Cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp du lịch

.

Hoạt động lữ hành chui, kinh doanh trốn thuế, bán phá giá tour diễn ra đâu đó trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã làm môi trường đầu tư, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch rơi vào tình trạng bất ổn. Chưa kể, tiền thuê đất du lịch ven biển tăng cao cũng khiến nhiều DN buộc phải điều chỉnh tăng giá phòng, giá dịch vụ và người chịu thiệt cuối cùng vẫn là du khách…

Khách Hàn Quốc nghỉ dưỡng tại  Furama Resort Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC THÀNH
Khách Hàn Quốc nghỉ dưỡng tại Furama Resort Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC THÀNH

1. Thời gian qua, lượng khách từ một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc… đến Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng có sự tăng trưởng mạnh. Tính riêng năm 2017, Đà Nẵng đón hơn 2,3 triệu lượt khách quốc tế thì có gần 600.000 lượt khách đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng này cũng mang đến những hệ lụy như xuất hiện tình trạng tour “0 đồng”, cạnh tranh không lành mạnh, không kiểm soát được việc thuyết minh…

Vì vậy, theo ông Trịnh Bằng Có, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, để môi trường du lịch lành mạnh, thời gian tới, Đà Nẵng cần tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch tại các đơn vị lữ hành, các đơn vị vận chuyển du lịch, nhà hàng, khu, điểm du lịch, khu mua sắm đạt chuẩn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước và tiếp tục có những biện pháp kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép, xử lý kịp thời đúng quy định của pháp luật với mọi hành vi vi phạm, trong đó tiếp tục tập trung vào các thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc.

Đồng quan điểm trên, chủ một khách sạn (xin được giấu tên) trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu) cho rằng, việc quản lý chặt chẽ các DN hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố không những làm trong sạch môi trường kinh doanh, mà còn giúp Nhà nước tránh thất thoát nguồn thuế từ du lịch.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, để góp phần làm trong sạch môi trường du lịch, trong quý 1 năm 2018, sở đã tổ chức hơn 45 lượt kiểm tra và xử phạt 10 trường hợp vi phạm hành chính, trong đó có 3 trường hợp HDV người nước ngoài hoạt động chui tại Đà Nẵng.

2. Để ngành du lịch thành phố thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để kích cầu du lịch, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước thì việc quan tâm hỗ trợ, nâng cao vai trò của các Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành, Hội Khách sạn, CLB Hướng dẫn viên... cũng quan trọng không kém.

Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Hồ Phương Chi cho rằng, cần có quy hoạch cụ thể phát triển hệ thống khách sạn trên địa bàn; như quy định diện tích đất tối thiểu để xây khách sạn, khu vực nào được xây cao tầng, tỉ lệ cây xanh, tỉ lệ mặt đường chạy trước khách sạn…

Việc cấp phép tràn lan như hiện nay đã dẫn đến câu chuyện phát triển hệ thống khách sạn không theo nhu cầu. Nhiều khách sạn nhỏ, hoạt động kém ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm, từ cạnh tranh không lành mạnh đến việc lén lút xả nước bẩn ra biển hay diện tích bãi đỗ xe không đáp ứng nhu cầu.

Về vấn đề này, ông Trần Chí Cường cho hay, thời gian tới Đà Nẵng sẽ tổ chức triển khai định hướng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó định hướng, cung cấp thông tin tư vấn, khuyến nghị cho DN về thực trạng, hạ tầng, hiệu quả kinh doanh để DN tham khảo trước khi quyết định đầu tư.

Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái kết hợp với cộng đồng tại khu vực phường Thọ Quang, Mân Thái (Sơn Trà); đề án quản lý và khai thác dịch vụ du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020…

3. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được hầu hết các DN du lịch quan tâm hiện nay là giá thuê đất đối với DN du lịch ven biển đã tăng từ 21.000 đồng/m2 năm 2016 lên 150.000 đồng/m2 năm 2017. Ông Lê Cảnh Sơn, đại diện chủ đầu tư Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana (đường Võ Nguyên Giáp) cho rằng điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề cạnh tranh về giá, dịch vụ và chất lượng dịch vụ tại các DN du lịch.

Theo ông Sơn, trong khi Hội An chỉ cho DN thuê đất du lịch ven biển với giá 5.000 đồng/m2 thì giá thuê đất cao ngất ngưỡng ở Đà Nẵng khiến không ít DN đang phải tính toán lại bài toán đầu tư kinh doanh của họ, đặc biệt về giá dịch vụ, có thể sẽ phải điều chỉnh tăng trong thời gian sắp tới để đảm bảo nguồn thu, lãi suất cũng như trả công cho người lao động.

Cách đây không lâu, tại Tọa đàm mùa xuân 2018, nhiều đơn vị kiến nghị thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của DN du lịch. Trong đó, nêu mong muốn thành phố hỗ trợ và phối hợp với các ngành đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ các dự án dịch vụ du lịch đi vào hoạt động, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như Công viên Châu Á giai đoạn 2, Tổ hợp 4 sân golf mở rộng Bà Nà - Suối Mơ, dự án chợ đêm Sơn Trà, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng mở rộng không gian tham quan Ngũ Hành Sơn vào ban đêm để tăng trải nghiệm cho du khách. Đặc biệt, cần đẩy nhanh Dự án đầu tư dịch vụ mua sắm quảng trường Hoa Sen tại bãi tắm công cộng Sơn Thủy (Ngũ Hành Sơn).

Về mặt quản lý Nhà nước, ông Trịnh Bằng Có mong muốn các cấp, ngành liên quan tăng cường công tác điều tra khảo sát, nghiên cứu thị trường nội địa để xác minh độ hài lòng của du khách; xây dựng và triển khai Đề án tăng cường hoạt động truyền thông du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin E-Marketing để quảng bá và quản lý du lịch.

Đồng thời, nhanh chóng triển khai hoạt động của đại diện Sở Du lịch tại Hàn Quốc, thiết lập đại diện Sở Du lịch tại Nhật Bản và Trung Quốc, nghiên cứu mở đại diện du lịch tại châu Âu, mở thị trường mới ở Úc, Ấn Độ, Nga…

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.
.