Nâng chuẩn nghề

Hướng đi mới cho nông dân

.

Trong quá trình đô thị hóa, thời gian qua, nhiều người dân nông thôn huyện Hòa Vang rơi vào tình trạng không có việc làm do mất đất sản xuất. Với sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương, họ dần  chuyển đổi ngành nghề và tìm cho mình công việc ổn định.

Nhờ hỗ trợ kỹ thuật và vốn, nhiều bà con nông dân huyện Hòa Vang đã mạnh dạn trồng thử nghiệm các loại cây trồng mới cho năng suất cao. Ảnh: Đ.H.L
Nhờ hỗ trợ kỹ thuật và vốn, nhiều bà con nông dân huyện Hòa Vang đã mạnh dạn trồng thử nghiệm các loại cây trồng mới cho năng suất cao. Ảnh: Đ.H.L

Nhân rộng mô hình sản xuất mới

Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, do quá trình đô thị hóa, bà con nông thôn không còn đất sản xuất nhiều như trước, đặc biệt là các xã Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Châu… Do đó, việc giải quyết lao động cho người dân nông thôn luôn được lãnh đạo huyện quan tâm, nhất là độ tuổi 40 - 60. Huyện đã xây dựng đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2014 đến 2020.

Trong năm 2017, huyện Hòa Vang đã ký kết với quận Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) chương trình đưa nông dân sang Hàn Quốc lao động cũng như học tập mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đã đưa 70 người qua làm việc.

Chỉ trong 3 tháng, mỗi người thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Dự kiến vào ngày 15 đến 20-5 tới, huyện sẽ đưa thêm 50 người trong độ tuổi 35 - 60 đối với nam và 30-55 đối với nữ sang Hàn Quốc lao động.

Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ giải tỏa đền bù của thành phố, người dân còn được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi ngành nghề như kinh doanh thương mại, buôn bán nhỏ, mở trang trại trồng nấm, nuôi chim cút, trồng hoa, cây cảnh hoặc đi làm bảo vệ, công nhân, lái xe, thợ hồ, thợ nề…; đồng thời giới thiệu một số lao động vào làm việc tại các khu du lịch Hòa Phú Thành, Bà Nà Hills, đường cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng, góp phần giảm bức xúc về lao động trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng năng xuất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình sản xuất hoa tại Gò Giản, thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong là một ví dụ điển hình. Năm 2016, mô hình này chỉ có 18 hộ tham gia trồng hoa với diện tích sản xuất 1,8ha thì đến nay đã có 6,1ha.

Với sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, các hộ đã tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số giống hoa như hoa lan, hoa hồng, hoa ly… với tổng thu nhập ước khoảng 1,015 tỷ đồng.

Hiện nay, người dân tiếp tục trồng thí điểm một số giống hoa có giá trị kinh tế cao tại khu vực nhà lưới như lan rẻ quạt, lan Ý... nhằm nâng cao thu nhập.

Trong khi đó, vùng rau an toàn Túy Loan được thành phố đầu tư 1 máy xới đất mini với kinh phí 15 triệu đồng và huyện đầu tư xây dựng 9 giếng bơm, 3 giếng công nghiệp, 200m mương bê-tông thoát nước và 5.000m2 nhà lưới vòm với kinh phí hơn 400 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hợp tác xã còn mua sắm dụng cụ vận chuyển và sơ chế rau, in bao bì để đóng gói và thuê 1 kỹ sư giúp bà con xã viên thuận tiện hơn trong sản xuất. Với chất lượng rau bảo đảm an toàn, Trường Skyline Đà Nẵng và Công ty Thực phẩm Tâm Nguyên miền Trung đã ký hợp đồng tiêu thụ rau sạch với hợp tác xã.

Nhờ vậy, nguồn thu tương đối ổn định. Thu nhập bình quân mỗi hộ dân năm 2017 khoảng 48,5 triệu đồng/năm, tăng gần 12 triệu đồng so với năm 2016.

Hằng năm, Hội còn phối hợp với Trường Cao đẳng Lương thực - thực phẩm Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư Đà Nẵng, Trung tâm Ứng dụng và khoa học công nghệ mở lớp tập huấn trồng nấm, trồng rau sạch, nấu ăn cho hội viên.

Trong năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ huyện trồng 74ha lúa hữu cơ ở hai xã Hòa Phước, Hòa Phong. Nhờ đó, người dân được nâng cao nhận thức về trồng lúa sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Năm nay, huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ ở các xã Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Phong; đồng thời định hướng cho bà con dân tộc Cơ tu vay vốn không lãi suất để làm du lịch cộng đồng văn hóa Cơ tu tại hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

Hội Nông dân huyện Hòa Vang hiện có 119.000 hội viên. Trong thời gian qua đã có khoảng 15% hội viên vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để sản xuất. Các hội viên chủ yếu tập trung sản xuất các mô hình nhỏ lẻ, thu hồi vốn nhanh như nuôi gà, heo, cá nước ngọt…

“Người dân lên phương án sản xuất, mình xuống kiểm tra tận nơi, rồi mới thống nhất chuyển vốn vay từ 20-50 triệu đồng. Nhờ vậy, đã giải quyết được phần nào nguồn lao động dư thừa ở địa phương”, ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ.

Song song đó, hằng năm, Hội Nông dân thành phố mở từ 5-7 lớp đào tạo nghề sơ cấp kéo dài 3 tháng về lĩnh vực chăn nuôi, trồng hoa, cây cảnh và nấm. Sau khi học nghề có khoảng 70-80% học viên có việc làm, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ mất đất sản xuất, hộ giải tỏa đền bù, hộ gia đình chính sách, hộ cận nghèo…

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố cũng cho biết, tính đến cuối năm 2017, nguồn vốn hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn thành phố là hơn 36,5 tỷ đồng. Tổng dư nợ hơn 27,5 tỷ đồng với 167 dự án và 1.438 hộ nông dân vay.

Riêng năm 2017, nguồn quỹ này đã giải ngân 59 dự án, giải quyết cho 495 hộ vay với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

“Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đã phát huy tốt, giải quyết vốn vay kịp thời cho các dự án phù hợp, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển sản xuất thuận lợi, tăng sự gắn kết giữa các hội viên nông dân; đồng thời góp phần xây dựng các mô hình nông nghiệp nông thôn, nhân rộng thành vùng sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Tùy theo từng dự án mà người dân được vay từ 100-300 triệu đồng và cho vay theo nhóm hộ cùng ngành nghề sản xuất, không cho vay theo hộ riêng lẻ nên giải quyết được việc làm cho nhiều người. Thông qua nuôi trồng thủy sản theo nhóm ngành nghề, từ đó Hội Nông dân các xã có cơ hội hình thành tổ hợp tác, tiến lên hình thành hợp tác xã ở địa phương”, ông Nguyễn Đình Khánh Vân khẳng định.

Thực hiện Đề án Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, trong năm 2017, huyện Hòa Vang đã giảm được 1.100 hộ nghèo, mở 22 lớp đào tạo nghề cho 902 lao động, cấp Bảo hiểm Y tế miễn phí cho 4.440 đối tượng Bảo trợ xã hội với kinh phí hơn 2,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.427 lao động, đạt 115,5% kế hoạch.

Đối với Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2014-2020, từ năm 2010 đến 2014, có 2.543 lao động được học nghề sơ cấp miễn phí. Từ năm 2016 đến 2020, huyện tiếp tục phấn đấu đào tạo nghề cho từ 7.500 đến 8.000 lao động.

Nguồn: Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.