Vật chứng về buổi đầu kháng Pháp

.

Những hiện vật đang được trưng bày ở Bảo tàng Đà Nẵng như súng thần công, sắc phong “Thự thủ Thành Điện Hải”, tấm bản đồ chiến sự 1858-1860 luôn nhắc nhớ mỗi người dân nước Việt về cuộc chiến chống quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha 160 năm về trước.

Một khẩu súng thần công được trưng bày trong khuôn viên thành Điện Hải. Ảnh: Mai Hiền
Một khẩu súng thần công được trưng bày trong khuôn viên thành Điện Hải. Ảnh: Mai Hiền

Bảo tàng Đà Nẵng được dời về nằm trong khuôn viên thành Điện Hải gần tròn 10 năm nay. Đến đây chúng ta sẽ bước vào thành lũy lớn nhất và kiên cố nhất triều Nguyễn tại Đà Nẵng.

Tấm bản đồ chiến sự 1858-1860 do liên quân Pháp-Tây Ban Nha thu được vào ngày 15-9-1859 cho thấy Cửa Hàn (tên gọi Đà Nẵng khi đó theo chỉ dụ của vua Minh Mạng năm 1835) có hai thành lũy được xây dựng kiên cố theo kiểu Vauban là thành Điện Hải và thành An Hải. Thành An Hải có quy mô nhỏ hơn, nằm ở hữu ngạn, phía đông sông Hàn, trên địa phận làng An Hải.

Giữa khuôn viên thành Điện Hải bây giờ là bức tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương cùng những khẩu súng thần công hướng về phía sông Hàn. Những khẩu súng thần công đã nổ những phát súng đầu tiên vào lính viễn chinh Pháp khi mới đặt chân vào Đà Nẵng.

Những khẩu súng thần công này từng là nỗi sợ hãi của liên quân Pháp-Tây Ban Nha khi tiến vào vịnh Đà Nẵng, hòng thực hiện chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh vào năm 1858. Và sau hơn 100 năm “ẩn mình” trong lòng đất, những khẩu thần công được quần tụ bên tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương như ngày nay. Có sự trùng hợp kỳ lạ là một khẩu súng được tìm thấy đúng dịp tròn 150 năm Ngày kháng Pháp (năm 2008) khi đang tu bổ thành Điện Hải.

Theo thống kê của Bảo tàng Đà Nẵng, hiện có tất cả 13 khẩu súng thần công các loại; trong đó, có 7 khẩu được phát hiện bên trong khuôn viên thành Điện Hải (năm 1979, 2005, 2007, 2008), 3 khẩu được phát hiện ở bên ngoài thành Điện Hải (năm 1991), 1 khẩu được phát hiện ở bên kia sông Hàn (năm 1997). Và gần đây nhất là 2 khẩu được phát hiện trong khuôn viên Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng vào năm 2017.

Có thể nói, đây là vũ khí quan trọng nhất thể hiện sức mạnh của quân đội nhà Nguyễn thời đó. Như nhận xét của quân Pháp trong lần đầu tiên đặt chân đến xâm lược vịnh Đà Nẵng: “Pháo đài phía tây và các công sự khác đã được sửa lại khá hoàn hảo.

Pháo đài này từng được trang bị đại bác cỡ lớn bằng sắt và bằng đồng. Đại bác bằng đồng chiếm số nhiều hơn và nói chung rất đẹp. Các đại bác của đối phương đều vừa mới được đặt trên giá súng cao. Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với những gì tôi nhìn thấy ở Trung Hoa” (theo tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng).

Không gian bên trong bảo tàng, tại khu trưng bày riêng cho giai đoạn đầu kháng Pháp là sắc phong “Thự thủ thành Điện Hải”, tấm bản đồ chiến sự 1858-1860. Hỏi ra mới hay, do đam mê tư liệu Hán Nôm nên ông Bùi Văn Quang, cán bộ chuyên trách Công đoàn Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định đã bỏ công sức, tiền bạc để sưu tầm các loại sắc phong cổ từ nhiều năm nay.

