Bạo lực tinh thần: Không dễ sẻ chia

.

Trong đời sống vợ chồng, có một kiểu bạo hành đáng sợ không kém khi nạn nhân phải thường xuyên chịu đựng những lời lẽ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hay những câu nói thô thiển, thiếu tôn trọng từ người bạn đời; thậm chí có người còn chọn cách “không đối thoại” mỗi khi có mâu thuẫn, khúc mắc trong đời sống hôn nhân…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Uẩn ức vì…  không chịu đối thoại

Vào buổi chiều muộn đầu tháng 6, một người phụ nữ trung niên tìm đến Văn phòng luật sư Đỗ Pháp nằm trên đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu để chia sẻ câu chuyện gia đình. Sau cùng, chị chỉ hỏi luật sư mấy câu ngắn: Có nhiều phụ nữ lâm vào cảnh giống tôi không? Và chúng tôi nên ứng xử như thế nào cho hợp tình, hợp lý?

Người phụ nữ ấy là giảng viên một trường cao đẳng trên địa bàn thành phố, là vợ của một doanh nhân thành đạt, giỏi giang, là mẹ của hai cô con gái xinh đẹp. Chị nói, anh hoàn hảo và tận tụy, hóm hỉnh, đầy nhiệt huyết dù đã ở độ tuổi xế chiều.

Hai con chị, từng nói với bạn bè rằng sẽ tìm một người giống như ba để lấy làm chồng. Chị hạnh phúc và tự hào nhiều về điều đó.

Thế rồi chị để ý anh hay cầm điện thoại, thường xuyên vào Facebook, quần áo gọn gàng và nhiều màu sắc hơn. Anh chăm tập thể dục, siêng xịt nước hoa lên người mỗi khi lái ô-tô ra khỏi nhà.

Sự nhạy cảm của người phụ nữ mách bảo chị rằng anh có điều gì đó khác lạ, nhưng vẫn luôn tin tưởng vào chồng mình. Mãi đến một tối muộn, chồng chị về nhà trong hơi men và mở điện thoại soạn tin nhắn có nội dung: “Anh yêu em và tình yêu đó không có gì ngăn cản được…”.

Khi đó, chị đang đứng sau lưng chồng và nhìn thấy, chỉ kịp kêu lên một tiếng hoảng hốt thì anh đã cầm điện thoại chạy sang phòng khác, đóng sầm cửa lại. Đêm ấy chị thức tới sáng, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với gia đình mình.

Thời gian đầu, chị dằn vặt, tra hỏi, trách móc anh đến nỗi bản thân kiệt sức, phải nhập viện 2 tuần. Thời gian chị bệnh, anh lặng lẽ chăm sóc chị, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến người thứ 3 trong bất kỳ cuộc trao đổi nào.

Mỗi khi chị ở tầng 1, thì anh lên tầng 2, chị lên tầng 2, anh lại vòng xuống tầng 1, tránh mọi cuộc nói chuyện. Mỗi lần chị đề cập chuyện anh có bồ, chồng chỉ nhắn vào máy chị một câu: “Em đừng tra tấn anh nữa” làm chị như phát điên.

Chị kể, anh hoàn toàn im lặng không một lời giải thích và điều đó thật sự khủng khiếp đối với chị bởi nó như nỗi đau âm ỉ, bào mòn tinh thần, thể xác chị mỗi đêm. Chị khóc lóc, van xin, những mong anh nghĩ lại nhưng hình như, anh mặc kệ mọi nỗ lực hàn gắn của chị.

“Điều tôi tin chắc là nếu già néo đứt dây, thì chồng sẽ xách va-li ra khỏi nhà cùng người đàn bà đó, trong khi tôi vẫn còn rất thương chồng. Căng không được, nhẹ nhàng cũng chẳng xong, rốt cuộc tôi không biết mình phải làm như thế nào nữa”, chị trải lòng.

Luật sư Đỗ Pháp chia sẻ, không đối thoại là dạng bạo lực tinh thần khó nhận thấy nhất trong đời sống hôn nhân hiện nay. Bởi trường hợp này chưa đến độ phải dắt nhau ra tòa ly dị nhưng để lại nỗi đau cho nạn nhân vì họ luôn thấy uất ức, đau khổ, trầm cảm, không cảm nhận được niềm hạnh phúc trong đời sống hôn nhân.

Theo ông, hai người phải thường xuyên đối thoại, trao đổi, gần gũi để tìm lại những giây phút thăng hoa trong đời sống vợ chồng, nhờ con cái hỗ trợ. Nếu cần thiết, cần tìm người thật sự thân thiết để chia sẻ và trút nỗi lòng, giảm áp lực…

Cũng theo luật sư Đỗ Pháp, “từ khi có Luật Phòng chống bạo lực gia đình, trường hợp bạo hành bằng tay chân ít hơn, thay vào đó là bạo lực tinh thần vì loại bạo lực này khó nhận biết và xử lý vì hầu như không để lại tang chứng, vật chứng”.

