Về "một lối sống"

.

Một đôi trai gái “yêu” trong rạp phim được camera rạp này quay lại rồi lọt ra ngoài khiến cộng đồng vừa có phen “dậy sóng”. Dù cặp đôi “vô danh” này ngay lập tức bị thiên hạ chửi tơi tả, nói nhẹ nhàng là bị lên án vì hành động thô thiển, quá lố, trái thuần phong mỹ tục nơi công cộng; thì cũng có luồng ý kiến khác mạnh mẽ tập trung lên án rạp phim đã để lộ bí mật riêng tư của khách.

Trước sức ép dư luận, đại diện cụm rạp này phải lên tiếng về sự việc đáng tiếc trên, đồng thời cho biết sẽ xử lý theo hướng bảo vệ khách hàng…

Khi cảnh “yêu” trên gây xôn xao, thì một trò chơi mới xuất hiện có tên Dare pong cũng sốt xình xịch không kém. Trò chơi này du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam cách đây không lâu và nhận được hàng triệu lượt xem mỗi tập.

Trong đó, hai người chơi mỗi người đứng trước khoảng 10 cốc thức uống chứa cồn và lần lượt ném bóng vào cốc của đối phương. Bóng rơi trúng cốc ai thì người đó phải uống cạn cốc hoặc thực hiện các “dare” (thách thức). Mà các “dare” lại thuộc dạng không thể “chịu chơi” hơn như hôn sâu kiểu Pháp, cởi đồ đối phương bằng răng, thể hiện các động tác “nóng” trong 30 giây…

Kết cục thường là cuộc say đứng không vững và mức độ “quậy” cũng hết cỡ. Bên nào hết cốc trước thì bên đó thua. Trò chơi này hiện nay được phát thêm cảnh báo nội dung có thể gây khó chịu cho người xem để họ có sự lựa chọn, nhưng hình như càng cảnh báo, người trẻ càng phấn khích tò mò nên lượt xem càng ngày càng tăng.

Bất chấp phụ huynh khó tính xem trò này có thể “té ngửa” trước độ phóng khoáng hết chỗ nói của giới trẻ, thì một thực tế không thể phủ nhận là Dare pong đã vượt qua biên giới của những video phát trên mạng để trở thành trào lưu thách thức độ “chịu chơi” của các bạn trẻ. Trong khi đó, chẳng ai chắc chắn những người tự chơi trò này đều đã ở tuổi trưởng thành hay còn rất nhỏ.

“Yêu” trong rạp hay Dare pong chỉ là hai hình ảnh nhỏ lẻ, nhưng tôi không gọi là “lối sống khác” mà chỉ là “một lối sống”, bởi nó phản chiếu lối sống khá phổ biến hiện nay của giới trẻ chứ không chỉ là hiện tượng. Mẹ tôi trước đây mỗi chiều đi tập thể dục ven đường biển về lại than vãn: “Không biết mấy đứa con cái nhà ai mà vô duyên quá!”, khi trước mắt bà là nhan nhản những bạn trẻ thoải mái âu yếm nhau giữa ban ngày ban mặt.

Đó là mới dạo biển, chứ mẹ chịu khó dạo siêu thị, ra tiệm trà sữa, đến chỗ đông vui, náo nhiệt hay cứ lượn lờ trước cổng trường học có khi lại bị lờn mắt, bởi đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh này.

Cách đây vài năm còn thấy bàn tán râm ran chủ đề “nên hay không nên sống thử?”, giờ thì hình như chẳng ai buồn hỏi câu này nữa, bởi phải “thử” rồi mới biết hợp hay không để quyết định tiến tới với nhau là cách lựa chọn của không ít người trẻ bây giờ, nếu không muốn nói là số đông.

Những câu nói kiểu như “vẽ đường cho hươu chạy”, “tuổi này phải lo học hành, sự nghiệp chứ không được yêu đương” chắc không thể lọt tai người trẻ nữa. Sự trỗi dậy trào lưu “yêu hết mình” như đang thấy đã nói lên giới trẻ bây giờ lựa chọn cách sống nào rồi.

Xưa, mà cũng chưa xưa lắm, chỉ cách vài thế hệ trước, bạn bè bất đắc dĩ phải nắm tay nhau để múa hát tập thể đã ngượng chín cả mặt, phải dùng cây thước, thậm chí nhặt đại mẩu rác dưới sân trường để làm “cầu nối” cho khỏi đụng chạm.

Giờ chưa chộ mặt đã “thả tim” rầm rầm là chuyện quá bình thường, nên không phán xét những hành động phóng khoáng trên là tiêu cực hay không tiêu cực thì chúng ta đều phải thừa nhận rằng, cách biểu hiện tình cảm, nhất là tình cảm trai gái của giới trẻ bây giờ đã khác một trời một vực ngày xưa ấy.

Thế nên, ngoài phán xét, lên án, đây cũng là lúc chín muồi người lớn nên thẳng thắn và cởi mở nhìn lại cách giáo dục giới trẻ để làm sao khoảng cách thế hệ và sự khó hiểu, khó chấp nhận lối sống của nhau không còn là rào cản đẩy những lời giáo huấn ra khỏi những nơi cần đến.

Không thỏa hiệp và hướng người trẻ đến lối sống văn minh, giữ được thuần phong mỹ tục trong xu hướng “lai tây” thực sự là điều đau đầu của cả bậc phụ huynh, nhà giáo dục lẫn những người có chức năng trong vấn đề này. Nhưng nếu vì khó xử mà đem ra cấm đoán hoặc tìm cách cản đường để “hươu” khỏi chạy thì vẫn có tác dụng, nhưng là tác dụng ngược, bởi “hươu” đã chạy quá xa mất rồi.

CHÍCH BÔNG
 

;
.
.
.
.
.
.