Môi trường trong mắt một tình nguyện viên

.

LTS: Vừa trải qua một tuần làm tình nguyện viên ở Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) tổ chức tại Đà Nẵng cuối tháng 6 vừa qua, bạn Hồ Thảo Chuyên, sinh viên khoa Tiếng Anh, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) gửi cho Chào bạn trẻ bài viết về những suy nghĩ của bạn về bảo vệ môi trường hiện nay.

Những bạn trẻ tình nguyện viên và điều phối viên trước quầy triển lãm của tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc. 
Những bạn trẻ tình nguyện viên và điều phối viên trước quầy triển lãm của tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc. 

Dạo gần đây, tôi hay nghe nhiều người nói về việc “Bảo vệ môi trường”, “Bảo vệ những loài động vật quanh ta”, “Bảo vệ mẹ Trái Đất”... Một phần trong tôi rất vui vì cuối cùng mọi người cũng đã nhận thức được những vấn đề hiện hữu về môi trường hiện nay và đang bắt tay vào hành động.

Tuy nhiên, tôi hiểu rằng, điều chúng ta làm thật ra không chỉ là đang bảo vệ môi trường, mà là đang bảo vệ chính bản thân chúng ta, cho chính những thế hệ rất gần sau này.

Ngay từ lúc đọc được thông tin về sự kiện Đà Nẵng sẽ tổ chức Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6, với sự góp mặt của những đại biểu cấp cao đến từ 183 nước, bàn về phát triển môi trường bền vững và gây dựng quỹ cho những dự án môi trường trên toàn cầu.

Vào lúc hai giờ sáng, tôi phấn khích đến nỗi ngay lập tức gửi thư để nói về nguyện vọng muốn tham gia làm tình nguyện viên cho tổ chức Môi trường Liên hợp quốc (UN Environment), một tổ chức tham gia trong hội nghị thượng đỉnh lần này.

Trong bức thư thân mật đó, tôi đã nói về người đã truyền tình yêu với môi trường cho mình là chị Trang Nguyễn, nhà bảo tồn động vật hoang dã, vừa xuất bản quyển sách Trở về nơi hoang dã (kể về những chuyến đi và trải nghiệm của chị); nói về những điều nhỏ nhặt tôi đang ngày ngày làm cho Trái Đất; nói về mong muốn được làm việc cùng với những người có chung một tình yêu và bàn về những vấn đề xoay quanh môi trường.

Chưa bao giờ tôi gửi một đơn xin làm tình nguyện viên theo một cách thân mật như thế. Lúc đó chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình đang viết bằng tấm lòng và niềm hy vọng, bằng sự thôi thúc để có thể làm được một việc gì đó giúp cho xã hội.

  Tôi đã được phỏng vấn qua video vào một tuần sau đó, và thêm một tuần nữa để 5 con người đến từ khắp mọi nơi cùng gặp nhau làm việc. Tôi gặp chị Trang đến từ Sài Gòn, chị chuẩn bị du học cử nhân ngành Phát triển bền vững; gặp chị Vi đến từ Hội An, người hoạt động vì môi trường; gặp anh Long đến từ Huế, người đang theo học ngành Môi trường tại ĐH Khoa học Huế. Và gặp bác Nicholas đến từ Nairobi Kenya, trụ sở của UN Environment, người đã phỏng vấn giúp tôi trở thành tình nguyện viên.

Cái riêng của nhóm tôi là mỗi người một độ tuổi, một ngành học và công việc khác nhau, đến từ những nơi khác nhau, nhưng điều đó không ngăn cản cái chung là tình yêu vô bờ bến với người mẹ thiên nhiên.

Ở đó chúng tôi đã nói về việc sử dụng ống hút tre, về sử dụng túi vải thay vì bao nilon, về việc mang theo bình nước cá nhân mỗi khi mua đồ uống, về những sự kiện về môi trường sắp tới và những sự kiện mà mọi người đã từng tham gia.

Chúng tôi đã rủ nhau đi nghe đại biểu các nước họp bàn về tình hình môi trường và hướng giải quyết, tôi còn được một số báo, đài truyền hình nước ngoài phỏng vấn để nói về cảm nghĩ khi tham gia làm tình nguyện viên lần này...  Lúc đó tôi biết, công việc tình nguyện viên đầu tiên này sẽ là một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên.

Một tuần trải nghiệm tại đó, tôi đã biết thêm được rất nhiều người, có thêm cơ hội được làm việc chung với họ về sau này, có cơ hội nói về mong mỏi và trăn trở của tôi, và một phần nào đó lan tỏa cho những người xung quanh về tình yêu đối với môi trường bằng cách chia sẻ những điều tuyệt vời tôi được nghe, được trải nghiệm trong một tuần vừa qua.

Các bạn trẻ, và tất cả mọi người, hãy hành động và bước đi rồi thì mới biết, mọi chuyện sẽ vô cùng dễ dàng và đơn giản, nhưng tác động và sức lan tỏa có thể vô cùng cao. Tôi dường như đã làm được khi đang dần dần thấy những con người yêu thương quanh mình đang có những thay đổi tích cực cho môi trường sống.

Cùng đi thôi mọi người, chúng ta đang dần chết ngạt vì khói, bụi, nhựa, và những nỗi đau rồi.

THẢO CHUYÊN

;
.
.
.
.
.
.