Nghĩ về phát triển đô thị Đà Nẵng

.

Tầm nhìn chiến lược và cơ sở hạ tầng mà người Pháp đã gây dựng trong thời thuộc địa là một bài học lớn về đô thị hóa cho Đà Nẵng. Tận dụng những ưu điểm của vị trí địa lý, những di tích lịch sử, không đánh mất đi bản sắc địa phương là sự cần thiết để đổi mới, phát triển thành phố một cách sáng tạo.

Một công trình kiến trúc được xây dựng trong thời thuộc địa Pháp (khoảng năm 1906) là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Tân cổ điển châu Âu với nét duyên dáng khiêm nhường của Á Đông (nguồn tư liệu của tác giả). Công trình nay là Trung tâm Văn hóa thành phố, số 32 đường Bạch Đằng. Ảnh: MINH TRÍ
Một công trình kiến trúc được xây dựng trong thời thuộc địa Pháp (khoảng năm 1906) là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Tân cổ điển châu Âu với nét duyên dáng khiêm nhường của Á Đông (nguồn tư liệu của tác giả). Công trình nay là Trung tâm Văn hóa thành phố, số 32 đường Bạch Đằng. Ảnh: MINH TRÍ

Suốt thời kỳ thuộc địa Pháp (1888-1950), với tham vọng muốn biến Đà Nẵng trở thành một trong ba thành phố nhượng địa quan trọng bậc nhất của Pháp tại Việt Nam, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã chỉ đạo Cơ quan Xây dựng Đông Dương nghiên cứu lập nên một đồ án kiến trúc bền vững và có tầm nhìn chiến lược cho vùng đất này.

Trong 62 năm hiện diện, người Pháp đã tạo cho thành phố một sự thay đổi ngoạn mục, từ quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đến xây dựng các công trình kiến trúc kiểu mẫu.

Vị trí và vẻ đẹp của Vịnh Đà Nẵng đã được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ghi chú trong một chuyến hành trình khám phá Annam vào năm 1897:

“… Mọi thứ trở nên rõ ràng trước mắt, Đà Nẵng xuất hiện thật đắm say, không một cảnh thần tiên nào của Địa Trung Hải mà vừa đẹp và vừa lớn lao đến như vậy.

Ta lấy vịnh đẹp nhất của Pháp là Villefranche-sur-Mer để làm ví dụ, thì phải lấy diện tích của nó nhân lên mười đến hai mươi lần, và lấy các vùng đất cùng độ cao của các dãy núi tại đó nhân lên cả trăm lần ta mới có được như Vịnh Đà Nẵng…(1)

So với Sài Gòn và Hải Phòng thì Đà Nẵng có lợi thế hơn hẳn về phương diện hàng hải. Từ cửa Hàn đến bến chính trong sông chỉ cách 3km (Sài Gòn cách biển 80km, Hải Phòng cách 40km). Năm 1904, trong một văn bản mà phòng Thương mại Đà Nẵng gửi cho Ban thương mại và Kỹ nghệ Đông Dương đã khẳng định rõ: “…

Đà Nẵng đối với chúng tôi là một hải cảng tốt đẹp nhất Đông Dương. Để trở thành đầu não của con đường hàng hải tại xứ này; nó đem lại cho các đường viễn dương mọi sự dễ dàng: tàu vô thẳng, không phải tốn phí về hoa tiêu dẫn đạo, không chậm trễ vì phải chờ đợi thủy triều”(2).

Tất cả những công lao xây dựng hải cảng của người Pháp được tập trung trong khoảng thời gian từ 1897-1933, và 90% những gì thuộc hải cảng này được người Pháp để lại cho Việt Nam vào năm 1953.

Không tập trung các cơ quan hành chính vào một khu vực

Trở thành thành phố nhượng địa của người Pháp vào năm 1888, nhưng phải đến năm 1897, thì chính quyền thành phố mới thực sự bắt tay vào việc triển khai thực hiện đồ án quy hoạch và kiến trúc để xây dựng thành phố.

Là một trong 5 thành phố thuộc địa tại Việt Nam được hưởng quy chế thị xã như ở nước Pháp (Đà Nẵng, Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Chợ Lớn), bắt buộc Đà Nẵng phải tuân thủ và áp dụng luật Cornudet cho công tác quy hoạch đô thị như ở chính quốc.

