Đông Nam Á với nỗi lo giao thông công cộng

.

Kẹt xe. Xe không đạt tiêu chuẩn môi trường. Tình trạng đó diễn ra khá phổ biến ở những thành phố lớn Đông Nam Á, từ Manila (Philippines) cho tới Kuala Lumpur (Malaysia)… Chính phủ nhiều quốc gia Đông Nam Á muốn thay thế xe dịch vụ của cá nhân bằng hệ thống xe công cộng trong thời gian tới nhưng không dễ dàng khi mà bản thân kế hoạch triển khai xe công cộng không dễ thực hiện vì thiếu sự đồng bộ và đáng nói hơn là sự phản ứng của những người đang hành nghề chuyên chở dịch vụ bằng xe cá nhân.

Jeepney ở Manila.
Jeepney ở Manila.

Jeepney là loại xe đã tồn tại hàng chục năm ở Philippines. Xe thiết kế đơn giản với hai hàng ghế cho khoảng 15-20 người, không có máy lạnh. Thuận lợi ở chỗ tài xế có thể dừng để hành khách lên và xuống bất cứ lúc nào có nhu cầu. Thủ đô Manila với 13 triệu dân thì jeepney là lựa chọn phù hợp nhất khi mức giá 8 peso (0,15 USD) cho 4 km. Mỗi tài xế kiếm được từ 200-400 peso/ngày và lấy bớt một phần trả cho chủ xe. Jeepney được gọi là “ông vua đường phố” ở Manila.

Những chiếc jeepney chạy bằng diesel nên gây ô nhiễm môi trường nặng nề khiến chính phủ Manila dự kiến tới năm 2020 sẽ tung ra hệ thống ô-tô điện an toàn hơn và thân thiện hơn với môi trường. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Harry Roque khẳng định sẽ bảo đảm quyền lợi cho những người lái xe jeepney dù chính phủ đặt mục tiêu thay thế 2/3 số xe jeepney (270.000 chiếc), có năng lực chuyên chở hàng triệu người mỗi ngày. Mỗi chiếc xe trị giá 1,8 triệu peso và chính phủ trợ giá cho 80.000 peso/chiếc. Phần lớn các chủ xe đều cho rằng đó là mức giá họ không thể kham nổi. Chưa hết, chính phủ Philippines còn yêu cầu những ai muốn kinh doanh phải có vốn 7 triệu peso và một đội xe gồm 20 chiếc. Rene Santiago thuộc Hội Khoa học Giao thông vận tải Philippines nhận định những động thái của chính phủ là sai lầm bởi vì hệ thống giao thông công cộng trong khu vực còn thiếu. Cách tốt nhất là làm việc với các nhà kinh doanh để giải quyết những tồn tại hiện nay trong giao thông Manila.

Taxi xe máy ở Bangkok.
Taxi xe máy ở Bangkok.

Chính quyền thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) năm ngoái đưa ra lệnh cấm taxi xe máy vì lo ngại an toàn dù loại phương tiện này là “ưu việt” nhất để đi lại trong thành phố thường xuyên kẹt xe. Chính quyền thủ đô Bangkok (Thái Lan) cũng vừa đưa ra những hạn chế cho hoạt động của taxi xe máy, trong đó có hạn chế các bãi đậu xe trên vỉa hè vì cho rằng cách chạy xe vội vã cũng như đậu xe vỉa hè dẫn tới tai nạn giao thông tràn lan. Phía chính quyền Bangkok trích dẫn nguồn của Tổ chức Y tế thế giới năm 2015 rằng Thái Lan là quốc gia có tỷ lệ tử vong trên đường cao nhất thế giới. Chủ tịch Hiệp hội taxi xe máy Chaloem Changtongmadun cho biết hội đang tìm kiếm các khu đậu xe cố định để các thành viên có thể yên tâm hành nghề. Phương tiện này đã chở hàng chục nghìn lượt người mỗi ngày ở Bangkok. Hồi đầu năm nay, Tòa án tối cao Indonesia đã hủy bỏ lệnh cấm xe máy trên các đường phố chính ở thủ đô Jakarta sau một đơn kiến nghị của tài xế taxi xe máy. Người này lập luận rằng việc cấm đoán như vậy là phân biệt đối xử.

ANH THƯ (Theo Reuters)

;
.
.
.
.
.
.