Buổi sáng, đường lên đồi sũng nước, đất dẻo quánh bệt dính vào đế giày nặng trịch. Đám lau trắng cuối mùa cúi thấp hơn, lóng lánh những hạt mưa bụi. Đàn ong kéo nhau bay đi đâu mất không còn những âm thanh xè xè đập cánh, chỉ trơ cái thùng gỗ phủ bạt xanh nằm chơ vơ giữa đồi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Thệ cầm chiếc bay đi một vòng kiểm tra xem những gốc hoa Tẩm Xuyên được dặm thêm còn sống sót được bao nhiêu phần trăm trước đợt rét đậm rét hại vừa qua. Chiếc bay nhỏ giúp cô dễ dàng xới đất mịn xung quanh vun lại mấy gốc cây tóp teo lỏng cội mà nghe gió huỳnh huỵch thổi qua tai mình.
Đến trâu bò cũng lở mồm long móng, lăn đùng ra vì rét huống hồ gì những thân hoa mỏng manh này, Thệ nhổ đầy tay những đoạn thân khô khốc rồi vứt chúng xuống cái vũng tròn gần đấy. Chẳng hiểu sao khi cải tạo vùng đồi Thệ lại không cho mọi người san lấp cái hố bom đấy.
Dù là bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là sự yêu quý của cô đối với cái hố tròn này. Trước sức mạnh ngang tàng và có phần kiêu hãnh của gió, những nàng bồ công anh để gió túm giật lên cao trắng lóa. Cả một vùng trắng lóa.
“Tao cấm không được đứa nào bén mảng lên trên đồi”, cách đó chừng 300 mét, ông Tầm bắn những tia mắt đỏ lẹm khi nhìn lên trên đồi. Ông đã từng tuyên bố với cả nhà, Thệ không còn là con ông nữa. Ông không thể nào chấp nhận một đứa con gái cứng đầu cứng cổ như vậy. Mặc mẹ khóc lóc van vỉ ông hãy tha thứ cho cô được xuống nhà, nhưng không đời nào lay chuyển được ông.
Kệ ai ra sao Thệ chẳng bận tâm. Trái lại Thệ cảm thấy thích thú khi được sống độc lập trên này, không ti-vi, không mạng internet, không sóng điện thoại, ở đây chỉ có “Châu chấu xanh, chuồn chuồn kim thắm đỏ và những ngả đường phơ phất gió heo may” đẹp như trong câu thơ của Xuân Quỳnh…
Mùa nấm, những chiếc nấm màu nâu đội đất nhô lên như những viên kẹo sô-cô-la chảy tràn khắp lối. Cô sẽ mang những bao nấm đã được gọt sạch sẽ sang bên kia đồi đổi trứng gà hoặc măng khô đắng cho mấy tay lười nhác. Họ thích ăn nấm nhưng không thích tự làm lấy.
Chỗ họ ẩm mốc nhưng thỉnh thoảng không khí được nhóm lên bởi mùi xì gà tẩm vị hoa quả mà mấy vị khách tây đạp xe ngang qua ghé lại. Ở đó đồi cũng ngút ngàn cây hoa Tẩm Xuyên. Loài hoa mang hình hài cúc áo với những lớp cánh nhỏ mịn xếp chồng lên nhau nom thật lạ mắt.
Màu hoa cũng lạ lắm, chắc tại gió đồi se sắt cộng với sự nghèo nàn chất dinh dưỡng của dải đất miền Trung nên thân hoa gầy nhẳng, bò sát đất hòng cắm sâu bộ rễ của nó vào lớp đất đá để hút một chút gì đó nuôi sống cơ thể.
Màu xanh đắng đót tiết ra từ những cánh hoa nhìn cảm tưởng như cây đã vặn vẹo hết cả thân mình để tỏa sắc đưa hương. Hương hoa không nồng nàn quyến rũ mà hăng hắc mùi của Đinh hương- thứ thảo dược mà dân gian hay dùng để trị chứng đau bụng cho trẻ nhỏ.
