Nghĩ

Nhốn nháo trên "sàn"

Tôi nhắm tới, nhắm lui một số loại gối massage được cho là chất lượng, uy tín trên các trang mạng mua bán lớn của Việt Nam trước khi quyết định mua, vì lần trước đặt hàng nhanh qua mạng, nhà tôi đã chọn phải một chiếc dùng đúng vài ngày thì nó “không thích hoạt động” nữa. Tôi đoán có lẽ tại rẻ, chỉ hơn 200.000 đồng/chiếc nên “dỏm” là phải.

Vì vậy, lần này tôi để ý nhiều hơn đến thương hiệu và chất lượng, còn giá cao đôi chút vẫn có thể chấp nhận được. Cuối cùng, vì tham khảo kỹ nên tôi… không biết đường nào lần, bởi chỗ nào cũng quảng cáo rằng “uy tín nhất”, “chất lượng nhất”, “đáng tin nhất”, nhưng giá lại quá loạn xạ, dù cùng thương hiệu, cùng tính năng, cùng mẫu mã, cùng trọng lượng, cùng công suất, cùng kích cỡ, cùng chế độ bảo hành. Đó mới là vấn đề đáng… rối.

Thà khác hiệu, khác kiểu thì giá khác xa nhau còn có lý. Ở đây, cũng gối massage hồng ngoại 8 bi công nghệ Nhật Bản hiệu K., nhưng trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) L. rao giá gần 800.000 đồng/chiếc, còn trên trang web của công ty P. (được cho là nhà phân phối chính hãng của thương hiệu K.) lại treo giá hơn 3,5 triệu đồng/chiếc. Quá thắc mắc về sự chênh giá trên, tôi gọi vào số máy di động của người bán (được đăng kèm trên web) thì hai nơi cho hai câu trả lời chắc nịch.

Một bên khẳng định: Em bán hàng bảo đảm thật, chất lượng thật. Khách hàng cứ tra cứu thương hiệu gối massage này trên Google sẽ thấy không ở đâu tại Việt Nam lại bán giá trên 1 triệu đồng/chiếc cả, chứng tỏ những nơi bán giá (cao) như khách hàng so sánh là sự thổi giá để kiếm lời!... Một bên tự tin tuyên bố: Công ty phân phối có tem chống hàng giả, hàng nhái, bảo đảm không thể rẻ như thế. Mua ở những trang mạng không chính hãng thì giá nào chẳng có. Hình ảnh đẹp như thật nhưng thực tế chất lượng là nhái, dùng vài lần lại hỏng, chế độ chăm sóc sản phẩm không đáng tin…

Tóm lại, bên nào cũng khẳng định “đối thủ” giả dối, còn mình mới thật. Mà ai cũng hiểu, sự thật trong câu chuyện này chỉ có thể là 1 hoặc là 0 chứ không thể cả hai cùng thật! Nếu trên 3,5 triệu đồng/chiếc gối hiệu K. là mức giá trị hợp lý, thì rõ ràng giá chưa đến 800.000 đồng/chiếc y chang là chiêu bán phá giá. Còn nếu giá thấp là hợp lý, thì mức vài triệu đồng/chiếc như trên là chiêu “thổi” giá. Hoặc không, cả hai đều “phù phép” giá trị thực của sản phẩm bán ra theo kiểu qua mặt được ai thì qua mặt.

Là người thường mua hàng qua mạng, hẳn nếu bạn chưa từng rối trí như tôi thì có lẽ ít nhất cũng một vài lần bị rơi vào tình cảnh hàng trao tận tay mới thất vọng nhận ra sự thật “trần trụi”, rằng món hàng lung linh, tốt đẹp mình đã hào hứng chờ “síp” chỉ tồn tại trên… hình ảnh quảng cáo!

Sàn TMĐT được xem như bộ mặt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nơi các bất tiện của giao dịch thương mại truyền thống gần như được giải quyết bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, đơn giản, hiện đại. Giao dịch TMĐT dù xuất hiện cách đây chưa lâu nhưng đã trở nên quen thuộc, thậm chí trở thành phương thức tiêu dùng không thể thiếu đối với rất nhiều người. Giờ đây, các bà nội trợ cũng “lên sàn” rầm rầm để “síp” đồ thay vì phải lặn lội ra chợ.

Tưởng chợ “ảo” là phát minh vĩ đại của loài người để mọi thứ, kể cả chuyện chất lượng, giá cả hàng hóa trở nên “phẳng”, tức công khai, minh bạch hơn, nhưng thực tế đang xảy ra điều gì? Ở chợ “ảo”, chuyện loạn giá trở nên nhan nhản, dù luật pháp đã quy định về việc kiểm soát chất lượng và giá cả sản phẩm giao dịch qua sàn TMĐT.

Ở chợ “thật”, chúng ta từng chứng kiến sự thua thiệt, khốn khổ của doanh nghiệp Việt Nam khi bị doanh nghiệp nước ngoài kiện bán phá giá. Dễ gì cạnh tranh không công bằng về giá ở nước ngoài nếu muốn tiếp tục tồn tại và phát triển, vậy mà trong nước, các “doanh nghiệp” trên các sàn TMĐT lại có thể thoải mái triệt tiêu nhau bằng đủ kiểu giá. Mà bữa nay, muốn mở một “doanh nghiệp” trên sàn TMĐT lại dễ hơn mở một lô hàng ở chợ nhỏ.

Muốn có lô ra chợ, chủ quán ít nhất phải có tiền “tươi”, đồ thật, người thật, còn với “chợ mạng”, người bán thậm chí không vốn, không hàng, chỉ cần cóp nhặt vài tấm hình minh họa bắt mắt nào đó kèm những lời giới thiệu có cánh là đã có thể nghiễm nhiên sang tay hàng hóa kiếm lời.

Người chuyên nghiệp hơn thì mở tài khoản trên sàn TMĐT tên tuổi, nhưng ngay chính các sàn này cũng vì muốn có nhiều tài khoản tham gia cho xôm tụ nên dại gì làm khó người đăng ký kinh doanh qua sàn của mình. Các sàn TMĐT giờ đây không khác một cái chợ thiếu ban quản lý, nên chất lượng, giá cả theo kiểu ai bán tự lo lấy, ai mua tự chịu lấy. Mà người mua qua sàn TMĐT thì đâu có biết chủ quầy hàng sản phẩm mình chọn là ai, họ chỉ biết đang giao dịch qua sàn TMĐT A, B, C to đùng nào đó thôi.

Người ta có câu: “Trong kinh doanh, mất niềm tin là mất tất cả”. Lẽ nào, bán hàng trên chợ “ảo” thì không sợ bị mất niềm tin? Chợ thì “ảo” nhưng uy tín là thật.

CHÍCH BÔNG
 

;
.
.
.
.
.
.