Khởi nghiệp từ lòng yêu trẻ

.

Khác với vẻ ngoài trẻ hơn so với tuổi, những câu chuyện mà Trần Thị Huyền Trang (sinh năm 1990) chia sẻ mang đến nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm về cuộc sống, về đam mê, công việc, cho người đối diện sự cuốn hút khó cưỡng. Cũng chính vì lẽ đó mà Trung tâm Anh ngữ Esmart của Trang dù mới thành lập nhưng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía phụ huynh và học sinh.

Huyền Trang (ở giữa, hàng đầu tiên) cùng các thành viên của Esmart. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Huyền Trang (ở giữa, hàng đầu tiên) cùng các thành viên của Esmart. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng chuyên ngành Tiếng Anh, đồng thời “lấy” thêm một bằng Kế toán, Huyền Trang nhanh chóng đầu quân cho một công ty xây dựng. Trong thời gian đó, cô nuôi ước mơ mở một doanh nghiệp nội thất – với sự hỗ trợ của chồng đang làm kiến trúc. Thế nhưng, mọi thứ hoàn toàn thay đổi từ khi Trang bắt đầu làm mẹ.

Huyền Trang kể: “Từ khi mang thai, mình nghỉ hẳn ở nhà để chăm sóc em bé theo hình thức thai giáo; cũng trong giai đoạn này, mình tìm hiểu thêm các chương trình học cho con. Vì yêu con, và muốn mọi em bé đều được trải nghiệm những kiến thức bổ ích nên mình gác lại ước mơ về công ty nội thất để theo đuổi niềm đam mê giáo dục như bây giờ”.

Tháng 7 năm 2017, Trang bắt tay vào thực hiện dự định bằng hoạt động bán thẻ học các môn học theo chương trình của Bộ Giáo dục-Đào tạo, thẻ học tiếng Anh, thẻ Kỹ năng sống cho trẻ mầm non và các thẻ học cho học sinh tiểu học, THCS và THPT; song song đó là lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực để mở các lớp tiếng Anh tại trung tâm theo hình thức chuyển nhượng chương trình học.

Về việc bán thẻ tự học, Huyền Trang chia sẻ, vì thấy chương trình do Công ty TNHH Phát triển và phân phối các sản phẩm giáo dục Epro (thuộc Tập đoàn Giáo dục Egroup) biên soạn và chuyển giao khá hay, bổ ích nên cô sẵn sàng hỗ trợ giá để các bạn học sinh được tiếp cận nhiều nhất.

Với mong muốn dần thay đổi thói quen của phụ huynh cũng như học sinh về việc phải đến lớp học thêm, Huyền Trang hy vọng truyền cảm hứng về việc tự học, thuyết phục phụ huynh “cùng học” với con để giảm thiểu áp lực học tập của các bạn nhỏ.

Còn về Trung tâm Tiếng Anh Esmart, điều mà Huyền Trang hướng đến ngay từ khi bắt đầu, chính là tuyển giáo viên bản ngữ phát âm chuẩn Anh-Mỹ, từ một công ty đào tạo giáo viên Anh ngữ. Đối với giáo viên Việt, Esmart chỉ tuyển những người tốt nghiệp sư phạm mầm non hoặc có chứng chỉ sư phạm, có tình yêu trẻ.

Nhân lực chính là “xương sống” của bất kỳ một tổ chức nào, vì thế, với 12 thành viên tại Esmart, Trang xem như một đại gia đình, luôn truyền cảm hứng và động lực để mọi người sống trọn với đam mê.

Huyền Trang sử dụng giáo trình do cô Lê Thị Thu Huyền – một giảng viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương biên soạn, chú trọng đến sự phù hợp đối với trẻ Việt; bởi trẻ từ 2 đến 6 tuổi cần học đủ và đúng những gì đang diễn ra chung quanh. Esmart cũng định hướng việc phát triển vừa học vừa chơi cho các bé, tăng khả năng sáng tạo – tương tác của các bé thông qua trò chơi, đóng kịch, tô màu, vẽ hình ảnh.

Cũng như bất kỳ một đơn vị khởi nghiệp nào, Huyền Trang và các bạn đồng hành ở Esmart cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất chính là sự cạnh tranh về giá cả với các trung tâm khác trên cùng địa bàn.

Đặc thù ở Esmart là giáo viên bản ngữ, chương trình chuẩn nên không thể tùy tiện giảm giá; điều này vừa là nỗi lo nhưng cũng chính là động lực để Esmart sáng tạo mỗi ngày, tìm ra những điểm mới nhất, hữu ích nhất nhằm thuyết phục phụ huynh.

Ngoài ra, Huyền Trang cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình chuyển giao chương trình từ Hà Nội, trong việc tuyển giáo viên cũng như thuyết phục phụ huynh về thói quen học, độ tuổi học tiếng Anh của trẻ.

Và bù lại sự tâm huyết và tình yêu thương dành cho các bé, hầu hết những trẻ đến với trung tâm đều tỏ ra thích thú, mong được quay lại để tiếp tục học. Đó chính là động lực để Huyền Trang và 12 thành viên ở Esmart cố gắng mỗi ngày.

Nói về dự định tương lai, cô chia sẻ, ngoài việc phát triển trung tâm Esmart tại 58 Bình Hòa 10 (quận Cẩm Lệ), cô còn mong muốn xây dựng những câu lạc bộ sau 17 giờ tại các trường mầm non. Đây là một ý tưởng nhằm rút ngắn quãng đường đi học tiếng Anh tại các trung tâm, giúp các bé có cảm giác thoải mái khi học đồng thời cũng giúp phụ huynh yên tâm hơn, nhất là những phụ huynh đi làm về muộn.

Ngoài ra, Huyền Trang cũng mong muốn liên kết với các trường mầm non, đưa chương trình học vào giờ học chính khóa, giúp các bé vừa học vừa chơi và làm quen với tiếng Anh theo đúng tiêu chuẩn ngay từ ban đầu.

Nhiều ước mơ, đầy tâm huyết và tràn năng lượng, chính là những gì Huyền Trang truyền cho người đối diện cũng như truyền cảm hứng cho đồng nghiệp; dẫu phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi trong khi “khởi nghiệp” ai cũng vất vả với bài toán lợi nhuận để bù đắp khó khăn về tài chính, thì Huyền Trang vẫn phải luôn kiên trì với đam mê của mình vì cô biết, ngành nghề này không thể vội được.

Lê Hồng Mận

;
.
.
.
.
.
.