Báu vật Sơn Trà

Nghĩ về "khu vườn vạn vật quốc tế"

.

Xác định rừng của Liên khu 5 bị tàn phá rất nặng nề bởi chiến tranh, sau giải phóng, ngày 26-5-1976, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ban hành quyết định số 233 về việc bảo vệ và khôi phục rừng ở bán đảo Sơn Trà.

Vẻ đẹp của rừng Sơn Trà.  Ảnh: T.T
Vẻ đẹp của rừng Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Đăng Đệ

Đúng như tâm nguyện của người dân Khu 5, hai năm sau ngày giải phóng, Thủ tướng Chính phủ  ban hành Quyết định 41-TTg (ngày 24 tháng 1 năm 1977) về việc quy định các khu rừng cấm. Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà  được xem là một trong 10 khu rừng cấm của Việt Nam được bảo vệ với các quy định rất nghiêm ngặt áp dụng cho “toàn bộ bán đảo và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500m”, là vùng bất khả xâm phạm.

 Ông Hoàng Đình Bá, nguyên Trưởng ty Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) chậm rãi bắt đầu câu chuyện về bán đảo Sơn Trà như thế.

 Một số cứ liệu như thế để thấy không phải đến nay, bán đảo Sơn Trà mới được nhìn nhận là “hòn ngọc quý” mà thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng, cho đất nước Việt Nam và thế giới.

 “Về cân bằng sinh thái, rừng Sơn Trà đạt mức độ cao nhất không những của quốc gia mà của thế giới, vì cây cận nguyên sinh và thứ sinh của Sơn Trà có độ che phủ lên đến 99,9%; mật độ 5.000 cây/ha... Không một khu rừng nào trên thế giới có độ che phủ cao như thế”, ông Hoàng Đình Bá khẳng định.

Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, hệ nước ngầm, Sơn Trà còn là bán đảo có vị trí trọng yếu về quốc phòng. Không phải ngẫu nhiên mà Sơn Trà được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương” và thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khi đổ bộ vào miền Nam Việt Nam đều bắt đầu vào từ cửa biển phía Sơn Trà.

TS Vũ Ngọc Long, Viện Sinh thái học miền Nam còn ví von, “hòn ngọc” Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân ôm lấy vịnh Đà Nẵng như một tấm áo choàng bảo vệ Đà Nẵng. Bất kỳ hành động nào phương hại đến sinh cảnh tự nhiên ấy, tấm áo choàng bảo vệ ấy sẽ không thể phát huy tác dụng.

Sơn Trà luôn là niềm cảm hứng của các nhiếp ảnh gia, du khách.  Ảnh: T.T
Sơn Trà luôn là niềm cảm hứng của các nhiếp ảnh gia, du khách. Ảnh: Nguyễn Đăng Đệ

Ông Hồ Huy Diệm, nguyên Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Đà Nẵng còn so sánh, “Công viên Hoàng gia Anh, đặc sắc nhất thế giới cũng chỉ có 250 loài cây. Trong khi Sơn Trà có gần 1.000 loài cây, dù chỉ hơn 4.000 ha. Rừng Cúc Phương cũng chỉ có 2.000 loài cây dù diện tích gấp 10 lần Sơn Trà. Động vật rừng Cúc Phương có nhiều nhưng không có vọoc chà vá chân nâu”...

Năm 1970, ông Hoàng Đình Bá, một trong những sinh viên khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa về lâm nghiệp được lệnh trở về chiến trường miền Nam, nhưng không phải để chiến đấu mà là để nghiên cứu về kinh tế hậu chiến, trong đó đặc biệt là vấn đề thiên tai.

Ông Hoàng Đình Bá cho rằng, Sơn Trà hoàn toàn có khả năng hồi sinh những giá trị nguyên bản ban đầu nếu chúng ta thực hiện đúng cách. Theo đó, “đất, nước, khí hậu và sinh vật” là 4 vấn đề cần được giải quyết đúng đắn, khoa học đối với câu chuyện phục hồi Sơn Trà. Cần làm nhanh nhưng không vội vã!

Theo ông Bá, nước là vấn đề cần quan tâm đầu tiên. Ngoài làm những công trình trên mặt đất, việc nhân giống loại cây quý mà rừng Sơn Trà từng được tặng có bộ rễ sâu đến 30m chính là cách khôi phục hệ thống mạch nước ngầm bền vững nhất.

Kế đó, sẽ là chuyện chống xói mòn, rửa trôi đất, những tác nhân gây tiêu cực, ô nhiễm dưới lòng đất nói chung. Đối với sinh vật việc cần kíp là bảo tồn không gian sống và nguồn thức ăn cho “Nữ hoàng linh trưởng”- vọoc chà vá chân nâu…

Cũng theo Hoàng Đình Bá, Sơn Trà không chỉ có hệ động thực vật phong phú mà còn rất đặc biệt và hoàn toàn có thể trở thành “khu vườn vạn vật quốc tế”.

Hiếm có nơi nào trên thế giới như bán đảo Sơn Trà - là nơi chuyển tiếp giữa biển và lục địa, với hệ thống tự nhiên bao gồm rừng ven biển, cồn đụn cát, đồng bằng, đồi núi. Chỉ rộng trên 4.000 ha, dạng sinh học ở Sơn Trà ghi nhận gần 1.000 loài thực vật chia làm 4 kiểu thảm thực vật rừng, gồm cả bụi cây và trảng cỏ, trong đó có rất nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và

Danh mục đỏ thế giới (IUCN). Sơn Trà cũng là nơi cư trú của hàng trăm loài chim, thú, cá, côn trùng, trong đó có 5 loài động vật trong Sách đỏ Việt Nam và 4 loài IUCN, bao gồm voọc chà vá chân nâu, cu li nhỏ, tê tê, dơi chó cánh ngắn, mang thường…

(Theo Viện Sinh thái học miền Nam - đơn vị được phê duyệt đề tài độc lập cấp Nhà nước về nghiên cứu bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái trên cạn và dưới nước tại Khu Bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà (2017 - 2019)

“Sơn Trà là nơi có một không hai trên thế giới, ở đây có sự đa dạng sinh học rất cao mà thành phố Đà Nẵng cần bảo vệ và sử dụng sự đa dạng đó thu hút du lịch và phát triển bền vững. Kế hoạch phát triển ở khu bảo tồn là xu hướng chung của thế giới nhưng cho dù làm mọi hoạt động gì ở đây đều phải tôn trọng giá trị của tự nhiên...”

(Ông Ben Rawson – Giám đốc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF)

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.