Chúng không có gì nổi bật khi mới thoạt nhìn hoặc đứng riêng lẻ nhưng khi chúng mọc thành lùm thành bãi thì ấn tượng vô cùng. Chẳng cần quảng cáo, chẳng cần có sự sắp xếp hẹn hò nào, như mặc định cho những ngày cuối đông, người người khắp nơi tụ về đây và mang theo cái gương mặt thanh thản đến lạ thường.
Nơi đây mọi sự kiếm tìm, tất bật xô bồ của cuộc sống dường như đều dừng lại. Mỗi bước chân của con người, mỗi hơi thở, hay mỗi âm thanh phát ra từ chiếc máy ảnh cũng đều sợ làm kinh động đến những cánh hoa. Họ từ tốn lắm và cũng đáng yêu lắm. Những vị khách khi ghé về đồi họ thích thú và có phần ngạc nhiên khi bắt gặp một ngôi nhà nhỏ.
“Xin quý vị hãy tự nhiên và nhấc cổng tràm sang bên nếu quý vị muốn vào nhà nghỉ chân. Trên bàn đá có trà, cà-phê và nước nóng. Tôi đang trồng cây ở dưới đồi Phượng Hoàng.
Ký tên: Chủ nhà mến khách.”
Những tiếng cười thích chí rộn lên khi họ đọc được dòng chữ viết trên tấm gỗ đặt ngay cạnh lối vào.
Quả là một tổ chim xinh đẹp! Màu vàng của giống hoa Bùm Bụp phủ tràn khắp mái, từng cụm rớt xuống đung đưa hai bên và phía trước.
Đằng không vào bên trong, anh dạo bộ quanh triền đồi và đưa mắt nhìn xuống thung lũng, sát mép nước, những lùm bướm bạc trổ bông trắng muốt nổi bật trên nền lá cây xanh thẳm và một dáng người nhấp nhô đào bới.
- Á, mẹ ơi lên bế con đi! Đứa trẻ nước mắt chảy ròng khi nhìn chiếc gai nhọn hoắt găm vào mép chân.
- Ồ để chú giúp con, sao con không mang dép vào?
- Anh cháu cũng không mang dép. Cậu bé chỉ về chiếc xích đu được gắn bằng tấm gỗ, hai sợi dây dù thỏng xuống từ một nhánh cây vươn ngang như cánh tay lực lưỡng. Anh lớn của nó miệng ngoác ra hết cỡ khi tung người lên cao. Thánh Gióng bay! Thánh Gióng bay đây! Ha ha ha…
Đằng chợt bật cười.
Đằng cúi xuống nhổ cái gai dưới chân cậu bé và không lường trước được khi nó hét lên một tiếng thất kinh: Máu! Hu hu…chảy máu rồi! Mẹ ơi…
Thệ nghe tiếng con khóc lật đật bỏ cuốc chạy lên: Rèm! Mày xuống ngay không? Mẹ đã dặn trông em rồi mà sao con không nghe? Thệ phát mạnh vào mông đứa con trai lớn và sững lại khi thấy đứa con trai nhỏ của mình trên tay một người đàn ông lạ.
- Không sao đâu, nó bị gai đâm và tôi đã giúp nó lấy ra rồi. Ơ nhìn cô quen lắm, hình như tôi đã trông thấy cô ở đâu… Tôi là đạo diễn, đi tìm bối cảnh phim.
Thệ hơi xấu hổ trước cách dạy con của mình, màu đỏ phủ dần lên hai gò má, hơi thở hắt ra đứt quãng: Vâng, tôi cảm ơn anh đã giúp.
Thệ đón đứa bé từ tay Đằng và tới lau nước mắt cho đứa lớn: Thôi nín đi, vào nhà mẹ lấy cơm cho ăn nhé!
