Thủy điện: năng lượng hay môi trường?

.

Vụ vỡ đập thủy điện mới đây ở Lào càng khiến cho cuộc tranh luận “thủy điện, câu hỏi về năng lượng hay môi trường?”chưa có hồi kết. Trong lúc phần lớn các nước châu Âu và Mỹ theo xu hướng phá bỏ thủy điện để trả dòng sông về lại điều kiện tự nhiên thì các nước ở khu vực Đông Nam Á, Nam Mỹ, vùng Balkan (châu Âu) và châu Phi lại đang muốn xây dựng thêm.

Đập Tam Hiệp với 32 máy phát điện ở Trung Quốc.
Đập Tam Hiệp với 32 máy phát điện ở Trung Quốc.

Số liệu của Trường Đại học Tubingen (Đức) cho biết hiện có khoảng 3.500 đập thủy điện trên toàn thế giới. Con số này dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Brazil dẫn đầu khi chiếm gần 1/3 số đập của cả thế giới.

Các lưu vực sông có nhiều đập thủy điện nhất là La Plata (bao gồm một phần Argentina, đông nam Bolivia, nam Brazil, Paraguay và phần lớn Uruguay); sông Hằng – Bramaputra (chủ yếu Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal, Bangladesh và Bhutan); và Amazon với Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru và Venezuela.

Từ năm 2015 đến nay có gần 100 đập mới được đề xuất ở châu Phi với sự gia tăng đáng chú ý ở Angola, Burundi, Congo và Mozambique. Hơn 130 đập mới ở Nam Mỹ, chủ yếu Peru, Brazil và Ecuador. Đập Belo Monte rộng lớn ở Brazil gặp phải sự phản đối của các cộng đồng dân cư bản địa ở Amazon. Đập Grand Renaissance của Ethiopia trên sông Nile cũng gây tranh cãi lớn.

Tổ chức International Rivers cho biết, dọc theo dòng sông Mekong có 5 đập đã hoàn thành, 2 đập đang xây dựng và 10 cái mới được lên kế hoạch. Lào muốn tới năm 2020 sẽ có 100 nhà máy thủy điện hoạt động và trở thành “nguồn năng lượng cho Đông Nam Á”. Một cuộc khảo sát năm 2012 cho kết quả 70% số người tái định cư nghèo hơn trước. Lượng cá ở sông Mekong giảm sút.

Ngân hàng Thế giới từng ủng hộ tích cực các dự án xây dựng đập thủy điện ở thập niên 1990 nhưng trước sức ép của người dân khắp nơi thì ngân hàng này đã rút lui. Ủy ban Thế giới về Đập được sự ủy quyền của Ngân hàng Thế giới thực hiện báo cáo hồi năm 2000 rằng có khoảng dưới 80 triệu người trên toàn thế giới đã phải di dời vì đập. Con số này chưa phản ánh số lượng người sau đó phải di dời nữa vì không thể tiếp cận được đất nông nghiệp và đánh bắt cá.

Sau khi Ngân hàng Thế giới rút lui, Trung Quốc “lấp đầy khoảng trống” ấy. Trung Quốc không chỉ trở thành quốc gia xây dựng thủy điện lớn nhất thế giới mà còn mở rộng ra các nước khác. Các chuyên gia tài chính thế giới tin rằng các công ty Trung Quốc hiện đang kiểm soát ít nhất một nửa thị trường xây dựng đập thủy điện trên toàn thế giới.

Các công ty Trung Quốc là sự thay thế “đáng chào mừng” hơn Ngân hàng Thế giới vì họ không hỏi những vấn đề về việc tái định cư của cộng đồng người bản địa hay đa dạng sinh học.

ANH THƯ (Theo BBC)


 

;
.
.
.
.
.
.