Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rất tâm huyết với TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), nhưng một trong những việc đầu tiên khi làm ông chủ Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1-2017 là rút khỏi hiệp định này. Giờ đây, chính ông Trump lại nhận ra giá trị của TPP, đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP, nên có ý định quay lại.
Tổng thống Donald Trump muốn đưa Mỹ trở lại CPTPP. |
Đúng phong cách
Tổng thống Mỹ Donald Trump khai cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại với quốc gia đông dân nhất thế giới. Ông Trump chỉ mở ra cuộc chiến đó sau thời gian dài kiên nhẫn đàm phán bất thành với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nói một cách dễ hiểu: một khi đã không thuyết phục được đối thủ thì ông Trump sẵn sàng đối đầu.
Ông Trump từng kịch liệt phản đối TPP dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và cho đó là “thảm họa của nước Mỹ” vì những bất lợi về công ăn việc làm trong nước nên ký quyết định rút lui khỏi đàm phán trong những ngày đầu ở Nhà Trắng. Vậy mà 15 tháng sau, ông yêu cầu các cố vấn kinh tế hàng đầu coi xét việc trở lại đàm phán hiệp định này. Ông bỏ TPP do không ham thích những thỏa thuận thương mại đa phương mà muốn những thỏa thuận song phương với tiêu chí cốt lõi “Mỹ là trên hết”. Ông quay trở lại CPTPP để tăng thêm sức mạnh cho cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn phải tìm thị trường mới cho nông sản Mỹ trước nguy cơ bị tăng thuế ở quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bước ra thì dễ, vô lại không đơn giản
Bỏ đi rồi tìm đường quay về nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn bảo rằng “Mỹ chỉ trở lại CPTPP một khi những thỏa thuận tốt hơn thời Obama”. Tuy nhiên, Mỹ đã có những dấu hiệu dễ dàng hơn trong những đàm phán song phương với Hàn Quốc về thép, nông sản, phụ tùng ô-tô. Mỹ cùng vừa bắn tín hiệu sắp sửa đạt thỏa thuận với Mexico và Canada trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ. Đó là những chỉ dấu cho thấy Mỹ chấp nhận một mối quan hệ đa phương CPTPP nữa.
Mỹ sẽ phải đàm phán với Nhật Bản về giảm bớt các tiêu chuẩn cho xuất khẩu ô-tô. Phía Mỹ muốn đưa ra chính sách khuyến khích sản xuất trong nước với các “quy tắc xuất xứ” bắt buộc phải đưa ra một tỷ lệ nhất định hoàn thiện trong một quốc gia để đủ tiêu chuẩn thương mại tự do CPTPP. Ông Trump cũng thúc đẩy bảo vệ sở hữu trí tuệ để các công ty dược phẩm Mỹ giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian dài. Các quốc gia sẽ chịu áp lực nếu nhượng bộ Mỹ trong đàm phán vào lúc này. Ông Trump còn gặp khó khăn trong nước là thuyết phục hai viện (Thượng viện và Hạ viện) phê chuẩn thỏa thuận này. Nếu dây dưa tới sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 với dự báo đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện thì nỗ lực trở lại CPTPP của Donald Trump có thể vô ích.
Các thành viên đang đàm phán CPTPP muốn Mỹ trở lại vì đó là thị trường nhập khẩu khổng lồ và chiếm tới 60% GDP của tổ chức này nhưng lại lo ngại chuyện phải hủy bỏ toàn bộ những đàm phán trước đây. Bộ trưởng Thương mại Úc, Steven Ciobo cho biết: “Chúng tôi đã có một thỏa thuận và không phải tất cả sẵn sàng đón Mỹ trở lại”. Đại diện Nhật Bản, Yoshihide Suga ví những thỏa thuận đạt được như một tác phẩm pha lê và rất khó cắt ra một phần để làm lại. Ngại nhất là các thành viên nghĩ tới viễn cảnh Donald Trump bất ngờ rút lui khi đang đàm phán lại!
Nỗ lực vì cân bằng
Trước khi rút khỏi TPP, Tổng thống Donald Trump đã được khuyến cáo rằng chính hiệp định này sẽ là đòn bẩy để đối đầu kinh tế với Trung Quốc vì chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Hiệp định cũng sẽ làm giảm đáng kể tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một khi mức thuế giảm và loại bỏ bớt các quy định trong CPTPP thì các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc với quá nhiều phiền toái sẽ đổ sang các nước trong CPTPP. Trung Quốc buộc phải thay đổi nhằm tránh tình trạng rút lui của các nhà đầu tư và hướng theo các quy tắc của CPTPP, tức là trở thành đối trọng với Trung Quốc ở “mặt trận” kinh tế. TPP, hay tên mới CPTPP rồi cũng sẽ hình thành bởi 11 thành viên tỏ ra rất quyết tâm song có thêm thành viên lớn là Mỹ thì sức mạnh để làm đối trọng với Trung Quốc cao hơn và hiệu quả hơn.
ANH THƯ (Theo Nikkei, Vox. Axios)