- Cô sống đây một mình sao?
- Không. Có bọn trẻ.
Cô thu lượm những chiếc ly lộn xộn trên bàn, nhấc bổng phích nước bỏ về vị trí cũ và sau cùng là nhặt những tờ tiền năm, mười nghìn được đặt ở dưới khay nước. Anh chàng hướng dẫn viên địa phương thật là tử tế! Cô mỉm cười bỏ những tờ tiền vào túi. Đoạn, đẩy ly nước về phía Đằng: Nước Khúc khắc đấy, anh chưa bao giờ uống thì hãy uống thử đi, tôi đào chúng ở gần hồ nước.
- Bọn trẻ cần được chăm sóc cẩn thận. Đằng nhìn vào bát cơm của hai đứa trẻ chỉ có món rau và trứng. Sống mũi anh như hít phải mùi mù tạt, cay xè.
- Tôi cũng nghĩ thế… nhưng…
- Thế còn… Đằng cắt ngang lời cô định hỏi cái điều mà anh thắc mắc nhưng thoáng để ý trong màu mắt cô Đằng đã thôi ngay ý định.
- Không ai có thể cải biên được định mệnh, mỗi khi trời đã có ý định sắp đặt mọi chuyện thì ta hãy đón nhận nó theo lẽ tự nhiên. Bọn trẻ đến với tôi trong cuộc đời này là một món quà vô giá. Dẫu bây giờ tôi chưa thể cho chúng có một cuộc sống đủ đầy và sự ra đi của những người có thể để lại cho tôi nhiều vết thương lòng cùng với nhiều thứ để lo.
Đúng ra là quá sức đối với tôi, nhưng tôi tin rằng tôi và các con của tôi sẽ sống tốt. Bởi chúng tôi sống có niềm tin và luôn nguyện cầu cho họ ở nơi nào đó sẽ sống hạnh phúc.
- À, nhớ rồi, tôi đã đọc về cô trên báo. Đằng quan sát cô qua vành ly.
- Thực ra anh quá đề phòng tôi rồi đấy, tôi rất bản lĩnh để đón nhận những gì xảy ra trong cuộc đời mình. Vì vậy anh đừng nghĩ sẽ sợ làm tôi buồn. Điều tôi lo sợ không phải điều này mà chính là sức khỏe của bố mẹ tôi, họ xót xa tôi đến suy sụp và thậm chí bố tôi đã từ mặt tôi.
Chỉ vì lòng trắc ẩn dâng lên trong trái tim đàn bà đã khiến tôi hơn một lần nhầm lẫn biến tình thương trở thành tình yêu, và dĩ nhiên kết quả cuối cùng là sự đổ vỡ. Tôi chấp nhận điều đó nhưng bố mẹ tôi thì không thể.
- Tôi cảm phục cô. Các con của cô sau này lớn lên sẽ biết suy nghĩ và thương cô nhiều hơn.
Thệ mỉm cười vươn tay nhặt lấy những hạt cơm dính trên má của hai đứa trẻ, bỗng tiếng mở cạch bên ngoài vọng vào:
- Chị ơi, bố nói chiều tối đem các cháu xuống nhà ăn cơm tất niên.
Cô em gái út của Thệ nhảy lên sung sướng.
Dưới đồi Phượng Hoàng, hoa Tẩm Xuyên nở nhiều lắm, đẹp quá chị à.
Tẩm Xuyên nở rồi ư? Mới sáng chỉ nụ thôi mà.
Thệ chạy nhanh ra phía đồi, dưới thung sâu, cả một vùng hoa Tẩm Xuyên tròn xoe cúc áo phủ một màu nắng nhẹ. Mùi Tẩm Xuyên theo gió bay lên êm ái, dễ chịu. Thệ khép chặt mắt hít đầy một vòm ngực không khí. Lâng lâng. Đôi cánh mùa xuân nâng lên cao.
Trác Diễm