Sâu lắng những khúc hát sông Hàn

.

Sông Hàn như dải lụa uốn lượn chảy dọc theo phố phường hai bờ đông tây Đà Nẵng. Nếu ngày xưa nhiều chuyến đò ngang dọc, ngược xuôi đêm ngày vận chuyển hàng hóa và mang theo những câu hò, điệu hát dân gian ngân nga trầm bổng theo dòng sông Hàn làm cho bao người xa quê quên đi nhọc mệt hằng ngày trên các chuyến đò mưu sinh, thì nay âm giai từ những ca khúc về dòng sông đầy huyền thoại này càng làm lay động lòng người.

Chính vì thế, mà dòng sông lung linh với bao câu ca, giọng hò đã đi vào tâm khảm người dân xứ Quảng từ thuở xa xưa.

Ca sĩ Anh Thơ biểu diễn ca khúc Huyền diệu sông Hàn.
Ca sĩ Anh Thơ biểu diễn ca khúc Huyền diệu sông Hàn.

Có thể nói, trên đất nước Việt Nam hiếm có dòng sông nào được nhiều văn nghệ sĩ trong cả nước cảm tác thành hàng trăm tác phẩm như sông Hàn. Rất nhiều khúc hát đã mãi mãi lưu dấu ấn khó phai mờ trong lòng người yêu nhạc.

Ngược dòng thời gian, trong thời khắc lịch sử giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, người người không thể nào quên những thanh âm trầm hùng, xao xuyến đến nao lòng và đầy ấn tượng lan tỏa khắp phố phường từ ca khúc Sông Hàn vang tiếng hát (thơ: Dương Hương Ly, nhạc: Huy Du).

Ôi biển xanh, biển xanh, ôi trời mây bát ngát/ Đây bến Tiên Sa ta cúi hôn bờ cát/ phố phường ơi tiếng hát lại trong lành/ Hỡi sông Hàn ánh mắt long lanh/ Hỡi nắng sớm Sơn Trà/ Hỡi mây chiều Non Nước. Đẹp làm sao nắng tỏa bên đường/ Trên phố phường tràn ngập cánh sao bay/ Yêu làm sao Đà Nẵng...       

Rồi những âm điệu trầm bổng, lung linh từ khúc hát “Sông Hàn tuổi 18” như ru vào lòng người niềm rung cảm nhẹ nhàng, một ca khúc ra đời từ sự đồng điệu sâu sắc giữa tứ thơ trữ tình của nhà thơ Bùi Công Minh - một người con Đà Nẵng với nét nhạc đằm thắm của nhạc sĩ Minh Khang đến từ vùng đất Thăng Long.

Ta có một sông Hàn mười tám tuổi/ Như em sáng nay duyên dáng tuổi học trò/ Sông mở cửa đưa cánh buồm theo gió/ Sóng mang hồn thành phố đến khơi xa…

Có một bài hát được công chúng cả nước biết đến với âm điệu trữ tình đi vào lòng người, ca từ giàu tính văn học và đầy hình tượng ẩn dụ là bài ca Sông Hàn tình yêu của tôi,  sáng tác của nhạc sĩ An Thuyên.

Tìm lại bóng dáng tuổi thơ tôi trong lấp lánh nước sông Hàn/ Có con còng gió lang thang bãi sông vô tình có nhớ/ Tuổi thơ rong chơi ngày ấy, để câu đồng dao lấm bùn…/ 

Rồi cũng có những ca khúc thoát thai theo cùng dòng cảm xúc ấy, được người nghe yêu mến như: Dòng sông tha thứ (Trần Tiến), Mênh mông sông Hàn (Ái Nghĩa), Huyền diệu sông Hàn (thơ: Đỗ Quý Doãn, nhạc: Đình Thậm)…

Ngoài ra, có thêm nhiều nhạc sĩ từ ba miền đất nước đã viết về sông Hàn với những tâm tư khác nhau gửi gắm qua tác phẩm. Có tác giả khắc họa tình yêu quê hương, lời ca đậm chất cách mạng, hồi tưởng như: Phan Huỳnh Điểu (TP. Hồ Chí Minh) với Về với sông Hàn, Trương Quang Lục (Quảng Ngãi) với Tâm tình bên sông Hàn, Tố Hải (Nha Trang) và nhà thơ Nhã Tiên (Đà Nẵng) với Tình ca gửi sông Hàn…

Các nhạc sĩ tâm huyết sáng tác khi cảm nhận được dòng sông Hàn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Đà Nẵng, mở rộng cánh cửa giao thương với thế giới bên ngoài, góp phần khơi dậy tiềm năng kinh tế của một vùng đất rộng lớn ở phía đông thành phố, khai thác du lịch đường sông với những di sản văn hóa trải dọc hai bên bờ.