Luật này dựa trên cơ sở tổ chức hình thái đô thị phải theo một phương pháp quy hoạch dự đoán trước quá trình phát triển và coi trọng tính thẩm mỹ đô thị ẩn sau các nguyên tắc về chỉnh trang.

Vào năm 1920, Đà Nẵng có khoảng 10.000 người dân, lúc này thành phố phải lập lại bản đồ quy hoạch chỉnh trang và mở rộng thành phố.

Tổng toàn quyền Đông Dương Maurice Long lúc bấy giờ đã khẩn thiết kêu gọi các chuyên gia đô thị không nên tập trung tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước vào một khu vực(3). Nguyên tắc quan trọng đầu tiên của đồ án này là không phát triển thành phố co cụm lại tại khu vực trung tâm, việc mở rộng thành phố bắt buộc phải tính đến số lượng dân số gia tăng trong những chu kỳ tiếp theo.

Từ năm 1901 người Pháp đã mở rộng khu nhượng địa ở Đà Nẵng về phía tây và tây bắc, phía đông thì vượt sông Hàn, chiếm trọn bán đảo Tiên Sa để dự trữ cho sự phát triển mở rộng thành phố về sau này. Đến năm 1954 khi người Pháp rời Việt Nam thì thành phố mà họ quy hoạch chỉ mới phát triển thêm một phần nhỏ ở khu vực đất dự trữ mở rộng.

Ở vùng tả ngạn, phần nới rộng chỉ dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành đường sắt, về phía hữu ngạn chỉ mới có thêm một con đường nhựa chạy ven bờ sông đến bán đảo Sơn Trà và một nhánh dẫn xuống bãi biển Mỹ Khê.

Mỗi công trình kiến trúc phải là một sản phẩm văn hóa

Trên thực tế, người Pháp chưa bao giờ có ý định xây dựng những công trình ở Đà Nẵng với mục đích khuyếch trương ưu thế văn hóa của họ như đã làm với Hà Nội, Sài Gòn. Hầu hết những công trình thuộc địa được người Pháp xây dựng tại Đà Nẵng đều không quá to lớn về kích thước, hình thức thì có sự dung hòa giữa hai nền kiến trúc Âu-Á.

Ở Đà Nẵng hay bất cứ thành phố thuộc địa nào khác tại Việt Nam, mọi sự xây dựng từ cơ quan công quyền cho đến nhà ở nhỏ lẻ đều phải tuân thủ theo luật Cornudet. Sở kiến trúc và Quy hoạch đô thị Trung ương Đông Dương tại Hà Nội là cơ quan cuối cùng có trách nhiệm phê duyệt và chịu mọi trách nhiệm.

Những công trình xây dựng sai quy định ngay lập tức bị đình chỉ và bị phạt nặng, nếu vẫn tiếp tục sai phạm thì sẽ bị cấm xây dựng 3 năm. Việc này nhằm mục đích bảo đảm kiến trúc không làm phá hỏng ý đồ thiết kế quy hoạch ban đầu của thành phố.

Paul Bert, thống sứ Trung kỳ (Annam) đã nhận định “mặc dầu những công trình công quyền được xây dựng một cách đơn lẻ, nhưng các công trình này đã tạo ra một mối quan hệ thường trực và hòa trộn vào không gian thành phố (…), giai đoạn 1880-1890 là một bước ngoặt trong nhận thức chúng ta về văn hóa của người Annam, xu hướng tạo ra một nền văn hóa pha trộn giữa chủ nghĩa duy lý của phương Tây với triết học của phương Đông đang dần dần phát triển”(4)

Bài học  về đô thị hóa cho Đà Nẵng

Vị trí của Đà Nẵng, ngay từ năm 1535 đã lọt vào tầm ngắm của người Bồ Đào Nha (1595 người Tây Ban Nha, 1613 người Anh, 1633 người Hà Lan và sau hết là người Pháp năm 1744(5). Bao nhiêu đó thôi cũng đã nói lên được giá trị không thể phủ nhận của vùng lãnh thổ này, đặc biệt về hải cảng và vị trí quốc phòng.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là vị trí phòng thủ quân sự của bán đảo Sơn Trà, cả người Pháp hay người Mỹ trong giai đoạn trước 1972 tuyệt đối không can thiệp hay động chạm gì đến khu vực này, họ chỉ xem đây là đảo quan sát. Việc mở rộng thành phố trong những năm gần đây đã thực sự đe dọa đến di sản môi trường này.

