Thư gửi… "mấy đứa nhỏ"

.

Chắc các con cũng như cô, khó chịu ơi là khó chịu khi bị ba mẹ mang chuyện con cái ra kể hoặc khoe với mọi người. Ngay cả khi cô đã có mấy đứa nhỏ của riêng mình, cô cũng còn nhắc chừng ba mẹ: “Đừng khoe chuyện của con cho ai đó hỉ!”, vậy mà ba mẹ cô vẫn cứ lén kể hoài, đại loại: “Nó nói ý này với tui nè”, “nó mới rinh được cái bằng khen về”, “nó cho con nó học trường x, y, z”, “nhìn nó hơi buồn buồn vì…”.

Nhiều lắm cô không kể nổi, nhưng rồi cô lại mắc chính “căn bệnh” của ba mẹ mình là thích khoe về con. Ngay cả lúc có con ngồi trước mặt, cô cũng khoe với ông bà hôm nay cháu nói câu lý sự gì, cháu biết hỏi thăm ba mẹ ra sao, được cô giáo nhắn tin thế nào… Cũng nhiều lắm cô không kể nổi và con cô y như mẹ là hét ầm lên rằng: Không được nói về con nữa! Tiếng “nữa” có khi kéo dài đầy bế tắc.

Chắc các con thấy đồng cảnh ngộ quá đúng không? Nhưng khoan buồn người lớn, bởi cùng lắm “người thứ ba” nghe chuyện của chúng ta chỉ là ông, bà hoặc người quen trong nhà, xa xa chút thêm vài người bạn thân mà ba mẹ mình thường rỉ tai. Chứ không thấy ba mẹ khoe bằng lời nói chưa chắc yên tâm rằng “đời tư” của mình được giấu kín đâu các con ạ, có khi còn lộ nhiều hơn.

Giờ nhiều người lớn đâu cần thốt ra lời khoe con cái mình nữa mà cứ thế đưa lên mạng xã hội, quá nhanh, quá phổ biến. Con nói gì, hát gì, trần truồng trông ngộ nghĩnh ra sao, con bị bạn đánh rách quần, toạc áo ở đâu, mắc lỗi bị cô giáo phê bình thế nào lập tức hàng bao nhiêu người có thể biết. Kể cả thư tình đầu đời nguệch ngoạc của con chưa chắc không trở thành bức thư “quốc dân” đâu nhé.

Thậm chí hình ảnh “con” xuất hiện trên vạch que thử thai, hình hài đầu tiên của con qua phim siêu âm, hay khoảnh khắc con vừa lọt lòng chưa kịp áp hơi mẹ có khi cũng đã được “post” ngay lên mạng. Mà “người thứ ba” ở đây con biết bao nhiêu không, không đếm trong phạm vi bàn tay được đâu vì ít ít tầm vài chục người, còn nhiều có thể lên hàng triệu.

Một, hai người biết, thêm một, hai lời vào ra đủ khiến con bực mình, nhưng cả hàng ngàn người lời vào ra thì có khi con lại chẳng biết gì đâu, nên cứ thế ba mẹ càng không thể “phanh” cái bệnh thích khoe con của mình lại được. Các con cũng khoan buồn ba mẹ, bởi chỉ vì ba mẹ quá yêu con mà thôi. Cái gì thuộc về con, liên quan đến con đều khiến ba mẹ phấn khích và muốn chia sẻ với mọi người. Không những thế, ba mẹ có được nhiều sự đồng cảm từ cộng đồng rộng lớn nữa nên niềm vui không nhân đôi mà nhân triệu triệu lượt.

Nhưng vui mà vui quá lại có khi mất vui các con nhỉ! Người sử dụng mạng xã hội facebook trên toàn cầu đang làm ầm cả lên chuyện thông tin cá nhân bị mạng này “thao túng”. Có người bảo đó là sự rò rỉ thông tin, nhưng “rò rỉ” nghĩa là ít ít chứ cả mấy mươi triệu người bị lộ thông tin cá nhân thì phải gọi là “bại lộ”. Các con thì liên quan gì? Liên quan nhiều chứ. Các con cực kỳ dễ dàng bị nhận diện ở bất kỳ đâu vì hình ảnh của con lan truyền rộng rãi và dày đặc trên “hệ thống dữ liệu” (tùy mức độ ba mẹ đưa con lên mạng).

