Câu đối của thân phụ nhà thơ Bùi Giáng

.

Ở Quảng Nam, nhiều nhà thơ trào phúng để lại cho đời nhiều câu đối, sau thành giai thoại dân gian rất độc đáo, nhưng chưa được các nhà nghiên cứu văn học sưu tầm, công bố, xuất bản thành sách như trường hợp ông Cửu Tý, thân phụ nhà thơ Bùi Giáng.

Giếng nước do ông Cửu Tý xây dựng (ảnh trái) và một góc vườn nhà ông ở làng Thanh Châu ngày nay. Ảnh: V.T.L
Giếng nước do ông Cửu Tý xây dựng (ảnh trái) và một góc vườn nhà ông ở làng Thanh Châu ngày nay. Ảnh: V.T.L

Họ Bùi nổi tiếng giàu có, lập nghiệp tại làng Vĩnh Trinh, người Quảng thường gọi là Bùi Vĩnh Trinh, nay thuộc xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên. Giàu nhất là ông Bùi Thân, còn gọi là Quản Nghi hay Cai Nghi, dân gian còn lưu truyền: Nhất Cai Nghi, nhì Tú Truyện.

Ông Cửu Tý tên thật là Bùi Thuyên, cháu nội ông Quản Nghi, lập gia trang tại làng Thanh Châu (kế cận làng Vĩnh Trinh) nay thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên. Ông Cửu Tý là thân phụ của thi sĩ Bùi Giáng, rất có tài thơ văn, đặc biệt là câu đối. Những câu đối hay nhất của ông đều do ngẫu hứng. Người ta gọi ông là “ông Cửu Tý điên”, suốt ngày ông đi rông ngoài đường, lúc nào miệng cũng lẩm bẩm đọc thơ, đặc biệt là câu đối dân gian. Là con nhà giàu nhưng ông rất nhân hậu, tính nhân văn cao, ông thường châm chọc nhà giàu, nhất là trọc phú hay keo kiệt, bắt nạt người làm công nghèo khó. Đến nhà nghèo ông hết sức khiêm tốn, trân trọng. Nơi nào có đám nhà mới ông thường tới xem liễn, đối, phê bình, giải thích từng câu và thường sáng tác tại chỗ.

Một hôm, ông Tư Can có bà con ở với ông, ở Phú Đa, cách nhà ông 15, 16 cây số, làm đám về nhà mới. Biết thế nào ông cũng đến, ông Tư Can chuẩn bị câu đối sẵn, khi ông bước lên thềm nhà, ông Tư Can ra đón và đọc liền vế xuất đối: Trạch trạch Tư Can (Nhà của Tư Can). Ông Cửu Tý lúc đó đang bước chân lên thềm nhà mới, đối lại liền: Chân chân Cửu Tý.

Một người chú ruột ông Cửu Tý là ông Chánh Bảy, tên là Bùi Quán, làm Chánh tổng Đông An, cai quản cả khu Tây Duy Xuyên rộng lớn, đất đai màu mỡ, trù phú. Là con của đại điền chủ, lại làm Chánh tổng là chức sắc trực tiếp cai trị dân quê, ông Chánh Bảy oai danh lừng lẫy, đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, cả bầy tôi tớ, bộ hạ theo hầu, người nào tay cũng cầm roi mây để dẹp đường, nên ở địa phương mới có thành ngữ Dài như roi Chánh Bảy.

Một hôm cả đoàn quan quân của ông Chánh Bảy đang đi hành hạt (tuần hành trong địa hạt mình quản lý) thì gặp ông Cửu Tý đang đi lang thang bên đường như mọi ngày. Cả đoàn đều biết đó là ông Cửu Tý, nên không vội vung roi như đối với những người dân khác. Ông Cửu Tý thấy thế, ngẫu hứng ra câu đối:

Chánh Quán ở đâu, đâu chánh quán? Vòng tay thưa lại với Bùi Thuyên!

Chánh Quán là ông Chánh tổng tên Quán; còn chánh quán là danh từ chung, chỉ nơi sinh chốn đẻ, nguyên quán của một người... một cách “chơi chữ” rất thú vị. Bảo một ông Chánh tổng oai phong lẫm liệt như ông Chánh Bảy phải vòng tay thưa lại quê quán của mình cho đứa cháu gọi bằng chú ruột, thì chỉ có điên như ông Cửu Tý mới dám làm! Và ông Chánh Bảy bí, đành ngẩn tò te! Không đối lại được, Chánh tổng đành giả lả, xả xấu, làm bộ vung roi “Mẹ cha thằng này, ngạo quá!” rồi cưỡi ngựa đi thẳng một mạch.

Không phải lúc nào vế xuất đối của ông Cửu Tý cũng làm cho đối phương “bí” không đáp được.
Một ông chú ruột khác của ông Cửu Tý là ông Cửu Lương. Ông này tuổi Dậu, cầm tinh con gà nên có tên tục là Dậu, còn ông Cửu Tý cầm tinh con Chuột. Ông Cửu Lương cư ngụ ở Phú Nhuận (nay là xã Duy Phú) cách xã Thanh Châu trên mười cây số, thường ngày luẩn quẩn trong nhà để thu tô. Một bữa ông Cửu Tý đi ngang ngõ, thấy ông Cửu Lương lấp ló nhìn ra, ông Cửu Tý xuất đối: Gà kêu chút chít điếc lỗ tai. Ông Cửu Lương đối lại liền: Chuột chạy cùng sào rớt cái bịch!

Một người bà con cùng họ Bùi với ông Cửu Tý là ông Điển Cần, ông này có nhà vườn rất rộng ở Cổ Tháp kế cận làng Thanh Châu, quanh vườn có mương dẫn nước từ đập Vĩnh Trinh về, bên ngoài mương nước có hàng tre bao bọc; tre thưa, thấp, ít lá, đi ngoài đường nhìn vô trong vườn thấy rõ từng bụi cây, ngọn cỏ. Ông Điển Cần quanh năm suốt tháng vui thú điền viên, rất ít khi đi ra bên ngoài. Ngược lại, ông Cửu Tý ngày nào cũng đi rông ngoài đường, hết năm này qua năm khác, bốn mùa xuân hạ thu đông, trời nắng cũng như mưa, không lúc nào thấy có ông ở nhà.

Hôm đó ông Điển Cần vừa thấy ông Cửu Tý đi ngang qua vườn nhà mình, miệng nói huyên thuyên, bèn ra câu đối: Huyên thuyên xấp xí Cửu Tý nói điên.

Ông Cửu Tý đáp ngay: Luẩn quẩn luần quần Điển Cần chửi bậy (*)

Một số câu đối của ông Cửu Tý vừa sưu tầm kể trên, tuy biết rõ đó là của ông Cửu Tý, nhưng nó vẫn là câu đối dân gian, vì chỉ truyền khẩu, không thành văn, không để lại bút tích. Con hơn cha nhà có phúc, không ít người đồ rằng, có lẽ do có một người cha như thế nên nhà thơ Bùi Giáng có giọng thơ ngang ngang, điên điên đầy cá tính.

PHAN THẾ TẬP


(*) Câu này có một số dị bản, trong đó có một câu có hai từ cuối cùng mang nghĩa thô tục đậm nét dân gian.

;
.
.
.
.
.
.