Người Thái Lan đòi lại đất rừng

.

Những dải ruy-băng màu xanh lá cây, tượng trưng cho phong trào đấu tranh vì môi trường xuất hiện ở những nơi công cộng tại Chiang Mai, thậm chí trên cả trụ đèn và xe hơi. Hơn 1.000 người tham gia cuộc biểu tình ở Chiang Mai tuần trước phản đối việc chính phủ xây dựng các căn nhà cao cấp dành cho quan chức tòa án ở chân núi Doi Suthep.

Diện tích rừng bị phá để xây dựng rộng 147 rai (1 rai Thái Lan tương đương 1.600m2) và tiêu tốn ngân sách 1 tỷ bath. Người phản đối cho rằng đó là hành động phá hoại môi trường thì phía tòa án cho đó là đất thuộc Bộ Tài chính và thủ tục đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2014.

Dự án xây dựng các căn nhà cao cấp dành cho quan chức tòa án dưới chân núi Doi Suthep đã vấp phải sự phản đối của người dân.
Dự án xây dựng các căn nhà cao cấp dành cho quan chức tòa án dưới chân núi Doi Suthep đã vấp phải sự phản đối của người dân.

Tình thế căng thẳng buộc Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phải đưa một trong những quan chức cao cấp của mình là Suwaphan Tanyuvardhana tới Chiang Mai để thỏa thuận với các nhà hoạt động môi trường. Ông Suwaphan kết luận sẽ không có ai sống trong khu nhà cao cấp này với tổng cộng 45 căn nhà và 9 tòa nhà.

Khu vực này sẽ được khôi phục lại rừng. Chính phủ sẽ thành lập một ủy ban bao gồm các nhà hoạt động môi trường, đại diện cộng đồng địa phương để làm rõ việc sử dụng đất trong tương lai. Tuy vậy, công việc xây dựng vẫn tiếp diễn bởi vì chính phủ cho rằng cần tôn trọng thỏa thuận với các công ty xây dựng liên quan.

Các nhà hoạt động môi trường tạm thời cho đây là một thắng lợi nhưng vẫn tiếp tục theo dõi động thái tiếp theo của chính phủ. Phía hoạt động môi trường đề nghị nhanh chóng phá hủy toàn bộ công trình xây dựng để khôi phục rừng nhưng ông Tanyuvardhana cho rằng cần tuân thủ các trình tự làm việc sau khi nhà thầu hoàn tất việc xây dựng.

Teerasak Roopsuwan, một trong những nhà hoạt động nói: “Những gì chúng tôi có bây giờ là một lời hứa khôi phục lại rừng Doi Suthep”. Đi xa hơn nữa, Roopsuwan cho đây là mô hình cần nhân rộng trên cả nước cho bất cứ dự án nào liên quan tới đất công cộng. Nó không chỉ mang tính hợp pháp mà còn phải xem xét ý kiến của người dân địa phương trước khi thực hiện dự án.

Không chỉ vậy, nhiều người còn đòi truy cứu trách nhiệm phá hủy hệ sinh thái, công tác quản lý. Sumitrchai Hattasan, một quan chức làm việc trong ngành bảo tồn, cộng đồng nhận định nếu chỉ hoàn trả rừng là bất công.

Nếu một người bình thường lấn chiếm đất rừng như thế này sẽ phải đối mặt với án phạt nặng vì làm tăng nguy cơ biến đổi khí hậu. Trong quá khứ từng có một số trường hợp bị yêu cầu bồi thường tới 150.000 bath/rai. Trong trường hợp này các nhà chức trách sẽ phải trả gấp 147 lần như thế.

ANH THƯ (Theo thaivisa, khaosodenglish)

;
.
.
.
.
.
.