Con ở đâu, ăn mặc gì, đứng ngồi ra sao…; cả thế giới có thể biết và trong số người biết, cô tin không thiếu người xấu dù trước đó chính họ bấm nút “like” hoặc thả tim cưng con lắm. Cô nghe có chuyện người lạ mặt tự dưng đến trường đòi đón trẻ và nói về thông tin cá nhân, sở thích, bà con thân thuộc của trẻ đó như thể người nhà, nhưng sự thật tuyệt nhiên họ chẳng có chút thân quen với trẻ. Tất cả chỉ là sự “lừa dối ngọt ngào” nhờ “moi” được thông tin cá nhân của trẻ trên mạng xã hội. Việc này giờ đây dễ như trở lòng bàn tay.

Chắc các con không hiểu nổi người ta mua bán thông tin cá nhân kiểu gì mà dễ dàng đến thế đúng không? Cô cũng đâu có hiểu. Nôm na là khi ba mẹ hay bản thân con dùng mạng xã hội, sẽ vô tư, vô tình chia sẻ thông tin cá nhân của mình và rồi cái anh AI (tên đầy đủ của anh ấy là “Trí tuệ nhân tạo”) sẽ lưu lại làm của riêng, xong có một “bên thứ ba” nào đó khai thác của cải của anh này.

Thế là ba mẹ hay con chẳng bán thông tin cá nhân cho ai cả mà họ vẫn biết và sử dụng như thể thông tin cá nhân của con là quyền sở hữu của họ vậy. Bại lộ thì họ lấy… thuật toán ra lý giải con ạ. Cô chỉ hiểu đến thế mà cô đã thấy không chịu được, nên nhất thiết cô sẽ kiềm chế việc khoe con của cô trên mạng xã hội. Nhưng kiềm chế khó lắm vì lỡ cuồng yêu con mình rồi!

Vậy có cái gì giúp “hãm” chuyện này lại không? Có. Luật quy định từ ngày 1-7-2017, phải có sự đồng ý của trẻ từ đủ 7 tuổi trở lên trong trường hợp người lớn muốn đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ lên mạng (khoản 1, Điều 36, Nghị định 56/2017/NĐ-CP). Nói nhỏ, bé nào chưa đủ 7 tuổi mà đã biết ấm ức thì cố chờ thêm nhé.

Nhưng theo như cô biết, quy định này chỉ áp dụng với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khác không phải là cha mẹ của trẻ. Còn cha mẹ là người giám hộ đương nhiên theo luật định, là người có quyền quyết định thay cho trẻ việc đưa hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng hay không nên nếu cha mẹ sử dụng hình ảnh con một cách vô hại thì coi như không vi phạm pháp luật! Nói thế nhưng cô chẳng tin vào cái sự vô hại con ạ.

Khoảng cách giữa vô hại và tai hại trong việc đưa hình ảnh, thông tin cá nhân, bí mật đời tư của con cái lên mạng mong manh vô cùng, càng khó phân biệt lúc nào vô hại, lúc nào có hại. Cô nghĩ, không hại hay hại phụ thuộc vào mắt và cách ứng xử của người tiếp nhận thông tin, nên tốt nhất bớt phổ biến đời tư, nhất là liên quan đến cuộc sống của trẻ con càng giúp giữ sự bình an cho trẻ.

Thế nên cô nghĩ lại rồi, cứ để ba mẹ thoải mái đi kể lung tung về chúng mình. Kể thế nhiều lắm đến tai được tầm vài người là hết, mà lời nói thì gió bay, còn hơn ba mẹ không nói, lại “post”, “up” tùm lum lên mạng thì cái vui lẫn cái nguy ngoài tầm kiểm soát. Anh AI trót lưu lại rồi thì những cái đã lỡ phổ biến cũng chẳng thể bay theo gió vào lãng quên được con ạ!

THU HOA

;
.
.
.
.
.
.