đây, những chuyến tàu đêm thường đến đúng giờ hơn, hành khách được phục vụ chu đáo hơn. Phòng chờ tàu được mở rộng, sạch sẽ, tạo cảm giác ấm áp cho những hành khách và người đi kẻ tiễn”.
Cũng bán các mặt hàng tương tự anh Hoàng Ri đã được 7 năm, chị H.T.N.L (sinh năm 1978, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) nói thêm: “Dù khách mua hàng không đông như trước, nhưng chúng tôi luôn gắn bó với nhau trong cuộc mưu sinh”. Có lẽ từ khi nhà ga hình thành cho đến tận bây giờ, sự hiện diện của những người như chị L. hay anh Ri đã góp phần xua tan màn đêm yên tĩnh, đem lại cho người đi, kẻ ở một cảm giác ấm áp, thân quen và gần gũi.
23 giờ 15, chuyến tàu cuối cùng trong ngày dần rời xa ga, những nhân viên trong tổ trực ban khách vận tranh thủ thời gian nghỉ đêm ít ỏi để còn chuẩn bị cho chuyến tàu đầu tiên vào ngày mới vào lúc 1 giờ 43.
Anh Huỳnh Ngọc Phương, Tổ trưởng Tổ Trực ban khách vận - công tác được 17 năm ở ga Đà Nẵng cho hay, phục vụ những chuyến tàu đêm, nhất là những dịp lễ tết, có tàu tăng cường thì thời gian nghỉ ngơi của anh em trong tổ có khi phải tranh thủ từng phút. Giữa thời gian bắt đầu chuyển qua ngày mới, anh kể cho chúng tôi về một kỷ niệm vào dịp Tết khoảng 3 năm trước.
Lần đó, anh bắt gặp một gia đình gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ. Thấy người vợ khóc, anh Phương vội đến hỏi chuyện mới hay, gia đình anh chị quê ở Đà Nẵng, vô làm ăn và sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nghe tin cha bệnh nặng, anh chị vét tiền dành dụm, vay mượn tiền để về. Theo vé đã mua thì gia đình anh chị vào lại Sài Gòn lúc 1 giờ 30 sáng, nhưng lại nhầm qua chuyến 1 giờ 30 chiều. Vì vé Tết giá cao hơn vé ngày thường, nên anh chị không đủ tiền mua lại vé.
Anh Phương đã tặng gia đình 1 triệu đồng với ý nghĩ đơn giản là giúp đỡ họ đi tiếp cuộc hành trình, chứ không bao giờ mong nhận lại. Niềm vui như bừng sáng trên gương mặt của đôi vợ chồng. Vài tháng sau, họ đã gửi về cơ quan anh một lá thư cảm ơn. Rồi một tuần sau họ đã nhờ một người cháu mang trả lại anh số tiền mà họ đã nặng ơn.
Chia sẻ về công việc của mình, anh Nguyễn Xuân Duy, nhân viên Tổ chạy tàu cho biết, dù có cực nhọc, vất vả với nghề bao nhiêu, thì khi nhìn thấy niềm hạnh phúc của những hành khách sắp được đoàn tụ với gia đình, anh như được vui lây, mọi mệt mỏi dường như tan biến, đặc biệt là những chuyến tàu đêm cuối cùng của năm cũ được bình an và suôn sẻ, kịp cho hành khách trở về quê đón Tết. 10 năm trôi qua, từng hồi còi tàu cất lên trong đêm thanh vắng, từng nụ cười đón nhau hạnh phúc với anh đã thành thân thuộc.
Đêm cuối năm, ở một góc nhỏ cạnh nhà ga, bếp than “Quán bánh tráng nướng 1.000 sao” trên vỉa hè của vợ chồng ông Lê Thông, sinh năm 1957 và bà Lê Thị Hải, sinh năm 1963 (quê Điện Bàn, Quảng Nam) đỏ rực. Những chiếc bánh tráng đang được ông chủ quán nhanh tay lật qua, trở lại trên lò. Bên cạnh ông, người vợ bị khuyết một tay đang nhúng bánh tráng, cho nguyên liệu theo yêu cầu của khách lên bánh rồi cuộn lại. Xung quanh là những bạn trẻ đang ngồi chờ bánh chín.
Người ta thường nhớ đêm ở ga Huế với những tách trà nóng thâu đêm, thì có thể nói rằng, quán bánh tráng này là một trong những hình ảnh quen thuộc nhất về đêm ở trước ga Đà Nẵng. Quán bánh tráng đã có mặt ở góc nhà ga hơn 30 năm nay, như ngọn lửa nhỏ ấm áp trong những đêm lạnh buốt.
Muốn thưởng thức được những chiếc bánh tráng nướng, phải đợi đến sau 19 giờ, có khi trễ hơn. Quán bán đến nửa đêm, có hôm trễ lắm thì tận 2 giờ sáng. Mỗi chiếc bánh có giá chỉ 5.000 đồng nhưng rất ngon và đầy đủ nhân, nào bò khô, pate, trứng cút, hành phi,… kèm nước chấm đậm đà.
Những vị khách đến quán, ngoài những bạn trẻ ở Đà Nẵng còn có khách du lịch, được bạn bè giới thiệu hoặc xem qua mạng và có những vị khách vừa rời khỏi chuyến tàu đêm. Trong cái lạnh về đêm, quây quần bên những chiếc ghế nhựa thấp, bên mấy lon sữa cũ đặt làm bàn, vừa thưởng thức chiếc bánh tráng nướng thơm ngon, nóng hổi, thỉnh thoảng lại nghe hồi còi tàu vang lên thật gần, quả là một cảm giác thú vị.
Thức đêm cùng nhà ga, chúng tôi mới cảm nhận được trọn vẹn ý nghĩa của tiếng còi tàu. Sau bao nhiêu năm tồn tại, ga Đà Nẵng đã chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc đoàn tụ và chia tay. Tàu đến, tiếng còi tàu từ xa cứ mỗi lúc một rõ dần. Cả sân ga chộn rộn, nôn nao.
Tàu đi, tiếng còi tàu xa dần, nhỏ dần rồi lọt vào đêm mất hút. Một khoảng trống mênh mang lắng lại. Nhưng dù đến hay đi thì khi nghe âm thanh ấy, trong lòng bao người lại rộn lên một cảm xúc khó tả. Có những người sắp được chạm chân đến Đà Nẵng, có những người lại phải rời xa Đà Nẵng, rời người thân bè bạn.
Bà Đặng Thị Nga, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại đường sắt Đông Dương chi nhánh Đà Nẵng (quản lý các gian hàng buôn bán trong khu vực nhà ga) cho hay: “Hiện tại có 18 hộ đang buôn bán ở ga. Mỗi hộ buôn bán đều có một hợp đồng cam kết thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, công ty cũng trang bị đầy đủ cho mỗi hộ buôn bán thiết bị phòng cháy chữa cháy cùng kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm” . |
Ga Đà Nẵng được khánh thành năm 1902. Đà Nẵng ngày trước có hai nhà ga xe lửa. Một nhà ga chính (trung tâm) mang tên Gare de Tourane-Central, tức Ga Đà Nẵng hiện nay. Một nhà ga phụ ở chợ Hàn, gọi là Gare de Tourane-Marché. Ga Đà Nẵng là một trong 3 ga trung tâm của tuyến đường sắt Việt Nam. Đoạn đường sắt chạy qua thành phố trải dài gần 30km với nhiều ga phụ như Hải Vân Nam, Kim Liên, Thanh Khê rồi đến ga trung tâm Đà Nẵng. |
Ghi chép Mai Hiền