Bản sao "Chiếc Ngai vàng" của Vua Béhanzin

.

Vương quốc Dahomey (hiện nay là Cộng hòa Benin) ở châu Phi tồn tại từ khoảng năm 1600 cho đến năm 1894. Khi vị vua thứ mười một và cũng là cuối cùng, Béhanzin, bị Pháp đánh bại, đất nước bị sáp nhập vào thuộc địa Pháp, những cổ vật và tác phẩm nghệ thuật của châu Phi lần lượt ra đi.

Thierry Oussou - bản sao Chiếc Ngai vàng khai quật tại Allada (Benin 2016).
Thierry Oussou - bản sao Chiếc Ngai vàng khai quật tại Allada (Benin 2016).

Nhà sưu tập nghệ thuật Congo Sindika Dokolo đã yêu cầu các nhà sưu tập và phòng trưng bày châu Âu trả lại đồ tạo tác của châu Phi và gọi đó là một “sai lầm lịch sử bị bỏ quên từ lâu”. Ông so sánh sự cướp bóc di sản châu Phi với việc cướp bóc các tác phẩm nghệ thuật của Đức Quốc xã vào những năm 1930 và 1940. Sindika Dokolo viết: “Áo cũng đã trả lại khoảng 50.000 tác phẩm nghệ thuật và các đồ vật từ các bộ sưu tập công cộng cho những người thừa kế có tác phẩm bị Đức Quốc xã cướp phá”.

 Chiếc Ngai vàng (chính gốc) của Vua Béhanzin (giữa) và thân nhân nhà vua.
 Chiếc Ngai vàng (chính gốc) của Vua Béhanzin (giữa) và thân nhân nhà vua.

Giữa lúc này thì cuộc triển lãm tác phẩm nghệ thuật mang tên “Impossible Is Nothing” (Tạm dịch “Không có gì là không thể”) của nghệ sĩ Benine Thierry Oussou đang diễn ra ở Berlin, Đức. Impossible Is Nothing tái tạo một cuộc khai quật khảo cổ học năm 2016 ở miền nam Benin (Dahomey cũ). Cuộc trưng bày có tài liệu video cùng với các vật thể được khai quật: chậu, lưỡi rìu, lưỡi cuốc, cồng chiêng, bình đựng nước, chai gin rỗng và, đáng kinh ngạc: Chiếc Ngai vàng của vua Béhanzin, vị vua cuối cùng của vương quốc Dahomey.

Béhanzin, vị vua cuối cùng của Dahomey. Tranh bìa trên tạp chí  Le Petit Journal-tháng 4, 1892.
Béhanzin, vị vua cuối cùng của Dahomey. Tranh bìa trên tạp chí Le Petit Journal-tháng 4, 1892.

Trước đây, khi các sinh viên khảo cổ khai quật Chiếc Ngai vàng hoàng gia ở Benin, họ ngạc nhiên, mừng rỡ. Nhưng nó là một bản sao, được sắp đặt để đưa ra lời phản kháng  về sự cướp bóc di sản nghệ thuật châu Phi. Dựa trên phim tài liệu và hiện vật, việc khai quật được tuân thủ nghiêm ngặt nhưng đây cũng là một phần trưng bày “nghệ thuật sắp đặt” do chính nghệ sĩ Thierry Oussou dàn dựng qua nhiều giai đoạn: Đặt hàng cho nhà điêu khắc Elias Boko làm bản sao “Chiếc ngai vàng” thuộc vào thời kỳ Vua Béhanzin (1845–1906), vị vua cuối cùng của Dahomey. Sau đó Oussou chôn vùi bản sao này vào tháng 12 năm 2015 tại một địa điểm chỉ riêng ông ta biết. Vào tháng 8 năm sau, phối hợp với các sinh viên lịch sử và khảo cổ học, Thierry Oussou dẫn đầu một cuộc khai quật chiếc ngai vàng “bản sao” đã chôn tại nơi này; trong khi bản gốc chiếc ngai vàng đã được đưa đến Pháp.  Hiện nay, Chiếc Ngai vàng (chính gốc) là nguyên nhân một cuộc tranh chấp ngoại giao giữa Pháp và người đang giữ bản gốc, và sự đòi hỏi bồi thường từ Benin.

Nghệ sĩ Thierry Oussou trước bức tranh của mình.
Nghệ sĩ Thierry Oussou trước bức tranh của mình.

Trả lời báo chí, Thierry Oussou  cho biết ý muốn làm bản sao những di sản đã mất: “Châu Phi trống rỗng về sự giàu có vốn có của nó. Khi các sinh viên trẻ muốn viết về kho báu của quê hương họ, họ phải đi du lịch sang Pháp để làm nghiên cứu về di sản văn hóa của chính quê hương dân tộc mình…”.
Thierry Oussou sinh năm 1988 tại Allada, Benin, hiện đang làm việc tại Amsterdam.

Một góc phòng trưng bày “Không có gì là không thể” của Thierry Oussou tại Viện Nghệ thuật Akademie der Künste ở Berlin.
Một góc phòng trưng bày “Không có gì là không thể” của Thierry Oussou tại Viện Nghệ thuật Akademie der Künste ở Berlin.

Oussou chỉ vẽ trên giấy đen, các bức tranh thể hiện phong cách đặc biệt của anh với những giọt nước mắt, vết trầy xước, vung vẫy đường nét. Các hình dạng méo mó, khuôn mặt, vật thể và biểu tượng trôi nổi tự do trên nền tối của tờ giấy. Phần lớn tác phẩm trong cuộc triển lãm này được lấy cảm hứng từ những gì mà Oussou quan sát được trong cuộc sống.

Triển lãm “Dòng thời gian” của Thierry Oussou tại Tiwani Contemporary, London mở cửa cho đến ngày 25 tháng 8 và triển lãm “Không có gì là không thể” được trưng bày tại Berlin Biennale, Đức cho đến ngày 9 tháng 9.

HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)

;
.
.
.
.
.
.