Nghĩ

Khoảng nghỉ của học sinh

.

Lên thời khóa biểu 6 môn học trong hè cho con xong gồm: bơi, bóng rổ, cờ vua, đàn, tiếng Anh, luyện viết, tôi vẫn thấy thời gian của con còn trống khá nhiều nên lại tiếp tục tìm những thứ mình cho là bổ ích để đắp vào.

Giúp con tận dụng triệt để 3 tháng hè sao cho an toàn, ý nghĩa quả là áp lực không hề nhẹ đối với phụ huynh. Thật ra, cũng có một cách khác đơn giản hơn nhiều, đó là hè cứ ở nhà chơi, hết 3 tháng lại đi học.

Nói đơn giản vậy, nhưng thực tế khó thực hiện được như thế. Nếu trẻ con ngày xưa thích gì chơi nấy, người lớn chẳng mấy bận tâm, thì việc trẻ em ngày nay ở nhà không có người lớn hoặc được gửi về quê suốt nhiều ngày liền khó khiến cha mẹ an lòng, khi quanh con là nguy cơ tai nạn, xâm hại, bắt cóc hoặc chí ít là sự lôi kéo của những trò chơi hiện đại nhưng thiếu lành mạnh.

Trẻ em có thể bị biến thành “con mồi” cho rất nhiều sự xấu xa xung quanh, nên môi trường xã hội đã thay đổi thì cách quản con trong mùa hè cũng chẳng thể đứng ngoài cuộc đổi thay.

Hầu hết phụ huynh có con nhỏ đều bước vào “công cuộc” tính toán, sắp lịch và đưa đón mấy tháng hè. Những lớp năng khiếu trong hè vì thế năm sau nhộn nhịp hơn năm trước, đến mức nhiều thầy cô thừa nhận “làm mùa, ăn năm”.

Học “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, nhưng lý do cơ bản để phụ huynh cho con học hết “món” này đến “món” khác là nhằm “giết” thời gian một cách hợp lý, bất chấp sự tốn kém tiền bạc.

Có một nghịch lý là một năm học sinh có đến 3 tháng hè rộng dài nghỉ ngơi, trong khi những tháng còn lại rất nhiều lúc các em bị rơi vào trạng thái chịu áp lực thời gian nặng nề đến mức không có giờ nghỉ. Ai có con đang tuổi đi học đều nhận thấy thực tế tồn tại bao lâu nay, là sau một kỳ nghỉ lễ thường là một kỳ thi quan trọng bám sát rạt.

Đơn cử năm học gần đây nhất (2017-2018), nhiều học sinh tiểu học thi học kỳ I sau đợt nghỉ Tết dương lịch khoảng 1, 2 ngày và thi học kỳ II sau đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 cũng từng đó ngày. Vì nghỉ lễ xong là thi ngay nên cha mẹ đâu dám để con “nghỉ tẹt ga”, thầy cô cũng không quên gửi về nhà một xấp đề ôn tập nhằm tranh thủ “nghỉ dài ngày ôn bài”.

Giáo viên không hề sai khi làm động tác này, vì nếu để các em chơi xả láng thì có khi quên sạch bài vở, không kịp trở tay với kỳ thi cận kề. Nghỉ mà vẫn lo học là chuyện cơm bữa của học sinh. Tôi vẫn nói đùa, chắc sợ học sinh chơi nên ngành giáo dục cứ nhè sát sau kỳ nghỉ là thi.

Nếu không phải vậy thì tại sao không nới rộng thời gian giữa kỳ nghỉ và kỳ thi thêm nữa, để học sinh chơi cứ chơi, ôn tập vẫn có thời gian ôn tập?

Ai cũng nói để trưởng thành thì cần hội tụ kiến thức nhà trường lẫn vốn sống thực tế, mà muốn có trải nghiệm thực tế thì phải mất thời gian chơi, đó là cái giá đương nhiên nhưng nhà trường không dám mạnh tay cho học sinh trả, nên cứ luẩn quẩn học, học như thể bận rộn, áp lực lắm.

Kỳ nghỉ thì không dám chơi, đến khi thi xong vẫn còn những ngày đi học thì lại lên trường ngồi chơi hoặc học như chơi vì… thi rồi hết cái để học.

Mấy năm gần đây, trên cả nước có luồng ý kiến cho rằng nên rút ngắn thời gian nghỉ hè và kéo dài các khoảng nghỉ trong năm học. Thật ra, hơn 10 năm trước vấn đề này đã được đặt lên rất nóng trên mặt báo và cho đến nay câu chuyện nên chăng rút ngắn thời gian nghỉ hè của học sinh khi “nghỉ” hè thực chất chỉ là sự chuyển đổi một kiểu học khác vẫn còn gây tranh cãi.

Tuy nhiên, có một điều nên thẳng thắn nhìn nhận, đó là cần phân bổ lại thời gian trong năm học để hạn chế phần nào thực trạng lúc chơi thì phải tranh thủ học, lúc thực sự được rảnh thì tìm cách “giết” thời gian.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.