Xây dựng ý thức giao thông hay văn hóa giao thông phải bắt đầu từ việc làm sao cho người đi đường nhận ra rằng đi đúng Luật Giao thông đường bộ là vì tính mạng và tài sản của chính mình, sau đó mới vì sự an toàn cả cộng đồng.
Tổ tuần tra kiểm soát Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải xử lý một trường hợp chạy xe quá tốc độ được hệ thống camera giám sát giao thông ghi nhận.Ảnh: V.T.L |
Nâng cao ý thức giao thông bằng... phạt nóng
9 giờ 10 phút ngày 7-3-2017, Trung tâm giám sát giao thông thuộc Phòng PC67 (Công an thành phố Đà Nẵng) thông báo qua bộ đàm cho Tổ tuần tra kiểm soát Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải rằng ô-tô BKS 43A039… đi từ hướng cầu Khuê Đông về nội thành vi phạm lỗi vượt quá tốc độ quy định.
Nhận tin, Thượng úy Lê Phú Thước, một trong 3 thành viên của Tổ tuần tra kiểm soát cho anh em phát lệnh dừng chiếc ô-tô này. Xe chạy chậm lại, dừng sát bên lề đường. Một phụ nữ bước xuống, tỏ vẻ ngạc nhiên khi được thông báo là mình chạy quá tốc độ.
Trong lúc chờ hình ảnh ô-tô này từ Trung tâm giám sát giao thông gởi tới Tổ tuần tra kiểm soát qua điện thoại thông minh kết nối 3G, người phụ nữ gọi điện thoại cho ai đó. Một lát sau chị phân bua, tôi gọi điện báo tin cho chồng, anh ngạc nhiên nói “em mà đi vượt tốc độ hả?”.
Khi Thượng úy Thước trưng hình ảnh chính ô-tô của chị chạy với tốc độ 66,9km/h, vượt 6,9km so với tốc độ cho phép ở đoạn đường này, chị “tâm phục khẩu phục”, không nói gì thêm nữa và chịu để các CSGT tiến hành lập biên bản xử phạt theo quy định.
Theo Trung tá Võ Văn Vân, Tổ phó Tổ tuần tra kiểm soát Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải, đây là công tác triển khai Kế hoạch 153/KH-PC67 ngày 5-3-2018 của Phòng CSGT – Công an thành phố Đà Nẵng về “Xử lý trực tiếp các hành vi vi phạm trên tuyến giao thông được ghi nhận qua hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, là kế hoạch tập trung xử lý “nóng” các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên tuyến đường Trường Sơn, Võ Chí Công.
Trước đó, ngày 30-1-2018, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 687/UBND-SGTVT về việc triển khai xử phạt các hành vi vi phạm TTATGT được phát hiện qua hệ thống camera giám sát giao thông trên đường Trường Sơn, Võ Chí Công kể từ ngày 25-2-2018.
Tuy nhiên, theo thống kê, qua 5 ngày đầu (từ 25-2 đến 1-3) thực hiện, hệ thống camera đã phát hiện trên 2 tuyến đường này gần 600 trường hợp ô-tô vi phạm, trong đó ô-tô ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ vi phạm khá cao (gần 60%).
Từ thực tế này, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Đà Nẵng đánh giá: “Những nỗ lực của lực lượng chức năng thành phố trong công tác giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về TTATGT trên địa bàn thành phố và tuyên truyền chủ trương xử phạt thông qua hệ thống camera giám sát giao thông phần lớn không lan tỏa được đến với nhóm lái xe ngoại tỉnh này.
Việc tiến hành xử phạt nguội đối với xe ngoại tỉnh sau ghi hệ thống camera giám sát giao thông phát hiện bắt lỗi vi phạm và gửi thông báo đến chủ xe cũng gặp nhiều khó khăn và kéo dài, nhất là trường hợp xe không chính chủ hoặc chủ phương tiện vi phạm chuyển chỗ gây khó khăn cho việc xác minh thông tin”.
Do đó, ông Cường nhận định, việc phạt “nóng” theo Kế hoạch 153/KH-PC67, kế hoạch chuyên đề xử lý trực tiếp các hành vi vi phạm trên địa bàn thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm TTATGT thông qua hệ thống này.
Kế hoạch này vừa bảo đảm tính khách quan, hiệu quả, làm giảm bớt tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm, từ đó tác động mạnh đến ý thức của chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện, chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT.
Xây dựng văn hóa giao thông từ lúc “trồng người”
Ở giới trẻ, tình trạng điều khiển phương tiện vi phạm TTATGT vẫn còn xảy ra khá phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của phần lớn giới trẻ chưa cao. Để giải quyết vấn đề này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vừa giáo dục/tuyên truyền vừa tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
LS Trần Xuân Vinh, Trưởng văn phòng Luật sư Hòa Phát, thành phố Đà Nẵng, cho rằng để nâng cao ý thức giao thông, hạn chế tình trạng vi phạm TTATGT, ngoài việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước đối với công tác thực hiện pháp luật về TTATGT, phải tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác thực hiện pháp luật về TTATGT.
Cùng với đó, cần tích cực đẩy mạnh phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong công tác đảm bảo TTATGT; tiếp tục xây dựng sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo đảm TTATGT; hoàn thiện các biện pháp ngăn chặn vi phạm TTATGT bằng việc quy định các chế tài phải đủ độ răn đe.
Đối với nhóm đối tượng học sinh và sinh viên, ông Nguyễn Hữu Cường nêu giải pháp khả thi nhất là thiết lập quy chế phối hợp giữa Sở GD&ĐT và Công an thành phố trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT.
Trong đó, nhà trường phối hợp với CSGT tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các em học sinh, sinh viên trong chương trình giảng dạy chính khóa và kể cả trong hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chung về luật Giao thông đường bộ, nhất là xử lý các tình huống khi tham gia giao thông và các quy định riêng về xử phạt đối với các hành vi vi phạm TTATGT đối với mô-tô, xe máy, nhất là xe máy điện, xe đạp điện hiện nay được các em học sinh THCS, THPT sử dụng phổ biến.
Đặc biệt, các trường học phải có các hình thức giáo dục nghiêm khắc đối với các em học sinh, sinh viên vi phạm TTATGT bị lực lượng CSGT phát hiện và gửi thông báo về nhà trường.
"Các hành vi vi phạm TTATGT có nguy cơ cao dễ dẫn đến tai nạn giao thông như: lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm… trong một bộ phận giới trẻ cần phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm. Để giới trẻ có ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông, cần quan tâm giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vì vậy việc giảng dạy An toàn giao thông cho học sinh các cấp học là điều hết sức cần thiết. Các hình thức giảng dạy, tuyên truyền cũng cần được đổi mới để dễ tiếp thu, sinh động và thiết thực, ví dụ như giảng dạy An toàn giao thông qua sa hình, các công viên giả định về hệ thống hạ tầng giao thông…" Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