Chật vật tìm đầu ra

.

Các dự án trồng rau sạch đã được thành phố Đà Nẵng đầu tư trong nhiều năm qua ở Hòa Tiến, Túy Loan (huyện Hòa Vang), La Hường (quận Cẩm Lệ)… Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, nhiều dự án trồng rau sạch trong nhà kính được triển khai.

Sản lượng rau, củ sản xuất ra chưa nhiều nên phần lớn người dân ở nội đô chưa được tiếp cận với nguồn rau sạch của địa phương. Bên cạnh đó, việc đưa các mặt hàng ra thị trường còn nhiều khó khăn; các cơ sở sản xuất, hợp tác xã trồng rau phải tự tìm cách bán hàng vào các cửa hàng rau sạch, siêu thị.

Anh Trương Ngọc Sơn trong trang trại trồng rau củ theo mô hình nhà kính ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.
Anh Trương Ngọc Sơn trong trang trại trồng rau củ theo mô hình nhà kính ở xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.

Rau sạch “made in Đà Nẵng”

Bắt đầu đưa vào sản xuất cách đây tròn năm, anh Trương Ngọc Sơn (thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) đầu tư 1,4 tỷ đồng làm nhà kính trồng rau trên diện tích 1ha. Anh được Nhà nước hỗ trợ thêm 1,4 tỷ đồng, trồng các loại rau ăn lá và một số loại quả. Mỗi ngày trang trại thu hoạch được 40-50kg rau quả, trong đó có khoảng 4-5 chủng loại rau ăn lá, 5-6 loại quả.

Rau bán ra tại vườn có giá khoảng 25.000-35.000 đồng/kg, với mức giá ấy anh có đủ để trả lương cho 5 công nhân thường xuyên với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Sơn, đến nay anh vẫn chưa thể rút vốn mà đang củng cố kỹ thuật và xác định 2-3 năm đầu nắm kỹ thuật, kinh nghiệm.

Hiện các kỹ sư của Viện Thổ nhưỡng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào hỗ trợ anh kiểm tra đất, cho phương án xử lý tốt nhất vì sâu bệnh trong đất là vấn đề mà các dự án rau sạch trồng theo hướng công nghệ cao đang gặp phải. 

Ngoài rau thì các loại quả như cà chua, dưa lưới đang đem lại một nguồn thu nhất định cho các trang trại. Anh Sơn cũng như hai ông Nguyễn Thắng và Lê Mạnh Dân (trang trại ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, Hòa Vang) đều cho biết dưa lưới đang trở thành cây trồng phù hợp và đem lại hiệu quả cao.

Theo ước tính từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, 1ha dưa lưới cho sản lượng thu hoạch khoảng 18 tấn, doanh thu khoảng 420 triệu đồng/lứa; sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 270 triệu đồng/lứa 4 tháng.

Thành lập Tổ sản xuất rau an toàn từ năm 2002, 10 năm sau “lên hạng” hợp tác xã (HTX), vì thế nguồn rau quả được trồng ở thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang được đánh giá cao vì chất lượng ngon và sạch.

Tuy nhiên, gắng gượng lắm thì diện tích trồng của vùng rau này chỉ được 8ha, với 50 hộ (năm 2017 trở về trước là 40 hộ và 6ha) trên tổng diện tích quy hoạch 20ha, do chủ yếu là lao động lớn tuổi. Dù ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan nhận định là ngày công lao động của người trồng rau hiện nay tương đương công nhân với mức trung bình 130.000-150.000 đồng/ngày.

Hiện làng rau Túy Loan có gần 30 chủng loại rau quả, cho sản lượng 400-500kg mỗi ngày. Mùa này một số loại rau như xà lách, cải số lượng sản xuất ít và không đạt chuẩn về hình thức, chất lượng; cũng như 2 tháng mùa mưa trong năm vùng đất ven sông này ngập lụt nên việc trồng bị gián đoạn.

Cùng với làng rau Túy Loan, làng rau La Hường bên sông Cẩm Lệ với diện tích 5ha, cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn rau quả/năm, nhưng ở đây chủ yếu trồng các loại rau như dền, muống, bí đỏ lấy đọt, mồng tơi… Theo nhận định của nhiều người có kinh nghiệm trong các vùng rau, sự không phong phú về chủng loại làm giảm lợi thế của rau La Hường trên thị trường.

