Học ngành y để chữa bệnh cứu người

.

“Trước đây em chưa hình dung được việc vào học ngành y vất vả hơn cả cuộc đua chinh phục vũ môn vào giảng đường đại học. Nhưng vào trường rồi được tiếp xúc dần dần với môi trường bệnh viện, bệnh nhân, những ý thức trách nhiệm của người thầy thuốc, rồi chứng kiến con người trong nhiều hoàn cảnh bệnh tật, khó khăn, khiến em phải suy nghĩ nhiều hơn. Em nhận ra tình cảm của mình dành cho ngành đã chọn và nỗ lực mỗi ngày để trở thành bác sĩ giỏi chữa bệnh, cứu người”. Đó là tâm tư của Nguyễn Thái Bảo Trâm, SV năm 2, ngành Bác sĩ đa khoa, Khoa Y Dược, ĐH Đà Nẵng.

Bảo Trâm (giữa) đoạt giải nhất môn Giải phẫu học tại cuộc thi SV giỏi ĐH Đà Nẵng năm 2018.
Bảo Trâm (giữa) đoạt giải nhất môn Giải phẫu học tại cuộc thi SV giỏi ĐH Đà Nẵng năm 2018.

Đến từ miền đất võ Tây Sơn (Bình Định), cô nữ sinh Nguyễn Thái Bảo Trâm khẳng định mình bằng thành tích đáng nể trên con đường chinh phục tri thức. Đang là sinh viên năm 2 ngành bác sĩ đa khoa, Bảo Trâm xuất sắc đoạt giải nhất môn Giải phẫu học, cuộc thi sinh viên giỏi ĐH Đà Nẵng năm 2018. Không chỉ thế, kết quả 3 học kỳ trước đó của Trâm đều đạt tổng kết trên 8.0 điểm trở lên.

Nói về kỳ thi học sinh giỏi cấp ĐH Đà Nẵng, Trâm cho biết: “Em được học giải phẫu từ năm thứ nhất. Môn này quá trình học, em cũng như các bạn đều phải nắm được giải phẫu học cơ thể người từ bộ phận đến cơ quan, cùng với đó là vốn tiếng Anh chuyên ngành y khoa.

Trước ngày dự thi, em dành khoảng 2 tuần để ôn tập lại và tranh thủ thời gian rảnh giữa các giờ học trên lớp để bổ sung kiến thức. Trước giờ em khá thích tiếng Anh, học kỳ vừa rồi em được học tiếng Anh chuyên ngành nên cũng khá thuận lợi cho em để làm các câu tiếng Anh trong đề thi”. Vinh dự đoạt giải nhất môn Giải phẫu học, với Trâm đó là sự kiểm chứng kiến thức, là cơ hội để em nhìn nhận và bổ sung thêm những gì mình còn thiếu hụt.

Trâm cho biết lượng kiến thức y khoa rất lớn nên em vừa học trên giảng đường, trong sách vở và học cả ở những anh chị khóa trước. “Học ở các anh chị khóa trên, từ các bạn trong cách học nhóm, làm việc nhóm cũng tạo được rất nhiều hứng thú trong học tập, từ đó mình có kết quả tốt hơn”, Trâm nói. Bước chân vào giảng đường, qua những tiết học thực hành, Trâm hiểu thêm những ý nghĩa lớn lao của nghề, nên luôn cố gắng mỗi ngày để tu bổ kiến thức.  

Năng nổ trong hoạt động tình nguyện

Dù thời gian dành cho học tập của ngành y rất khắt khe, nhưng Trâm vẫn luôn dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện. Vừa bước sang năm học thứ 2, Trâm đã có mặt trong đội tuyển bóng chuyền của khoa, tham gia Câu lạc bộ tình nguyện Blouse Trắng, thường xuyên có mặt trong các hoạt động tình nguyện như:

Trung thu cho em, Xuân tình nguyện và chiến dịch hiến máu nhân đạo, chiến dịch Mùa hè xanh do Đoàn ĐH Đà Nẵng tổ chức... Em nghĩ việc tham gia các hoạt động tình nguyện như song hành với màu áo sinh viên, mang nhiều ý nghĩa đến cho người khác và cả bản thân - Trâm bộc bạch - sự hăng say trong công tác tình nguyện này một phần ảnh hưởng từ ba mẹ.

Ba mẹ Trâm ngoài công việc ở bệnh viện và trạm xá, luôn dành thời gian giúp đỡ bệnh nhân. Có những ngày nghỉ hay đêm khuya, hễ có ai gọi đang đau ốm là ba em lập tức đi ngay. Ba bảo, đó là trách nhiệm của người thầy thuốc, cho đi là nhận lại.

Những ngày này, vừa tất bật với kỳ thi học kỳ, Trâm vừa lên kế hoạch để thực hiện những chuyến tình nguyện hè. Trâm nói, mỗi chuyến đi là một lần tích lũy kiến thức thực tiễn. Tận mắt chứng kiến cuộc sống còn lắm khó khăn ở những miền quê, chung tay cùng bà con dù chỉ thời gian rất ngắn nhưng Trâm vẫn thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn.

Như chuyến Xuân tình nguyện ở Tây Giang (Quảng Nam) vừa qua, Trâm cùng các thành viên CLB Blouse Trắng đi xin ve chai, bán bắp gây quỹ. “Nhiều người khi nghe giới thiệu là giúp đỡ các trẻ em nhỏ miền núi, họ vui vẻ nhiệt tình ủng hộ.

Có hôm tụi em đi bộ xung quanh ký túc xá để xin ve chai thôi mà nghe những lời quan tâm, động viên rồi còn cả lời cảm ơn của các cô chú, tự nhiên trong lòng em thấy vui cả ngày. Hôm lên với bà con Tây Giang, nhìn những đứa trẻ thiếu thốn, những người dân đời sống kinh tế còn quá khó khăn nhưng rất chân tình, em tự nhủ phải học thật tốt để sau này có cơ hội giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nếu không may họ bị bệnh”, Trâm cho biết.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Trâm sẽ nỗ lực học lên chuyên khoa hoặc nội trú để nâng cao tay nghề sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ đa khoa. Với Trâm, để hoàn thành tốt vai trò chữa bệnh cứu người, trước hết phải học hỏi, tu dưỡng nhân cách thông qua các hoạt động xã hội tình nguyện để trở thành một bác sĩ giỏi, có trách nhiệm.

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.
.