Thương nhân Hội An xưa và nay

.

Trong một lần nói chuyện về Hội An, thấy bãi biển Cửa Đại chưa xây dựng nhiều, nhưng chúng tôi biết các doanh nhân đến ngắm đất không ít. Người muốn tiếp tục xây khu nghỉ mát. Người ưng làm khu vui chơi giải trí, ẩm thực ban đêm.

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An lúc đó nói, quan điểm của ông muốn giữ bờ biển vàng này cho người Hội An “làm”. Khi ấy chúng tôi  nghĩ ngợi, ông suy nghĩ cục bộ địa phương, người Hội An gốc vốn liếng được bao nhiêu, làm mấy cái quán xá vớ vẩn bán hải sản nhếch nhác. Sau này ngày càng hiểu ông Nguyễn Sự thì mới hiểu ý sâu sắc “dành lại vài chỗ để cho người Hội An làm” là ông có cái lý lẽ riêng!

Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: MINH TRÍ
Khách du lịch tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: MINH TRÍ

Mới đây anh Trần Thái Do, một doanh nhân lĩnh vực may đo thời trang - ngành khá nổi tiếng của Hội An, giới thiệu dự án khu nghỉ mát 4 sao vừa đưa vào khai thác du lịch. Dự án nhìn ra con sông nhỏ, đôi nhánh dừa nước la đà, gần một xóm nhỏ chuyên nghề chài lưới, nhà cửa bình dị.

Tôi biết anh mất vài năm cho quá trình triển khai dự án. Bây giờ khu nghỉ mát đã hình thành, anh kể rất nhiều về gạch xây tường. Viên gạch không nung, không sử dụng quá nhiều tài nguyên đất, nước và các nguyên liệu hóa chất khác.

Loại gạch giúp cách nhiệt tối đa, một lần nữa tạo ra giá trị tiết kiệm năng lượng điện trong sử dụng máy lạnh. Hoặc về hệ thống cấp nước, điều hòa nhiệt độ của khu nghỉ mát đều được đầu tư thiết bị cao cấp để trong quá trình sử dụng, một lần nữa giảm thiểu hết những chất thải độc hại ra môi trường, tiết kiệm nước.

Đó là những giá trị văn minh mà nhà đầu tư muốn chia sẻ với những khách hàng, giá trị mà anh muốn đặt nền tảng vào mảnh đất mình đến làm ăn. Hiện tại anh nói không thuê tổng giám đốc điều hành, để tự làm một thời gian, xây dựng nên một giá trị chuyên nghiệp nhưng mang tính gia đình đối với các quản lý và nhân viên, một cách làm mà Hội An nên có và giữ, không chạy theo tính chuyên nghiệp như các khu nghỉ mát khác.

Anh sẽ cố gắng truyền tải hết ý nghĩa nhân văn trong quá trình xây dựng đó cho đội ngũ nhân viên, để họ tự hào và gắn bó bền vững với dự án bằng những sáng kiến tiếp theo. Ông chủ dự án tâm đắc với quan điểm đầu tư đó, sống thuận thảo với môi trường, coi như là giá trị lớn nhất của khu nghỉ mát này, chứ không phải giá trị ở vị trí đẹp, ở không gian kiến trúc xanh hay  nội thất tinh xảo, sang trọng.

Giữa câu chuyện thỉnh thoảng lại có vài ông chài lưới đi ngang qua, chào hỏi vui vẻ như hàng xóm láng giềng thân thiết. Người dân địa phương rất tốt, ông chủ dự án nói vậy. Chúng tôi ngắm xóm nhỏ ấy. Họ sẽ được gì khi một phần dân cư đã giải tỏa khỏi khu đất xưa, nhường chỗ cho những nhà đầu tư mới. Chúng tôi gần như trầm lặng hẳn khi suy nghĩ về đề tài này.

Chúng tôi nói về ngôi làng đó. Và mỗi người theo đuổi mơ ước của mình. Tôi nghĩ về những giá trị tiềm ẩn trong một dự án đầu tư lâu nay chúng ta chỉ nói đến những lời quảng cáo chung chung như cho khách hàng một phong cách sống đỉnh cao.

