Để Nam Ô phát triển bền vững

.

Giữa cái nắng đầu hè, có hai người, một ta một Tây, đi dọc theo mép nước có những đợt sóng biển nhấp nhô xô vào bãi cát Nam Ô. Lân la hỏi chuyện, được biết chị là Huỳnh Thị Bảo Châu, giảng viên Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội (Bộ Xây dựng), “hướng dẫn viên” kiêm “phiên dịch viên”; anh Tây là Alexandre Moiset, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Toulouse, đến từ Cộng hòa Pháp.

Anh Alexandre Moiset (trái), giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Toulouse (Cộng hòa Pháp) tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Lăng Ông Nam Ô. Ảnh: V.T.L
Anh Alexandre Moiset (trái), giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Toulouse (Cộng hòa Pháp) tìm hiểu về văn hóa và lịch sử Lăng Ông Nam Ô. Ảnh: V.T.L

Họ dừng chân khá lâu ở Lăng Ông Nam Ô, nơi thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần, dân gian gọi nôm na là “đền thờ Cá Ông”. Những hoa văn họa tiết trên nóc nhà và bên trong di tích được sắc phong vào thời Gia Long phục quốc đầu thế kỷ XIX này (và ngay cả những huyền tích về cá ông) hẳn không còn xa lạ gì với anh chàng giảng viên chuyên ngành kiến trúc. Lạ chăng, là những gạch đá ngổn ngang cùng với bức “tường thành” dựng sau lăng như vừa qua một trận động đất!

Trong 10 năm trở lại đây, hai trường đã kết hợp với nhau trong đào tạo các kiến trúc sư về Thiết kế đô thị, di sản và phát triển bền vững nhằm góp phần đào tạo các kiến trúc sư có trình độ làm công tác thiết kế đô thị, bảo tồn di sản và phát triển bền vững.

“Mỗi năm ĐH Kiến trúc Hà Nội có một bài tập về thiết kế đô thị tại các tỉnh, thành phố ngoài Hà Nội. Năm nay cơ duyên là chọn Đà Nẵng và chọn đúng khu vực Nam Ô, nơi vừa diễn ra “sự cố” liên quan đến dự án du lịch và bảo tồn di sản. Chúng tôi vừa đưa sinh viên đến khảo sát và ngày 13-4, báo cáo tại Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng”, chị Bảo Châu cho biết.

Nam Ô được xem là làng chài duy nhất còn sót lại ở Đà Nẵng với nhiều huyền tích gắn với di sản văn hóa - lịch sử nơi đây. Và, cái “cơ duyên” đó cũng là dịp để đoàn công tác đến từ hai trường đại học tìm hiểu về nguyện vọng của bà con làng chài và sự giải quyết thấu tình đạt lý của lãnh đạo thành phố trong công tác thiết kế đô thị, bảo tồn di sản và phát triển bền vững.

Sáng sớm hôm đó, người viết có dịp trò chuyện với ông Đặng Dùng bên ly cà-phê thoảng hương biển. Đến nay, người được anh em báo chí mệnh danh là “nhà Nam Ô học” này đã viết không dưới 20 bài báo về nơi mình cất tiếng khóc chào đời, trong đó ông luôn đau đáu về những di tích đang xuống cấp trầm trọng và dễ dàng đổ sập dù là một cơn gió chưa thành bão. Một lăng Bà Liễu Hạnh được xây mới sau khi lăng cũ ở gành đá Nam Ô bị đổ nát.

Một dinh Cô hồn còn được gọi miếu Âm linh bởi thờ cả các tử sĩ, ngoài những người bỏ xác ngoài biển khơi. Một Lăng Ông hằng năm diễn ra hai lễ Nghinh Ông và Cầu Ngư, đặt niềm hy vọng của ngư dân vào mùa biển bội thu. Một giếng Chăm cổ hình vuông còn lưu giữ khi mà 2 tháp Hời từng tồn tại giữa núi Xuân Dương và núi Gành Nam Ô đã đổ sập như một lò gạch cũ từ sau những năm 50 thế kỷ trước. Một miếu thờ vọng Công chúa Huyền Trân, được trùng tu cách đây trên 150 năm - năm Tự Đức thứ 16 (1863)...

