Khi mức độ thương mại hóa toàn cầu lên cao, nhất là mua bán trực tuyến thì tình trạng hàng giả, hàng nhái “nở rộ” ngay cả ở những đất nước nghiêm khắc với vi phạm sở hữu trí tuệ.
Hàng giả bị tiêu hủy ở Campuchia |
Nước lớn vất vả
Mỹ là quốc gia có thị trường thương mại điện tử lâu đời nhất thế giới khi xuất hiện từ những năm 1990. Dù cho Mỹ có mức độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc vào loại mạnh nhất thế giới nhưng vẫn không thoát được việc buôn bán hàng giả trực tuyến. Văn phòng Trách nhiệm của Chính phủ Mỹ thông báo sau một đợt thử nghiệm mua hàng trực tuyến: 20/47 sản phẩm được bán bởi bên thứ ba trên 5 website thương mại điện tử lớn là hàng giả!
Thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng đối mặt với hàng giả. Hiệp hội người tiêu dùng người này cho biết 40% mỹ phẩm mua trực tuyến trong lễ hội mua sắm của “Ngày cô đơn” 11-11-2017 vừa qua là giả mạo.
Cơ quan hải quan Nhật Bản cho biết trong năm 2017 đã bắt tới 30 nghìn vụ hàng giả, 40% hàng giả là túi xách, ví da và hàng thời trang, tăng 17,6% so với năm trước và cao thứ nhì trong suốt 30 năm qua. Cơ quan này cho biết 90% hàng giả có xuất phát từ Trung Quốc và tất cả đều bị tiêu hủy. Trong khi đó, tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) trong năm 2017 đã thu giữ 26,2 triệu hàng giả với tổng giá trị 517 triệu USD, tăng tới 63% so với năm trước. Giày dép là mặt hàng giả chủ lực với 37%.
Nghiên cứu do Hiệp hội Nhãn mác quốc tế công bố hồi năm ngoái cho thấy những tác động tiêu cực của làm hàng giả và buôn bán hàng giả là cực lớn. Nó làm giảm tới 4,2 nghìn tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu và đặt 5,4 triệu lao động hợp pháp vào nguy cơ thất nghiệp vào năm 2022. Hàng giả không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế mà còn đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng bởi nó được sản xuất và phân phối mà không có bất cứ tiêu chuẩn hay quy phạm nào cả.
Đông Nam Á báo động
Theo ông Piotr Stryszowski, chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và là người theo dõi vấn đề hàng giả tại các nước đã phát triển nhận thấy tình trạng hàng giả đang ở mức báo động tại khu vực Đông Nam Á. Nếu như trước đây, những sản phẩm có thương hiệu mới bị làm giả thì nay bất cứ sản phẩm nào có logo là có làm giả, từ phụ tùng, pin, kem đánh răng, mỹ phẩm, thực phẩm…
Meach Sophana, người đứng đầu Ủy ban chống hàng giả Campuchia, cho biết ngày 3-4 vừa qua đã tiêu hủy 110 tấn sản phẩm giả mạo được sản xuất trong nước. Ông Sophana cho biết thêm phần lớn sản phẩm giả mạo được sản xuất tại Campuchia, sau đó đưa ra các nước láng giềng đóng gói với dòng chữ “Sản xuất tại Nhật Bản” hoặc “Sản xuất tại Pháp”.
Singapore là nước đi đầu về thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á, hiện đang là Chủ tịch luân phiên ASEAN, mong muốn thúc đẩy thương mại điện tử với thành viên trong khối. Cách tiếp cận của các quốc gia trong khu vực dựa trên sự tự nguyện, đồng thuận nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, nhất là hàng giả trực tuyến.
Anh thư (tổng hợp)