Môn thi năng khiếu có những quy định đặc thù riêng nên những bạn chọn thi khối này cần một thời gian khổ luyện khá lâu mới mong đạt điểm cao, bên cạnh năng khiếu và những tố chất cơ bản. Và Kiến trúc là một trong số những ngành như vậy.
Một buổi thực hành của học viên luyện thi ngành kiến trúc tại Trung tâm Kiến trúc và Mỹ thuật Đức Kiến. Ảnh: K.Q |
Đặng Quốc Tuấn (lớp 12/8, Trường THPT Hòa Vang) dự định thi vào khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nên đăng ký luyện môn vẽ suốt hơn 8 tháng qua. Tuấn chia sẻ: “Hiện tại, em đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm để có thể hoàn thành bài vẽ của mình một cách tốt nhất.
Ví dụ: đánh phông như thế nào cho đẹp, tùy vào ánh sáng mà mình sẽ đánh độ đậm nhạt ra sao,…”. Ngoài những giờ học ở trung tâm, Tuấn còn luyện tập thêm ở nhà, chủ yếu là luyện nét. Ngoài ra, Tuấn còn học thêm trên kênh youtube. Tuấn dành 40% để luyện vẽ, 30% thời gian cho môn toán và 30% cho môn lý.
Nguyễn Nhật Tân (lớp 12/4, Trường THPT Thái Phiên) luyện thi tại Trung tâm luyện vẽ Arctin đã được 6 tháng. Ngoài những giờ học tại trung tâm, về nhà, Tân thường vẽ lại bài trên lớp (nếu chưa hài lòng) và vẽ bài mới. Với những bài tự vẽ ở nhà, Tân sẽ mang lên trung tâm nhờ giáo viên chỉnh sửa.
Theo Tân, năng khiếu chỉ là một phần, quan trọng là luyện tập nhiều hay ít. Tân mơ ước được vào học ở khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): “Vì muốn tự xây một ngôi nhà cho chính mình”.
Lớp luyện vẽ của Tân hiện có 20 bạn đang theo học. Học viên luyện thi ở Arctin sẽ trải qua 3 giai đoạn: học vẽ khối song song với luyện nét, tập vẽ từng loại chất liệu (từ chất liệu đơn giản đến chất liệu phức tạp) và cuối cùng là vẽ mẫu (luyện từ một vật trở lên, vật to - nhỏ, đậm - nhạt,…).
Giám đốc Trung tâm Luyện vẽ Kiến trúc và Mỹ thuật Đức Kiến Trần Tấn Sơn cho hay: “Hằng năm, trung tâm có 3 đợt tuyển học viên cho lớp luyện thi Kiến trúc. Đợt hè sẽ mở lớp luyện thi 9 tháng, đợt sau Tết là lớp 6 tháng và lớp cấp tốc vào 1 tháng trước khi thi.
Giai đoạn đầu sẽ học tập trung, nhưng sau khi bảo đảm kiến thức nền sẽ tiến hành chia lớp theo trường đăng ký dự thi để bảo đảm chất lượng vì mỗi trường, mỗi khu vực sẽ có sự khác nhau về nội dung thi”. Ở Đà Nẵng, Huế thi vẽ tĩnh vật; ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thi vẽ tượng.
Riêng ở Hà Nội và Huế sẽ có thêm đề thi phụ. Với mỗi trường lại có cách ra đề thi riêng nên trung tâm sẽ cho các bạn luyện theo đề thi những năm trước của trường dự thi.
Các học viên sẽ trải qua 3 giai đoạn: học vẽ hình khối kết hợp luyện nét, luyện vẽ trên giấy A4, luyện vẽ trên giấy A3. Đối với những học viên muốn đạt điểm cao sẽ trải qua thêm giai đoạn luyện vẽ nâng cao. Hiện có 30 học viên đang theo học các lớp luyện thi kiến trúc tại trung tâm.
Bạn Trương Ngọc Toản, sinh viên năm nhất Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), nhớ lại khoảng thời gian ôn luyện 1 năm đầy thử thách của mình. Toản nhận thấy, với ngành Kiến trúc, lúc mới bắt đầu học thì thấy hay nhưng sau đó là rất nhiều khó khăn vì còn phụ thuộc vào khả năng, năng khiếu. Toản kể, một tuần trước khi thi em tập trung luyện nét là chính.
Vào ngày thi, tinh thần rất quan trọng, phải vững tinh thần thì mới phát huy hết khả năng của mình. Toản còn nhớ như in cái cảm giác hồi hộp, tò mò khi bước vào phòng thi, nhìn thấy mẫu vẽ đang được che bởi một tấm vải. Sau đó là cảm giác “đau tim” khi giám thị lấy tấm vải ra.
Bạn Lưu Lê Gia Quyết, cùng khoa với Toản chia sẻ thêm: “Thi đại học không quá khó. Quan trọng là ý chí lúc luyện thi, vì nếu không thật sự đam mê thì rất dễ bỏ cuộc”. Nhớ lại khoảng thời gian luyện thi, Quyết kể, với mỗi bài vẽ em phải dành từ 3 đến 5 giờ đồng hồ, tay gần như hoạt động liên tục, giai đoạn đầu sẽ rất đau và mỏi.
Kinh nghiệm luyện thi của Quyết là phải vẽ nhiều để có thể tiếp xúc được với nhiều mẫu, không nên coi nhiều bài vẽ mẫu để tránh tình trạng bị loạn về phong cách. Tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến bài thi. “Vẽ chỉ là một phần, phải phân bổ thời gian ôn thi hợp lý cho những môn văn hóa còn lại trong khối dự thi”, Quyết nhấn mạnh.
Khánh Quyên