Di tích là hồn cốt của làng, ông nói. Sau khi người dân Nam Ô phản đối dự án du lịch bít đường xuống biển, “phong tỏa” các di tích và cách giải quyết kịp thời của lãnh đạo thành phố, ông cho rằng có 3 điều để người dân nơi này “con tim đã vui trở lại”. Thứ nhất, lãnh đạo thành phố quyết giữ lại nguyên trạng làng Nam Ô. Thứ hai, gành Nam Ô được trả lại cho cộng đồng. Thứ ba, mở con đường gom dọc theo khu dân cư và khu du lịch.

Ông Dùng dẫn lời một vị cao niên Nam Ô, rằng “trả lại cho cộng đồng” cụ thể là cho ai? Cộng đồng là của chung, mà “cha chung thì không ai khóc”. Gành Nam Ô là núi cấm rừng thiêng, người dân nơi đây giữ gìn cả nghìn năm nay rồi, xưa không ai dám bén mảng tới, chừ giao cho cộng đồng thì ai cũng có quyền lên đó.

Xưa có hương ước, nay để tránh tình trạng phá phách, cư xử thiếu văn hóa với di sản, cần phải có một quy định hẳn hoi. Đang thực hiện bản thảo “Nam Ô và những chuyện kể” gần 200 trang, ông hy vọng những chuyện mới diễn ra sẽ làm phong phú thêm nội dung cuốn sách vốn đã chứa rất nhiều chuyện xưa.

Về con đường 5,5m có lề hai bên, ông Lê Duy Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hòa Hiệp Nam cho biết đường dài hơn 1km, từ bến Bà Tân (bên sông Cu Đê) qua sân vận động Nguyễn Văn Trỗi (cũ) đến Đồn Biên phòng 244 (cũ), qua 3 tổ dân phố đến giáp đường Nguyễn Tất Thành.

“Hiện đường chỉ rộng 3m – 4,2m, khi mở ra 5,5m sẽ lấn qua phía đất dự án để tránh biến động nhà cửa của khu dân cư (trước đó đã bị xáo trộn vì di dời). Lãnh đạo thành phố và quận Liên Chiểu đã giải quyết hết sức nhân văn, phù hợp với nguyện vọng người dân, bà con Hòa Hiệp Nam, đặc biệt là Nam Ô hết sức biết ơn. Mong khu du lịch khi hình thành sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế, trong đó người dân Nam Ô trực tiếp hưởng lợi”, ông Du trải lòng.

Trở lại với đoàn khảo sát của hai trường đại học. Làng chài Nam Ô hiện ra lạ lẫm với anh chàng người Pháp. Trong quan hệ hợp tác giữa 2 trường về chương trình Thiết kế đô thị với di sản và phát triển bền vững, Alexandre Moiset tham gia một bài tập thiết kế đô thị trong một tuần.

“Dự án hướng tới là hình ảnh tương lai của khu vực làng Nam Ô có tính đến lịch sử phát triển các di sản cũng như giá trị cảnh quan của làng. Tức là không thể để cho một cái resort lấn chiếm, đóng khung cái làng đó. Không để cho di sản biến mất vì một chủ đầu tư, họ thiết kế mà không tính đến lợi ích của người dân đang sinh sống tại đây”, A. Moiset nhấn mạnh.

Chỉ một tuần làm việc thôi, nhưng A. Moiset hy vọng các bạn kiến trúc sư thành viên trong đoàn sẽ đưa ra một cảm quan, những đề xuất về tương lai làng cá Nam Ô trong cảnh quan các di tích kiến trúc hiện hữu chứ không phải phủi sạch nó...

"Quan tâm của chúng tôi cũng giống như câu chuyện mà Đà Nẵng đang gặp phải: Làm thế nào để ứng xử với một di sản, bao gồm kiến trúc, phi vật thể và lối sống. Không nên lập một dự án mà khi nhìn thấy người ta đều ngỡ ngàng, nó giống như việc đóng khung một làng cá, bao vây người dân đang sống ở đó.

Câu hỏi đặt ra cho chúng tôi, cho sinh viên là làm thế nào để dung hòa giữa chính quyền và người dân cũng như chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải chấp nhận, không thể lấy hết mà phải để chừa ra chỗ cho người dân sinh sống”

Bà Huỳnh Thị Bảo Châu, giảng viên Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.