Từ Nghĩa trủng Hòa Vang đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm, rồi Thành Điện Hải trải dài theo tả ngạn và Đền thờ Thoại Ngọc Hầu cùng khá nhiều đình miếu, dọc theo các vùng đất Mân Thái, Thọ Quang bên hữu ngạn. Sông Hàn cũng là món quà vô giá do thiên nhiên ban tặng, đem lại sự trong lành, yên bình cho cư dân phố biển Đà Nẵng.

 Tất cả không chỉ khẳng định vai trò lịch sử và xã hội của dòng sông trên miền đất văn hóa từ ngàn xưa hiện còn lưu giữ, mà sông Hàn còn khắc ghi dấu ấn văn hóa của người Đà Nẵng hôm nay gửi lại cho muôn đời con cháu mai sau.

Góp phần ngợi ca vùng đất kiên cường trong đấu tranh, vươn lên mạnh mẽ trong hòa bình, các nhạc sĩ đã cho ra đời những bài hát ca ngợi thành phố Đà Nẵng trẻ trung, năng động như Hoàng Sông Hương (Huế) với Xôn xao sông Hàn, Nguyễn Cường (Hà Nội) với Thành phố bên sông Hàn, Thế Bảo (TP. Hồ Chí Minh) với Tình ca Hàn giang, Tân Huyền (Hà Nội) với Sông Hàn yêu thương, Vũ Đức Sao Biển (TP. Hồ Chí Minh) với Hát lên hỡi sông Hàn yêu dấu, Thế Song với Thành phố bên sông Hàn, Trần Hữu Pháp (Huế) với Dịu dàng bóng dáng sông Hàn, Hoàng Bích (Quảng Nam) với bài hát Bên con sông Hàn, Nghiêm Sỹ Hòa (Hà Nội) với Ngày mới trên thành phố sông Hàn, Minh Sơn (Hà Nội) với Sông Hàn không bao giờ lạnh, Nguyễn Trung (Bắc Ninh) với ca khúc Bản tang-go trên sông Hàn và có một ca khúc rất mới: Tôi muốn kéo sông Hàn dài ra mãi của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (TP. Hồ Chí Minh)…

Bên cạnh đó là các ca khúc đậm chất trữ tình, ca ngợi tình yêu lứa đôi, khắc khoải trong đợi chờ - hạnh phúc trong ngày gặp lại của các tác giả Đà Nẵng như: Sông Hàn trong tôi (Thái Nghĩa), Bên sông Hàn (Duy Khoái), Sóng nước sông Hàn (Hoàng Dũng), Sông Hàn bến đợi (Mai Danh)…

Giờ đây trong số những tác giả sáng tác về sông Hàn có người còn tiếp tục hoạt động chuyên môn, có nhạc sĩ đã khuất bóng như Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Minh Khang, An Thuyên, Thái Nghĩa… song những âm giai ẩn sâu từ các khúc hát sông Hàn của họ luôn sống mãi trong lòng người dân Đà Nẵng và nhiều du khách gần xa.

Chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi tận mắt chiêm ngưỡng cảnh quan dòng sông yên ả này đang đổi thay từng ngày, nhất là những lúc sải bước dạo chơi trên bờ sông buổi bình minh rực rỡ hay lúc hoàng hôn, chiều tà lại được lắng nghe những giai điệu quê hương ngân vang dọc theo dòng sông Hàn yêu thương.

Ngay từ thuở xa xưa, dòng sông chia sẻ với cư dân Đà Nẵng bao nỗi niềm buồn vui, ngọt bùi của cuộc sống, cho nên họ yêu dòng sông như yêu chính cuộc sống của mình, trong tâm thức người dân Đà Nẵng, sông Hàn luôn có vị trí trân trọng, họ luôn dành cho dòng sông quê hương những tình cảm sâu sắc nhất, dòng sông từ bao đời nay là người bạn đồng hành hòa cùng nhịp nên các nhạc sĩ đã tâm huyết sáng tác và người yêu nhạc đã đón nhận các bài hát về sông Hàn trong tâm thế vô cùng trân quý.
Hy vọng trong năm tới, sẽ có những ca khúc mới về dòng sông Hàn thân thương trình làng trong cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng do thành phố Đà Nẵng phát động. 

VĂN THU BÍCH

;
.
.
.
.
.
.