Nghĩ

Điểm đến đầu tiên

.

Không thể “nín” thêm trong lúc chờ tàu ở sân ga, chị chậm rãi hỏi: “Em thấy thế nào?”. “Đầu tiên em tháo kính cận để không phải thấy mọi thứ quá rõ nét, sau đó hít một hơi thật dài rồi nín thở lao vào đến khi lao ra. Em cũng suýt đứt hơi”, tôi mô tả và khuyên chị: “Toilet công cộng thì vậy thôi, không đi ở đây, lên tàu cũng chẳng tốt hơn mấy. Coi bộ không nín được nữa thì chị cứ nhắm mắt nhắm mũi đi cho rồi”…

Vài phút sau chị quay trở lại với vẻ chưa hoàn hồn: “Kinh quá, không thể chịu nổi. Hơn 10 năm chị mới lại đi tàu nhưng toilet chẳng tiến bộ lên chút nào cả!”.

Hơn 10 năm rồi không đi tàu nên chị khá bất ngờ khi tàu bây giờ có cả miếng gác chân kéo dài dưới ghế cho khách đỡ mỏi, rác trên các toa được thu dọn thường xuyên, và mới đây những chuyến tàu “5 sao” cũng đã xuất bến.

Nhìn tàu “5 sao” mà thèm, sang trọng như máy bay từ nội thất đến cung cách phục vụ. Khách muốn đọc sách, có đèn cá nhân. Khách muốn sạc điện thoại, có ổ cắm cá nhân ở vị trí thuận tiện nhất. Khách muốn biết giờ tàu đến hay nhiệt độ trên toa, có màn hình điện tử thông báo, khỏi cần chầu chực hỏi nhân viên phục vụ.

Khách cảm thấy nóng, lạnh bất thường, có nút điều chỉnh hệ thống điều hòa ngay bên cạnh. Kể cả cái nhỏ nhỏ như suất ăn trên tàu cũng đẳng cấp theo tiêu chuẩn hàng không. Mê nhất là… toilet. Căn phòng “bé mọn” này sử dụng hệ thống vệ sinh tự hoại công nghệ tiên tiến, bồn rửa mặt với vòi nước cảm ứng, cửa thiết kế gấp hai cánh và một bó hoa tươi đặt bên tấm gương soi tôn thêm vẻ sang trọng.

Ai nói ít tiền mới chọn đi tàu, thử lên tàu “5 sao” sẽ biết. Ác cái, nhà vệ sinh ở sân ga vẫn chưa có gì “đột phá”, bất chấp khách mua vé tàu “5 sao” hay tàu “chợ”. Ngành đường sắt nâng cấp các đoàn tàu lên “5 sao” để cạnh tranh với những phương tiện vận tải khác nhưng có vẻ “sao” mới chỉ có ở trên tàu…

Không chỉ khách Việt, rất nhiều người nước ngoài vẫn chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển trên hành trình du lịch của họ. Mà ai cũng biết, tây hay ta đều có “nỗi buồn” như nhau, trước và sau chặng đường dài, nhà vệ sinh luôn là điểm dừng chân đầu tiên của mỗi du khách chứ không phải bất kỳ di tích, thắng cảnh, khu du lịch nổi tiếng nào khác.

Ngược đời, trong khi các ngành chức năng làm mọi cách để quảng bá những điểm đến hấp dẫn của quê hương, đất nước mình với đủ hình ảnh xinh đẹp, âm thanh bắt tai và những câu phương châm (slogan) bay bướm thì “điểm đến đầu tiên” thực sự đầy “mời gọi” du khách lại bị coi là “công trình phụ”, là chuyện quá nhỏ để chẳng thèm đầu tư.

Mọi lời quảng cáo “quê hương tôi xinh đẹp lắm, tươi mát lắm, trong lành lắm” sẽ chẳng có chút giá trị nào đọng lại nếu vừa xuống tàu bắt đầu hành trình khám phá vùng đất đó, du khách phải bước ngay vào cái toilet hôi ình. Chưa kể, với những khách có vấn đề về khả năng di chuyển hoặc khuyết tật thì nhà vệ sinh trong sân ga hiện nay thực sự là thách thức đối với họ.

Nhớ có lần vào toilet công cộng trong chặng hành trình du lịch, tôi đã lúng túng khi phải nhìn “rừng” bảng chỉ dẫn ở đây. Ngoài phòng nam riêng, nữ riêng, còn có nhiều loại phòng cho từng đối tượng. Nào là phòng dành cho người đi xe lăn (chỗ quay đầu xe rộng rãi và có tay vịn); phòng dành cho phụ nữ ẵm theo trẻ nhỏ (bên trong phòng này có chỗ đặt trẻ nằm, ngồi trong lúc chờ mẹ “trút bầu tâm sự”) rồi mới đến phòng cho người bình thường.

Hoang mang một chút nhưng cảm giác quá đỗi nhân văn và ấm áp từ chốn tưởng chừng lẩn khuất này. Nhưng đó là chuyện xa xôi, hồi tưởng chút cho quên cái cảm giác khó chịu vừa bước vào toilet ở sân ga cách đây vài phút. Trước đó, ở một ga khác, cũng trong lúc ngồi chờ tàu, chúng tôi phải di chuyển hết hàng ghế này đến hàng ghế khác để “né” mùi từ toilet gần đó tỏa ra.

Cũng nhờ câu chuyện nhà vệ sinh trong sân ga mà hơn 30 phút chờ tàu trôi qua chóng vánh. Chúng tôi cũng nổ ra cuộc “thảo luận” tại chỗ với chủ đề: Vì sao nhà vệ sinh trong sân ga không thể sạch và thơm hơn?

Mọi người đều cảm thấy việc xây dựng khu nhà vệ sinh có người thường trực phục vụ lau dọn (có thể thu phí), có chỗ rửa mặt thơm tho, có nơi cho khách đứng chỉnh đốn lại trang phục trước khi lên hoặc sau khi xuống tàu không có gì quá khó hoặc đòi hỏi nguồn đầu tư lớn nhưng tại sao bao năm qua nhà vệ sinh sân ga vẫn là chỗ bức bí lắm khách mới dám bước vào.

Hỏi rồi chẳng ai trả lời được, chỉ biết lần sau có ai rủ đi tàu, thay vì ừ cái rẹt thì chắc phải cân nhắc xem nên đi phương tiện gì để đỡ ám ảnh “chuyện ấy”.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.