Bản đồ quy hoạch thành phố của người Pháp vạch cho Đà Nẵng trong thời Pháp thuộc chỉ dự trù phát triển cho một lượng dân số tối đa là 150.000 người, trong điều kiện kinh tế xã hội của nửa trước thế kỷ XX.

Đồ án này được Toàn quyền Đông Dương giao trọng trách cho kiến trúc sư - nhà quy hoạch đô thị Pháp nổi tiếng ở chính quốc đảm nhận. Ngày nay, dân số Đà Nẵng đã tăng một cách đột biến (năm 2017 là 1,066 triệu người), khu trung tâm thành phố thực sự quá tải và gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Như vậy, thành phố đã thực sự chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, mời các nhà quy hoạch đô thị tầm cỡ quốc tế để phối hợp, lập nên một đồ án quy hoạch có chất lượng và xứng tầm?

Hệ thống pháp lý của chính quyền thực dân đối với kiến trúc và quy hoạch đô thị là rất rõ ràng, minh bạch, khoa học. Việc cấp phép và giám sát công trình xây dựng bắt buộc các đối tượng phải tuân thủ thực hiện nghiêm. Đà Nẵng trong những năm gần đây, ở trung tâm thành phố chỉ có một mô hình kiến trúc duy nhất đó là kiểu nhà tháp.

Với mong muốn thu được nhiều lợi nhuận và đẩy nhanh tiến độ thi công, do truyền thống thiên về số lượng, nguồn vốn có hạn của một số chủ đầu tư (đầu tư ngắn hạn hơn là dài hạn), và một phần do sự thao túng thị trường của giới bất động sản, nên buộc các dự án tận dụng tối đa mật độ và xây dựng nhiều tầng, sử dụng các sơ đồ mẫu mà không quan tâm đến môi trường xây dựng và các hình thái đô thị đã tồn tại trước đó. Qua vấn đề này cho thấy trình độ quản lý quy tắc xây dựng của thành phố còn hạn chế.

Theo thống kê vào năm 2013(6), tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng có khoảng 10 công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tồn tại (tuổi thọ trên dưới 100 năm), nhưng đến năm 2018 số lượng chỉ còn lại phân nửa. Như thế thành phố đã có một chương trình nghị sự cụ thể nào để kịp thời bảo vệ cho những công trình có giá trị lịch sử đặc biệt này?

Những chuyển biến tích cực gần đây chứng tỏ Đà Nẵng đang quan tâm phát triển sáng tạo thành phố một cách tích cực. Tầm nhìn chiến lược và cơ sở hạ tầng mà người Pháp đã gây dựng trong thời thuộc địa là một bài học lớn về đô thị hóa cho Đà Nẵng. Do đó, chính quyền nên chung tay xây dựng thành phố bằng cách tận dụng những ưu điểm của vị trí địa lý, những di tích lịch sử. Đổi mới thành phố nhưng không đánh mất bản sắc địa phương.

TS LÊ MINH SƠN


(1)  Paul Doumer, “l’Indo-Chine francaise”, Paris, 1930; (2) Tài liệu Phòng thương mại Đà Nẵng lưu giữ, ngày 24-4-1904; (3) Corinne Nacinovic, “kiến trúc của các công trình công cộng thời thuộc địa ở Hà Nội và ảnh hưởng đối với quá trình phát triển đô thị”, Tập san nghiên cứ kiến trúc đô thị và xã hội, NXB Khoa học kỹ thuật, 2005; (4) Ch. Pédelahore de Loddis, “Hanoi, miroir de l’architecture indochinoise”, Architecture francaise outre-mer, Paris, Mardaga; (5) Võ Văn Dật, “Lịch sử Đà Nẵng”, NXB Nam Việt, 2007; (6) Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng “Xây dựng tiêu chí đánh giá giá trị các công trình kiến trúc  thuộc địa Pháp tại thành phố Đà Nẵng”

;
.
.
.
.
.
.