Cam chịu có phải là cách duy nhất?

Nhiều chuyên gia tâm lý phân tích, bạo lực tinh thần không chỉ gây tổn thương tâm hồn, sức khỏe của nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Không khí căng thẳng, nặng nề, chì chiết nhau trong gia đình sẽ khiến tâm lý trẻ không ổn định, có thể gây lệch lạc về nhận thức cũng như sự phát triển thể chất của trẻ.

Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 4.200 vụ ly hôn diễn ra vào 2 năm 2016 và 2017, có 3.516 vụ do mâu thuẫn gia đình, tình cảm rạn nứt khi người chồng, hoặc vợ, thường xuyên chì chiết, xúc phạm nhau khiến họ cảm thấy cuộc sống vô cùng ngột ngạt. Nhiều chị tìm đến Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kết hôn thuộc Hội LHPN thành phố để giải tỏa nỗi lòng.

Như tình trạng gia đình của vợ chồng chị N.T.T (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cứ xa là nhớ, gần lại khắc khẩu. Chính vì thế cảnh hờn ghen, giận dỗi diễn ra như cơm bữa. Khi tức lên, anh chồng sẵn sàng dành cho vợ những từ ngữ như “con điếm”, “con đĩ”; vợ cũng không chịu thua, chê chồng bạt nhược, yếu hèn, kém cỏi, không biết lo kinh tế gia đình, thậm chí không ít lần viết đơn dọa ly dị.

Tối cãi nhau nhưng sáng ra chồng vẫn chở vợ đi làm, đi ăn như không có chuyện gì. Kịch bản này cứ thường xuyên lặp lại khiến chị T. tự hỏi, đó có phải là tình yêu và hạnh phúc gia đình vì mỗi lần cãi nhau, chị thấy mệt mỏi và bị xúc phạm ghê gớm.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều nữ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ nói rằng, trong các cuộc khảo sát tại địa phương mình quản lý, hầu như 100% phụ nữ lao động phổ thông đều thừa nhận mình từng là nạn nhân của các vụ bạo hành trong gia đình.

Và, điều mà những bà mẹ lo âu nhất khi chịu sự bạo hành chính là sự chứng kiến của những đứa con bởi sau lời chì chiết giữa hai vợ chồng là ánh mắt sững sờ, u buồn, thảng thốt của những đứa trẻ. “Có nhiều đứa vì quá quen với cảnh cha mẹ cãi vả, xúc phạm nhau, trở nên lầm lì, ít nói, ít chia sẻ, không vâng lời, bỏ nhà đi, thậm chí “cãi tay đôi” với ba mẹ mỗi khi có chuyện bất đồng.

Nhiều khi đã cạn đường khuyên bảo, chúng tôi phải thốt lên câu này: Anh chị không thương nhau nữa, thì hãy thương lấy những đứa con của mình, chúng nào có tội gì đâu”, bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng trăn trở.

Cũng theo bà Tám, không ít phụ nữ bị bạo lực tinh thần tìm sự chia sẻ ở những người bạn thân, nhưng khi câu chuyện này đến tai đội ngũ tư vấn thì họ lại tìm cách né tránh, giấu nhẹm đi và khẳng định gia đình mình vẫn hạnh phúc.

Do đó, những con số báo cáo ở các Hội, rất khó đúng với thực tế đời sống gia đình đang diễn ra đâu đó, thậm chí những điều được chia sẻ, có thể cũng chưa thật sự nói lên những gì họ đã phải chịu đựng, nhẫn nhịn để giữ gìn vỏ bọc gia đình, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý.

Bà Lê Thị Tám cho rằng, đối với bạo lực thể xác, nỗi đau đớn thể hiện trên cơ thể người phụ nữ, nhưng với bạo lực về tinh thần thì vết thương ấy nông, sâu thế nào không ai có thể cân, đo, đong, đếm được. Và, có những điều ngay chính bản thân bà Tám cũng trăn trở, đó là, khi bị bạo lực tinh thần, khi không thể đối thoại, thì chịu đựng nhau có phải là cách tốt nhất để giữ gìn hạnh phúc gia đình?

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi “hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng” là hành vi bạo lực gia đình (điểm a khoản 1 Điều 2).

Căn cứ quy định này, hành vi thường xuyên chửi bới, đánh đập vợ của chồng bạn chính là hành vi bạo lực gia đình. Cũng theo khoản 2 Điều 5 luật này, là nạn nhân bạo lực gia đình, bạn “có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu”.

Huỳnh Lê

;
.
.
.
.
.
.