Theo bà Lê Thị Loan, một hộ trồng rau sạch tại làng rau Túy Loan, trồng rau sạch hơn hẳn trồng lúa khi cho thu nhập trung bình mỗi ngày từ 150.000-200.000 đồng/người. Ảnh: H.N
Theo bà Lê Thị Loan, một hộ trồng rau sạch tại làng rau Túy Loan, trồng rau sạch hơn hẳn trồng lúa khi cho thu nhập trung bình mỗi ngày từ 150.000-200.000 đồng/người. Ảnh: H.N

Khó phủ rộng thị trường

Hiện anh Trương Ngọc Sơn đang nhập hàng cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch An Phú Farm. Anh bảo đầu ra các mặt hàng của mình hiện tạm ổn vì cũng chưa nhiều. Trong tương lai anh tính sẽ mở quầy hàng ngay tại trang trại bán cho khách du lịch, khi nơi đây có lợi thế nằm ngay cạnh đường lên các khu du lịch thuộc xã Hòa Phú. Trang trại của ông Nguyễn Thắng cũng đang làm theo hình thức đón khách tham quan và bán hàng ngay tại vườn.

Hiện cả hai trang trại rau quả sạch này đã có tên chung là HTX Rau hoa củ quả Hòa Vang do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang thành lập, mỗi cơ sở sản xuất có tên riêng trên bao bì đóng gói sản phẩm chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ.

Anh Sơn cho rằng sắp tới sẽ có thêm nhiều dự án, nhiều mô hình trồng rau quả công nghệ cao, sẽ hình thành chuỗi liên kết hàng hóa. “Tuy nhiên một HTX phải có người “cầm chịch”, quyết định mỗi trang trại sẽ sản xuất những mặt hàng gì, sản lượng bao nhiêu, tránh để nông dân tự bơi khi xuống giống làm thị trường khi thừa khi thiếu”, anh Sơn cho hay. Bởi có giai đoạn, riêng trang trại của anh Sơn mỗi ngày cho thu hoạch 3 tạ cà chua, 1 tạ ớt chuông, trong khi đối tác bán hàng của anh chưa nhiều.

Điều mà nhiều nông dân đang đi theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững hướng đến, đó là một nhà lạnh bảo quản rau củ quả và nhờ vào đó cung ứng sản phẩm ra thị trường một cách cân đối, tránh tình trạng ngày thu hoạch thì thừa, giá rớt; đợt rau quả đang ra bông, xuống giống thì cửa hàng khan hiếm.

Như trước mắt, HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan chỉ có thể thu mua cho nông dân được 50% sản lượng mỗi ngày, 50% còn lại các tiểu thương mua trực tiếp của nông dân, trong khi đó giá thu mua của HTX cao hơn từ 10-15%. “Khi chúng tôi mua với giá cao hơn, ở chợ Túy Loan sẽ hụt một lượng rau, do đó giá rau tại chợ hiện nay cao hơn trước kia, giúp người trồng rau hưởng lợi”, ông Dũng cho biết.

Hiện HTX có 4 đơn vị thu mua là Trường mầm non và tiểu học quốc tế Sky-Line, siêu thị mini Dệt may Hòa Thọ, Bà Nà Hills, Vinmart và một số cửa hàng nhỏ. Các loại rau của Túy Loan không đẹp bằng nhiều loại rau bán ở chợ, chỉ ai ăn quen, biết mùi vị rồi mới cảm nhận được. Hoặc nhiều gia đình ở phố lên đây chơi rồi mua rau về ăn theo tuần.

“Khi về đây chúng tôi bắt đầu đưa rau tham gia các hội chợ, các chương trình ký kết giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương. Các phiên chợ kéo dài 3-5 ngày, được người dân khen chất lượng rau khi đến với gian hàng là lời quảng bá thiết thực nhất cho chúng tôi”, ông Bùi Dũng cho hay.

Năm 2017, HTX tổ chức cho khoảng 5.000 học sinh của các trường trong thành phố tham quan và trải nghiệm trồng, thu hoạch. Vào tháng 9 tới HTX sẽ mở lại quầy hàng rau sạch ở chợ Túy Loan. Khoảng cuối năm nay HTX sẽ xây dựng vườn sinh thái trên diện tích 1.000m2 trồng các loại cây ăn trái bản địa, dọc các tuyến đường sẽ trồng cau ăn trái và thảm hoa tạo cảnh quan; 2 năm sau có thể đón được khách tham quan.

