Giữ nghề gốm qua dấu ấn ẩm thực

.

Màu vàng bắt mắt của vỏ bánh mì, của sợi mì Quảng, màu đỏ của ớt, màu hồng bắt của miếng thịt nguội, màu vàng ánh nâu của tô cao lầu, cộng thêm những chiếc bánh quai vạc trắng tinh hòa trộn với nhau, làm nên những món ăn bắt mắt, hấp dẫn đến mức chỉ muốn thử. Nhưng, hãy nhìn và hít hà đi, bởi đây không phải là món ăn thực, nó được thể hiện trên chất liệu gốm, tại làng gốm Thanh Hà, Quảng Nam.

Mô hình bánh mì làm từ gốm. Ảnh:T.L
Mô hình bánh mì làm từ gốm. Ảnh:T.L

Trung tuần tháng 7, lớp học gốm ẩm thực đầu tiên được tổ chức ở ngay trong lòng làng gốm Thanh Hà. Trong tổng số 10 gương mặt tham gia lớp học, chỉ duy nhất có một học viên đứng tuổi, còn lại là những bạn trẻ tâm huyết với nghề truyền thống mấy trăm năm của làng muốn chung tay gìn giữ và phát triển.

Đang là sinh viên trường ĐH Sư phạm Quảng Nam năm cuối, Nguyễn Thị Trâm vẫn dành thời gian hè để theo lớp gốm mới mẻ này. Trâm kể em làm quen với bùn đất, bàn xoay của nghề gốm từ năm lên 11 tuổi. Ngày đó, Trâm chuyên nặn tò he bán kiếm tiền phụ cha mẹ đóng học phí, mua sách vở.

Ngày tốt nghiệp cấp 3, chọn cho mình lối rẽ vào nghề giáo viên dạy Toán, nhưng Trâm vẫn luôn đau đáu với nghề truyền thống quê mình. “Ở trường, trong các hoạt động phong trào em vẫn thường hay giới thiệu với các bạn về nghề gốm Thanh Hà. Hè nào về quê em cũng theo làm gốm, phần vì mưu sinh, phần khác cũng là để giữ nghề”.

Đó cũng chính là lý do khi nghe thông tin về lớp học gốm ẩm thực được mở dành cho các bạn trẻ ở phường, Trâm liền ghi tên mình vào học. “Lần đầu tiên biến đất sét thành những món ẩm thực đặc trưng của Hội An, giới thiệu đến khách du lịch thập phương và nhận thấy vẻ thích thú của họ, em rất vui. Sau này em sẽ cố gắng sáng tạo thêm nhiều mẫu mã hơn để có nhiều người biết đến gốm Thanh Hà cũng như ẩm thực Hội An”, Trâm bộc bạch.

Còn với Phùng Tấn Lâm (26 tuổi), từng tốt nghiệp Trường CĐ Điện lực miền Trung và tìm được một công việc phù hợp ngành học đã 3 năm nhưng vẫn chưa một ngày rời xa nghề gốm. Quen với gốm từ thuở lên 10, là đời thứ 3 trong gia đình theo nghề gốm, cái bàn xoay, cục đất sét gắn bó với Lâm như hành trang ấu thơ không thể quên lãng.

Vì vậy, bất cứ lúc nào có thời gian, Lâm lại loay hoay nhào nặn chế tác ra những sản phẩm gốm, giữ đượm ngọn lửa lò nung của cha mình. Lâm bảo, theo lớp học gốm ẩm thực cũng là cách để giữ nghề, phát huy thêm những sản phẩm mới để đưa tên tuổi của gốm Thanh Hà đi xa hơn, bền hơn.

Câu chuyện tìm hướng phát triển nghề gốm Thanh Hà không phải đến tận bây giờ mới bắt đầu. Hai năm trước, Phòng Kinh tế Hội An phối hợp với phường Thanh Hà, chọn hai bạn trẻ vào tận TP. Hồ Chí Minh học nghề gốm ẩm thực.

Lê Văn Nhật, một trong hai bạn trẻ đầu tiên của làng gốm Thanh Hà khăn gói đi học nghề trở về đã cho ra đời nhiều sản phẩm gốm ẩm thực bắt mắt, tham gia trình diễn ở nhiều chương trình văn hóa, ẩm thực của thành phố Hội An.

Nhật bảo, cái khó nhất của gốm ẩm thực là cách pha màu để làm nên những món ăn có màu sắc giống màu thật của nó. Sự tỉ mẩn, kiên trì và khéo léo cũng là điều không thể thiếu trong quá trình chế tác, bởi gốm thủ công quan trọng ở tâm hồn người làm ra nó.

Cũng từ chính tình yêu ấy dành cho gốm, chàng trai làng gốm Thanh Hà này từng ăn nên làm ra với nghề sửa chữa điện thoại tới năm thứ 7 rồi lại bỏ nghề, quay về giữ lửa lò gốm. Vừa học gốm ẩm thực, Nhật còn tìm cách phát triển nghề bằng cách học làm gốm phù điêu và tự mình chế tác ra nhiều sản phẩm đa dạng khác…

Mỗi tuần, Nhật còn dành thời gian đến trình diễn gốm tại các resort ở Hội An và Đà Nẵng để giới thiệu gốm Thanh Hà đến với bạn bè trong và ngoài nước. Nhật nói, đó là cách giữ nghề bền vững và đưa tiếng tăm của làng nghề đi xa hơn, nhắc nhở về một tên tuổi làng gốm từng tồn tại mấy trăm năm về trước, khi chốn thương cảng Hội An này còn ở đỉnh vàng son với tấp nập tư thương từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc tìm đến…

Xoay quanh câu chuyện giữ gìn nghề gốm truyền thống Thanh Hà trong tâm bão công nghệ, bà Nguyễn Thị Xuân Vui, Phó Phòng Kinh tế, TP. Hội An (Quảng Nam) bảo rằng, người Thanh Hà không bỏ gốm dù qua bao thăng trầm, khốn khó của nghề. Điều đáng mừng nhất là người trẻ ở Thanh Hà bây giờ đã chọn cho mình lối đi giữ nghề bằng cách phát triển gốm ẩm thực.

“Điều đáng mừng nhất trong câu chuyện giữ nghề và phát triển nghề gốm là ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia. Đây chính là trăn trở lớn nhất trong chuyện giữ nghề truyền thống của không chỉ riêng nghề gốm.

Sắp tới sản phẩm gốm ẩm thực sẽ được các bạn trình diễn trong chương trình Festival gốm Thanh Hà. Đoàn phường cũng đang tính đến việc tiến hành thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp từ gốm. Sau đó, khi sản phẩm của các bạn ổn định, chúng tôi sẽ tìm cách hướng các bạn đến việc thành lập tổ hợp tác để phát triển hơn” bà Xuân Vui nhấn mạnh.

Thiên Lam
 

;
.
.
.
.
.
.