Mặc dù đỉnh cao đó chỉ là những căn hộ hào nhoáng, những an ninh cách biệt với tất cả khu dân cư xung quanh, những tiện ích gồm nhà hàng, trường học cao cấp… Rất ít dự án nhìn về phía những người dân đang sống cận kề.

Tôi mong ông chủ đầu tư này đi nốt chặng đường ngắn nữa, làm một điều gì cụ thể cho cái xóm nhỏ chài lưới kia để họ sống tốt hơn, tiếp cận những giá trị văn hóa mà anh đang theo đuổi đối với dự án của riêng mình. Tôi rất tin!

Người Hội An buôn bán khác. Doanh nhân Hội An càng khác, luôn làm các dự án của mình với tâm thế gửi gắm sự biết ơn, bảo vệ di sản, dù vẫn phải tính suất đầu tư bao nhiêu, lợi nhuận phải tính hai cách, thu hồi vốn, lợi nhuận và chăm sóc nhân viên thế nào.

Khi dự án của Trần Thái Do bắt đầu tuyển nhân viên, rất nhiều người đã có việc làm nhưng đăng ký, tôi nghĩ không chỉ vì họ nghe về mức lương thỏa đáng, người Hội An đã biết về doanh nghiệp Á Đông Silk, nơi nhân viên đã đến làm là ở lại, hầu như không có ai bỏ việc đi nơi khác nữa. Văn hóa doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư, và đảm bảo cuộc sống tinh thần, vật chất cho nhân viên.

Không trách gì những nhà đầu tư nơi khác. Họ thấy một mảnh đất vàng trong lòng một di sản văn hóa, nơi khách đang đổ đến nườm nượp. Và họ nhìn ra suất đầu tư, nhìn ra những gì bỏ vào đây, sau bao nhiêu lợi nhuận, có thể họ giữ lại kinh doanh, có thể họ bán cho nhà đầu  tư khác. Chỉ là chuyện kinh doanh. Có ăn đời ở kiếp gì với Hội An, có tình cảm sâu nặng gì.

Thế nên không thể trách họ văn hóa nông cạn, hời hợt, chỉ biết đến lợi nhuận. Tôi từng nghe chủ dự án cố thuyết phục cơ quan quản lý Nhà nước cho phép xây khách sạn 7 tầng ngay khu cận bảo tồn di sản thì có thể hiểu người  nơi khác đến đầu tư là vậy.

Họ cố làm càng cao, càng nhiều càng tốt, bất chấp những dự án của họ sẽ làm ra một thứ Hội An mới, nham nhở và đè bẹp di sản cổ kính khiêm nhường. Rất may là những tham vọng tầm cao đó đã bị chặn lại. Nếu không Hội An sẽ thảm bại về kiến trúc như với Sapa, hay giống các đô thị khác, lô nhô, nham nhở. Người đau là người Hội An chứ không phải những người mới đến. Đúng vậy không nhỉ?

Ở trước chợ Hội An có chùa Ông thờ Quan Công và hai người con trai, được  xây dựng vào thế kỷ XVII. Có lẽ bởi tính cách Quan Công là trung nghĩa, tiết tháo, người Hoa ở Hội An không chỉ đến chùa Ông cầu tài lộc, mà dùng nơi này để các đối tác cùng cam kết làm tin các thương vụ, xác tín trước thánh thần việc vay và trả nợ.

Mọi việc làm ăn thương mại có thần linh bảo trợ, cũng như trừng phạt kẻ gian lận. Thương nhân Hội An xưa làm ăn chỉ cần chữ tín như vậy để buôn bán khắp Đông Nam Á. Bây giờ tính cách của thương nhân Nhật và Hoa ngày ấy như thấm đậm trong tính cách những doanh nhân Hội An bây giờ.

Những doanh nhân làm nên thương hiệu may đo thời trang cho Hội An như Á Đông Silk, Yaly, Thu Thủy, Kim My, Phước An đều phải đi bằng nhiều ngành kinh doanh. Nhưng riêng mảng may đo thời trang họ thật sự giống những thủy thủ có bản lĩnh vững vàng giữa bão tố.