Tính đến khía cạnh lâu dài, ông Bùi Dũng muốn rau Túy Loan có thể vào được những điểm bán hàng nhỏ, các cửa hàng rau sạch trên toàn thành phố. Nhưng điều này có vẻ khó khi ông đi trực tiếp đến những vùng rau như An Khê (Gia Lai) hay Đà Lạt thì ở đó giá rau tại vựa chỉ trung bình khoảng 4.000 đồng/kg, về đến Đà Nẵng giá tăng lên 10.000 đồng/kg.

Với giá này rau Túy Loan “không thể đua theo” khi nông dân phải nhổ từng cây cỏ, đối ứng ngày công với thu nhập trên từng cây rau nên giá thành cao. Chưa kể đến chuyện “họ cần tới mình thì tồn tại, còn mình đi bỏ hàng thì không thể tồn tại lâu dài” khi các thành viên HTX tự mang rau đi chào hàng.

HTX rau an toàn Túy Loan đã có bao bì, thương hiệu từ năm 2013, tiến hành sơ chế từng gói 0,5kg. Ngày 15-6 vừa qua HTX tham gia một hội thảo về công nghệ 4.0, tiến tới sẽ có mã vạch cho từng loại rau giúp người dùng có thể truy xuất được nguồn gốc.

Bà Đồng Thị Yến, Phó phòng Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, để giúp cho các  cơ sở sản xuất, HTX trồng rau về việc tiêu thụ sản phẩm thì sở đã có những chương trình hỗ trợ chứng nhận VietGAP (hiện nay diện tích chứng nhận là 14,5ha); cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất rau an toàn; hỗ trợ bao bì nhãn hiệu cho các HTX, nhằm quảng bá sản phẩm; mời các đơn vị tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị của ngành nông nghiệp, Phiên chợ giao lưu hàng nông sản… để có thể giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, sở cũng tổ chức các hội thảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và Diễn đàn kết nối cung cầu để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giúp các HTX trao đổi, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ…

Huyện Hòa Vang đã triển khai được vùng rau rộng 8,2ha/43,72ha ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng cũng đang chú trọng hỗ trợ đưa các ứng dụng về giống cây trồng, ứng dụng công nghệ sản xuất nhằm thay dần tập quán canh tác cũ.

Và đánh giá việc thúc đẩy kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ nông sản sạch với các sản phẩm thông thường rất khó khăn. “Vì việc sản xuất nông sản thực phẩm sạch, áp dụng các kỹ thuật cao thường có chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn việc sản xuất thông thường nên giá thành sản phẩm sẽ cao hơn trong khi đa số người tiêu dùng vẫn chưa chấp nhận. Bên cạnh đó, chưa có kênh phân phối cũng như các dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết, tiếp cận dễ dàng”.

Ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc Công ty Quản lý hội chợ-triển lãm và các chợ Đà Nẵng cho biết, mấy năm trước công ty đã ưu tiên cho một số HTX như Hòa Tiến, Túy Loan, rau sạch Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) đưa rau sạch vào chợ Hàn, chợ Cồn bằng cách hỗ trợ tiền mặt bằng, mở điểm ở ngay quầy hàng của tiểu thương nhưng cuối cùng “rơi” hết vì khách hàng chưa yên tâm do chưa có bao bì cụ thể, giá cao, hình thức không bắt mắt, cuối cùng rau sạch “tự rút”.

Ông Ba chỉ ra, việc nguồn hàng không thường xuyên là nguyên nhân thất bại của các quầy hàng rau sạch; trong khi khuyến khích người dân làm rau an toàn mà chưa tính đến nơi đầu ra thì Đà Nẵng vẫn chưa làm được.

Ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng cho biết, từ ngày 28-6 đến 1-7, Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp quốc tế lần thứ 18 - AGRO VIET 2018 lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng, có mời các HTX rau sạch ở Đà Nẵng tham dự. Đây là dịp để doanh nghiệp và người tiêu dùng, người sản xuất và tiêu thụ gặp gỡ nhau, là cơ hội để doanh nghiệp củng cố và khai thác thị trường nội địa.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.
.