Nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển cây lúa theo hướng bền vững

.

Sau khi làm quen với mô hình sản xuất lúa hữu cơ sinh học, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang đã mở hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo bước ngoặt mới cho nông thôn chuyển mình; từ đó, từng bước cải thiện đời sống, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân.

Sản phẩm gạo từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang được giới thiệu bán ra thị trường.
Sản phẩm gạo từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang được giới thiệu bán ra thị trường.

Hướng tới nền nông nghiệp sạch

Theo Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố, trong vụ đông-xuân vừa qua, Đà Nẵng có gần 250ha chuyên canh lúa hữu cơ. Đây là mô hình sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật…, góp phần thay đổi tập quán canh tác cho người nông dân và tạo ra sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng.

Đến nay, thành phố đã triển khai và từng bước hình thành các vùng trồng lúa giống hữu cơ tại các xã Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn).

Ông Phạm Văn Muộn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phước cho biết, xã đã triển khai mô hình này cách đây hơn 3 năm với 20ha tại cánh đồng Quân Công, thôn Trà Kiểm với sự tham gia của 152 hộ sản xuất. Lúa hữu cơ cho năng suất cao hơn 60 tạ/ha.

Vụ hè-thu năm nay, xã sử dụng giống lúa trung ngày BC15 nguyên chủng cho hạt gạo thơm, chất lượng cao. Hiện giá thành lúa hữu cơ khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, cao hơn giá lúa bình thường nhờ sản phẩm sạch. Sắp tới, Hội Nông dân xã làm hồ sơ xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ xã Hòa Phước để giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Do người dân đã quen với tập quán sử dụng phân vô cơ để bón cho lúa nên việc chuyển sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ khiến nhiều người còn bỡ ngỡ. Để từng bước giúp người dân thay đổi tư duy, hướng đến sản phẩm an toàn, chất lượng, UBND xã Hòa Phước đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng lúa hữu cơ cho bà con nhân dân thôn Trà Kiểm, Giáng Nam 2.

Phân bón chủ yếu là bánh dầu, phân cút, phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm. Trong quá trình gieo sạ cũng như trong suốt quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật sẽ theo dõi, trực tiếp hướng dẫn nông dân tham gia mô hình.

Ông Nguyễn Thanh Quý, nông dân thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, vui mừng cho biết, vụ hè-thu năm nay gia đình ông trồng 3.000m2 lúa hữu cơ. “Đây là năm thứ 3 tôi trồng mô hình lúa hữu cơ và cho hiệu quả cao. Mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch trên 2 tấn, trong đó giá thị trường khoảng 700.000 đồng/tạ. Vì đây là gạo sạch nên tôi thường dành một nửa để ăn và một nửa đem bán để chi trả cho các khoản thuê nhân công thu hoạch”, Nguyễn Thanh Quý chia sẻ.  

Nhờ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã đề ra nên năng suất lúa thu được khá cao, bình quân đạt 67 tạ/ha. Với mức đầu tư khoảng 1.270.000 đồng, tổng thu 1 sào 2.080.000 đồng thì lợi nhuận thu được khoảng 810.000 đồng, tương đương 16.200.000 đồng/ha. Ngoài lợi ích kinh tế, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường bền vững.

Lúa hữu cơ phát triển tốt tại thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang.  Ảnh: Đ.H.L
Lúa hữu cơ phát triển tốt tại thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.H.L

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, vụ hè-thu năm nay trên địa bàn huyện trồng khoảng 107 ha lúa hữu cơ, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Nhơn… Năm ngoái, huyện trồng 74ha và đạt hiệu quả khá cao nên các xã tiếp tục mở rộng thêm diện tích.

“Trồng lúa hữu cơ, người dân quay về nông nghiệp truyền thống. Cùng với việc giúp cải tạo môi trường đất, sinh thái, nước thì mô hình này còn cho sản phẩm an toàn, hạt lúa chắc, hương thơm đậm đà hơn. Tuy năng suất không cao bằng trồng lúa vô cơ nhưng nông dân vẫn muốn làm nông nghiệp hữu cơ nhằm giúp cho sinh vật phát triển.

Hiện phân hữu cơ tổng hợp có giá thành khá cao. Để giải quyết cho điều này, huyện đang nghiên cứu sử dụng phân thải từ chăn nuôi làm phân hữu cơ cung cấp cho bà con”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Là địa phương mới bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình trồng lúa hữu cơ, ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, trong vụ hè-thu, xã triển khai hướng dẫn cho bà con nông dân 2 thôn Phước Hưng Nam và Thái Lai trồng 15ha lúa hữu cơ.

Tuy mới lần đầu thí điểm nhưng người dân rất thích bởi lúa hữu cơ đảm bảo an toàn và chất lượng. Huyện cũng đã hỗ trợ kỹ thuật và một phần giống, phân bón cho bà con sản xuất. Sau khi triển khai thành công, xã sẽ nhân rộng ra các thôn còn lại.

Phấn khởi trước sự phát triển tốt của cây lúa hữu cơ, ông Lê Văn Võ, nông dân thôn Thái Lai chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và UBND xã, thôn Thái Lai đã trồng hơn 7 ha tại xứ đồng Cây lạ, riêng gia đình tôi trồng khoảng 750m2.

Lúc đầu mới trồng, tôi cũng như nhiều hộ dân khác đều lo sợ vì chưa bao giờ làm. Nhưng với sự hỗ trợ 100% giống lúa và 50% phân bón và thuốc diệt cỏ nên tôi mạnh dạn hơn. Bây giờ thấy cây lúa phát triển tương đối tốt, tôi cũng rất yên tâm. Đa số người dân ở đây đều muốn trồng lúa hữu cơ để bảo đảm an toàn cho sức khỏe và môi trường”.

Nói về việc tìm đầu ra cho sản phẩm lúa hữu cơ, bà Ngô Thị Hạnh khẳng định, tạm thời huyện sản xuất trên 100ha vì chi phí đầu tư cao hơn so với sản xuất lúa vô cơ. Hiện các hộ nông dân sản xuất chủ yếu để ăn và chưa liên doanh liên kết mạnh để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên về lâu dài, huyện sẽ nghiên cứu đầu tư phát triển thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm lúa hữu cơ của địa phương.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.