Năm 2009, vào ngày 28 tháng Chạp, khi đi chợ cổ vật tại khu Nghi Tàm-Nhật Tân (Hà Nội), ông mua lại được một số sắc phong, trong đó có sắc phong “Thự thủ Thành Điện Hải”. Sau khi nhờ người dịch, ông biết được nội dung của bức sắc phong và liên lạc với Bảo tàng Đà Nẵng để trao tặng lại vào năm 2012.

Sắc phong đề vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), Bộ Binh phong chức cho một viên cai đội. Tuy nhiên, qua thời gian dài, sắc phong bị rách nhiều chỗ nên tên của người được phong sắc không thể biết được.

Mới đây, vào chiều 15-8-2018, trong chương trình “Nghe hiện vật kể” với chủ đề “Cuộc chiến ở Đà Nẵng 1858-1860”, qua lời chia sẻ của ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng và nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú – Hội viên Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, về một số thông tin của bức sắc phong, đã giúp những người tham dự hình dung ra quá trình xây thành Điện Hải của nhà Nguyễn cũng như vai trò, ý nghĩa của thành trong cuộc chiến năm xưa.

Đồng thời, người nghe còn biết được việc nhà Nguyễn xây dựng hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng lúc bấy giờ như thế nào.

Cùng với đó, tấm bản đồ chiến sự 1858-1860 giúp khách tham quan bảo tàng biết thêm về Đà Nẵng cách đây 160 năm, biết được lý do tại sao người Pháp lại chọn Đà Nẵng làm mục tiêu đầu tiên trong cuộc xâm lược.

“Trên tấm bản đồ này, chúng ta có thể nhìn thấy rõ lúc bấy giờ ở Đà Nẵng có dày đặc các công trình quân sự như: phòng tuyến, thành, đài, đồn, bảo… tất cả điều này nói lên sự quan tâm của nhà Nguyễn đối với Đà Nẵng lúc bấy giờ. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng lại được triều đình quan tâm đặc biệt như vậy trong việc phòng thủ mà chính là vị thế địa chính trị của Đà Nẵng”, ông Hồ Trung Tú cho biết.

Có thể thấy, di tích thành Điện Hải cùng những khẩu súng thần công, sắc phong “Thự thủ Thành Điện Hải”, tấm bản đồ chiến sự 1858-1860 là những vật chứng hùng hồn, sống động về cuộc chiến tranh của quân và dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

Những vật chứng ấy sẽ mãi là biểu tượng cho ý chí quật cường, cho tinh thần yêu nước nồng nàn, mãnh liệt của nhân dân Đà Nẵng nói riêng cũng như nhân dân cả nước nói chung.

Theo tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng, thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, được khởi công xây dựng từ năm Gia Long thứ 12 (1813) gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền vào ra và trấn giữ Đà Nẵng. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đồn được dời vào trong đất liền, được xây bằng gạch trên một gò đất cao rộng và năm Minh Mạng thứ 15 (1834), được đổi tên là thành Điện Hải.

Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thành được xây dựng mới bằng gạch, theo kiểu Vauban. Thành hình vuông, bốn góc lồi, được bao bọc bởi hai lớp tường, có chu vi 139 trượng (653,3m), chung quanh có hào sâu 7 thước (3,29m), cao 1 trượng 2 thước (5,64 m); có 2 cửa: một cửa hướng về phía đông (nhìn xuống sông Hàn), một cửa hướng về phía nam (cửa chính).

Bên trong có hành cung, kỳ đài, có các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Theo lời dụ cho Bộ Binh vào năm 1829, vua Minh Mạng khẳng định: “Pháo đài Trấn Hải ở Kinh sư, pháo đài Điện Hải ở Quảng Nam đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua”.

Mai Hiền

;
.
.
.
.
.
.