Một đàn thằng ngọng thích chơi Sang

.

Cách đây mấy hôm, tôi nhận được một tin nhắn của một bác sĩ Đông y hỏi: “Thầy hay tìm thuốc, có biết cây Sang giàu Quảng Nam không? Tôi gởi hình thầy xem vì có giám đốc một bệnh viện trung ương nhờ tìm giúp để trồng”.

Một cây Sảng mọc hoang ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ảnh: P.C.T
Một cây Sảng mọc hoang ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Ảnh: P.C.T

Vào đường link anh bạn gởi kèm (http://m.kinhtedothi.vn/thich-thu-ngam-cay-sang-giau-quang-nam-tren-pho-ha-noi-290418.html), tôi nhận ra ngay và trả lời luôn đó là cây Sảng, chứ không phải cây “Sang” hay “Sang giàu” như bài báo đơm đặt.

Cây này tôi từng gặp từ năm 2011 tại một gò đồi ở Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ (xem ảnh), nhưng mãi đến 2016, trong một lần đi điều tra cây thuốc ở rừng Hòa Bắc, nhờ một chuyên gia ở Viện Dược liệu chỉ cho, mới biết chính xác đó là cây Sảng.

Sảng còn gọi Sảng lá kiếm, Sang sé, Trôm quả sao, Trôm thon, Trôm mề gà, tên khoa học  Sterculia lanceolata Cav., thuộc họ Trôm - Sterculiaceae. Thực vật chí Trung Quốc gọi là Giả bình bà (假苹婆), Trung hoa bản thảo gọi tên chung là Hồng lang tản (红郎伞) cho vị thuốc từ loài này và loài Bình bà hải nam (海南苹婆 - Sterculia hainanensis).

Sảng là cây gỗ nhỏ cao 3-10m; nhánh non mảnh, có lông. Lá đơn, nguyên, phiến lá hình ngọn giáo hay thuôn, có lông hình sao ở mặt dưới, gân bên 5-7 đôi; lá kèm nhọn. Chùm hoa mảnh, ở nách lá, có lông mềm hình sao; nhánh hoa rất nhỏ mang 1-5 hoa; lá bắc hình dải, ngắn và dễ rụng, đài hình chuông, cao 5-7mm, hoa đực có cuống bộ nhị không lông, bao phấn xếp hai dãy; hoa cái có bầu nhiều lông, hình cầu.

Quả kép gồm 4 - 5 đại xếp thành hình sao, màu đỏ, phủ lông nhung, khi chín quả đại mở, bên trong nhẵn và bóng; hạt 4-9, hình trứng dẹt, màu đen bóng. Cây mọc rải rác trong rừng thứ sinh, trên các trảng cỏ.  Ra hoa tháng 1-5; có quả tháng 6-11.

Theo Danh lục các loài thực vật Việt Nam, Sảng có phân bố ở Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Cạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Còn có ở Myanma, Trung Quốc, Lào, Thái Lan.

Để làm thuốc, dung các bộ phận vỏ cây, lá, hạt. Thu hái vỏ quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Hạt lấy từ quả chín.

Theo Đông y, lá Sảng có vị cay tính ấm, công năng tán ứ, giảm đau, chủ trị tổn thương sưng đau, bầm tím do đánh, ngã. Liều dùng sắc uống 6-12g. Dùng ngoài giã đắp, nấu nước ngâm rửa tùy lượng. Vỏ cây được dùng chữa sưng tấy, mụn nhọt.

Ngày dùng 20-30g, giã với muối đắp. Có thể dùng phối hợp với những loại khác. Ở Quảng Tây (Trung Quốc), vỏ thân được dùng trị bạch đới nhiều, lâm trọc và lá dùng trị đòn ngã. Hạt dùng ăn được. Ở Vân Nam, được dùng làm thuốc thanh phế nhiệt. Vỏ thân còn được dùng lấy sợi dệt túi vải hay làm giấy.

Gần đây, Sảng bị săn lùng đưa vào trồng ở các công trình xây dựng, các khu biệt thự, nhà vườn do cây có tán đều, quả đẹp, ít rụng lá, dễ trồng. Có lẽ dựa vào tâm lý trọc phú hám lợi của nhiều người mà các đầu nậu bán cây cảnh cố tình gọi chệch tên Sảng thành Sang hay Sang giàu để thu hút khách.

Họ còn dán mác Quảng Nam,  mặc dù cây phân bố nhiều tỉnh từ miền Bắc tới Nam Trung bộ, có lẽ để dễ bề tính thêm tiền… vận chuyển. Điều đáng trách là nhiều vị sư sĩ và bài báo lá cải đã a dua theo kiểu: “Một đàn thằng ngọng thích chơi sang/ Chúng bảo nhau rằng… ảng… à… ang” khiến tôi đã phải nhái giọng Bà Chúa Thơ Nôm để phản ứng trên Facebook.

Để thực hiện triệt để chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc không khai thác gỗ, theo chúng tôi cũng cần xử lý nghiêm các hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển các loài cây trồng công trình có nguồn gốc rừng tự nhiên. Hy vọng trong thời gian đến, các cấp chính quyền và Chính phủ cần có giải pháp xử lý quyết liệt để chặn đứng nạn “chảy máu rừng” này.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.
.