Cần thái độ tích cực và chủ động

.

Hiện nay, trong chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, việc tích hợp đào tạo kỹ năng cho sinh viên (SV) đang là một xu hướng, cũng là yêu cầu trong đánh giá chuẩn đầu ra của SV, ngoài chuẩn kiến thức còn có cả chuẩn kỹ năng và thái độ.

Sinh viên Ngành Tự động hóa, khoa Điện, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật thực tập trong chương trình Học kỳ doanh nghiệp tại Bà Nà Hills. Ảnh: H.T
Sinh viên Ngành Tự động hóa, khoa Điện, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật thực tập trong chương trình Học kỳ doanh nghiệp tại Bà Nà Hills. Ảnh: H.T

TS Nguyễn Linh Nam, Trưởng khoa Điện, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, việc giảng dạy các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, các kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống không nên được xem là một phần bổ sung vào một chương trình đào tạo vốn đã đầy kín, mà là một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo.

Ngoài giao bài tập về nhà theo hình thức bài tập cá nhân và bài tập nhóm sau mỗi chương, TS Nguyễn Linh Nam còn tổ chức cho SV thực hiện dự án môn học.

“Việc kết hợp nhiều phương pháp đánh giá vừa góp phần khắc phục được tình trạng học thụ động trong SV đồng thời là cách giúp các em hình thành được các kỹ năng, cả về kiến thức cũng như phát triển các năng lực khác như ứng dụng và sáng tạo, giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình…

Đề tài của dự án có thể do SV tự chọn, có thể do giảng viên gợi ý. Việc thực hiện các sản phẩm trong từng môn học đã tạo được sự hứng thú trong việc học vì vận dụng được lý thuyết, kiến thức đã học để làm ra các sản phẩm ứng dụng thực tế”, TS Nam nhìn nhận.

Các phương pháp dạy học tích cực như phương pháp “học qua hành”, nhóm phương pháp PBL như dạy học nêu vấn đề (Problem - Based Learning), dạy học dự án (Project - Based Learning), học ngoài hiện trường (Place - Based Learning) đang được nhiều giảng viên tích cực triển khai để SV có thể đạt được mục tiêu kép trong việc học chuyên ngành và học kỹ năng một cách tốt nhất.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (VNUK, ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Ngay từ năm thứ nhất, SV tại VNUK được học kỹ năng mềm do các giảng viên nước ngoài đảm nhận giảng dạy, trong đó chú trọng đến kỹ năng làm việc nhóm và tư duy sáng tạo - một trong ba kỹ năng quan trọng hàng đầu đối với người lao động, được tích hợp và phát triển xuyên suốt trong quá trình học”.

Qua tham khảo tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp, tập đoàn, anh Bùi Trung Hiệp, Phó phòng Công tác Học sinh-Sinh viên, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng nhận xét rằng: “Khác với thời học phổ thông, thường thì những học sinh có điểm số cao là giỏi, trong khi tiêu chí đánh giá ở đại học, cao đẳng khác hơn.

Các nhà tuyển dụng thường đánh giá ứng viên dựa trên 3 yếu tố: kiến thức - kỹ năng - thái độ (KSA: knowledge - skill - attitude). Trong đó, yếu tố thái độ trong công việc bao giờ cũng được đánh giá cao vì kỹ năng thì có thể huấn luyện được nhưng sự tự giác, chủ động thì không”.

Điều này có thể hiểu được qua giải thích của ông Trần Gia Thông, nhà huấn luyện doanh nghiệp quốc tế của Công ty Huấn luyện doanh nghiệp Action COACH tại Đà Nẵng:

“Nếu được tuyển dụng vào, các bạn sẽ là bộ mặt của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp trước đối tác; sự thành công của doanh nghiệp thể hiện ở sự tín nhiệm của khách hàng nên thái độ làm việc của bạn là rất quan trọng”.

Theo ông Thông thì “thái độ thể hiện từ cái bắt tay, nụ cười, vẻ bề ngoài cho đến những kỹ năng mềm khác và nó chỉ có được do bạn tự học, tự rèn luyện mỗi ngày”.

Bạn Ngô Thị Thu Mai, SV năm thứ 3 của VNUK chia sẻ kinh nghiệm sau kỳ thực tập: “Trước đây em cứ nghĩ học thật giỏi thì đi đến đâu cũng sẽ được trọng dụng, nhưng kể từ khi đi thực tập, học việc thì sự thật là học thật giỏi chỉ giúp bạn sẵn sàng hơn khi cơ hội đến.

Bạn cần có một thái độ tích cực và chủ động. Ví dụ như bạn chỉ cần quan sát công việc thường nhật của đồng nghiệp trước khi hỏi những câu hỏi “không nên hỏi”. Đây được gọi là chủ động “hiểu” công việc trước khi thực sự bắt tay vào làm. Sau khi được giao công việc thì luôn cố gắng hoàn thành sớm nhất có thể, điều này sẽ giúp xây dựng niềm tin đối với cấp trên rằng “bạn có thể” và sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội”.

Thầy Nguyễn Tiền Tiến, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng, cũng là giảng viên dạy kỹ năng mềm cho SV nhà trường nhận xét rằng, gần như SV nào cũng biết câu chuyện học kỹ năng cũng giống như học bơi, thế nhưng “bơi như thế nào thì không phải em nào cũng biết”.

Trong buổi hội thảo Kết nối doanh nghiệp với nhà trường do Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng tổ chức mới đây, đại diện một doanh nghiệp cho biết: Ngay từ việc thực tập hay đi làm thêm thì SV cũng cần có sự lựa chọn khôn ngoan và nghiêm túc.

Trong lựa chọn công việc để làm thêm, ngoài lợi ích kinh tế thì phải chọn những công việc mang đến cho mình cơ hội tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân.

Hà Trần

;
.
.
.
.
.
.