Họ đều gầy dựng thương hiệu từ mồ hôi, từ chiếc áo sơ-mi có giá năm đô la ngày đầu để đến hôm nay tạo nên thương hiệu cho thành phố. Trên thương trường, những vụ việc như món lụa giả hàng Việt mà thương hiệu Khaisilk vừa vấp phải, nó vừa phản ánh căn bệnh phổ biến hôm nay của nhiều người Việt, thích thương mại, thích mua một bán mười, có lời trong chớp nhoáng. Cách làm này sẽ hại cho Hội An.

Trong một lần nói chuyện trà dư tửu hậu, có nhắc chuyện làm ăn, một doanh nhân nói: “Quan điểm của tôi là không bao giờ đầu tư cho sản xuất. Làm sản xuất hàng hóa, bất cứ cái gì cũng không có ăn, hoặc không thể nhanh chóng  thu hồi vốn và phát triển được. Đầu tư cho thương mại là tốt nhất trong tình hình ở Việt Nam”.

Nhưng doanh nghiệp Việt cứ lao theo con đường đánh hàng giá rẻ Trung Quốc về Việt Nam bán bằng gian lận thương mại, thì hết một thế kỷ chúng ta cũng không làm nên một thương hiệu nào có giá trị. Bởi lẽ thời đại không gian kinh tế mạng này, đã hết cách ngồi trong nhà trông mong vào sự ngây ngô của thị trường và người tiêu dùng.

Một thương hiệu có thể sụp đổ trong vòng một giờ đồng hồ như chúng ta thấy với Khaisilk. Chúng ta đi bán hàng lụa mà không biết những nhà sản xuất đã áp dụng công nghệ thông minh cho các sản phẩm đến đâu. Có lần một ông chủ làm hàng tơ tằm người Brazil nhờ đối tác Việt tìm cho một ít tơ Việt Nam. Hàng mẫu từ vùng dâu tằm lớn của Việt Nam được gửi đi. Sau đó rất nhanh, đối tác Brazil trả lời với thái độ khá miệt thị:

“Tôi cần tơ Việt, tại sao các bạn lại gửi mẫu tơ Trung Quốc? Chúng tôi đã đưa mẫu vào thí nghiệm và có thông số đó là tơ Trung Quốc. Nếu cần tơ Trung Quốc, chúng tôi có rất nhiều đối tác, không phải đi vòng qua Việt Nam”.

Chỉ vì muốn ăn thật nhanh, thiếu kiên nhẫn, nhà cung cấp đã mất một đối tác, mất một nguồn lợi lâu dài nếu như đối tác Brazil có kế hoạch cần cung cấp tơ Việt. Không phải vì tơ Việt tốt hơn, nhưng có thể phù hợp hơn với sản phẩm của họ.

Kể như vậy để thấy rằng đã hết thời cho những người làm kinh doanh mà chỉ dựa vào sự dối trá mua rẻ bán đắt, gian lận xuất xứ, đổ tiếng xấu cho các đối tác của mình chắc chắn không thể trường tồn.

 Nghiệm ra có một làn sóng các nhà đầu tư mới đến Hội An chừng mười năm qua đã góp thêm cho thành phố nhỏ xíu này những công trình mới mẻ, đã nâng tầm chất lượng dịch vụ không kém cạnh những khu vực nổi tiếng như Phuket miền nam Thái Lan, hay Bali ở Indonesia.

Đôi khi không muốn nghĩ đến số phận của di sản văn hóa thế giới này trong tương lai khi mà nó phải đón đến 2,5 triệu du khách một năm thì những người vận hành bộ máy kinh doanh, dịch vụ cũng phải lao theo cơn sốt này chăng?

Đôi nghĩ nghĩ ngợi, có những người mà đích đến của kinh doanh là đồng tiền lợi nhuận. Những người mới đến này sẽ đem lại giá trị gì cho Hội An nhỉ? Phải hỏi câu này, bởi Hội An là một thực thể văn hóa sống rất đặc biệt, người kinh doanh phải hiểu kiếm tiền dựa vào tài nguyên văn hóa chứ không phải dựa vào đầu tư mạo hiểm, khoe tài khoe vốn, thì mới đi được đường dài.

Bích Hồng

;
.
.
.
.
.
.