Hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học

Nâng cao chất lượng, nâng tầm quốc tế

.

Việt Nam hiện có hơn 230 trường đại học (ĐH) nhưng phần lớn là các trường có quy mô nhỏ, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thiếu thốn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Thực tế đó khiến hệ thống giáo dục ĐH nước ta khó có thể cạnh tranh với các trường trong khu vực và thế giới. Nếu tiếp tục duy trì các trường ĐH nhỏ lẻ, đơn ngành, cộng với số lượng các công trình nghiên cứu hạn chế và ảnh hưởng của nhà trường đến xã hội ở quy mô nhỏ thì chúng ta khó có thể tham gia vào các bảng xếp hạng thế giới.

ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.  Trong ảnh: Sinh viên Đại học Đà Nẵng tham quan mô hình nghiên cứu khoa học.  Ảnh: PHƯƠNG MINH
ĐH Đà Nẵng luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Đà Nẵng tham quan mô hình nghiên cứu khoa học. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Một số nước phát triển có nền giáo dục ĐH nổi tiếng cũng đã nhận thấy được điều này. Điển hình là Pháp, hiện nay đang sắp xếp, tổ chức lại các ĐH vùng trên cơ sở sáp nhập các trường nhỏ của các khu vực thành các ĐH lớn, đa ngành, đa lĩnh vực.

Ở đó, việc quản trị được phân cấp và chuyên môn hóa khi mà các trường tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư, quản trị nhân sự và tài chính, còn các trường ĐH thành viên tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhờ thế mối quan hệ giữa ĐH vùng và các trường ĐH thành viên trở nên hài hòa và hiệu quả, tạo điều kiện tối đa thực hiện tự chủ.  

Với những lý do trên, chúng ta cần sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, hình thành các đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế. Đây là xu thế tất yếu để bảo đảm hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

1. Năm 1994, trước yêu cầu đất nước cần phải có các đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để tạo bước phát triển đột phá trong giáo dục đại học Việt Nam, Chính phủ đã thành lập 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng, với mục đích dùng chung đội ngũ, cơ sở vật chất và đầu tư tập trung để nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất và con người, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng đã gặt hái những thành công hết sức quan trọng trên nhiều mặt: Là các nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Đào tạo cho đất nước một số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện nguồn lực này đang giữ những vị trí trọng yếu trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học của cả nước; trong đó đặc biệt là các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao triển khai trong gần 15 năm qua, đạt tiêu chuẩn quốc tế ở một số trường.

Như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định CTI và 6 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, là một trong bốn trường ĐH đầu tiên của Việt Nam kiểm định đạt chuẩn châu Âu (HECERES).

Bên cạnh đó, các trường có sự phát triển mạnh mẽ về đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên có trình độ tiến sĩ nhờ vào “học hiệu” và cơ chế thu hút, sử dụng giảng viên phù hợp. ĐH Đà Nẵng với các chính sách khuyến khích giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài và tổ chức các mô hình nhóm nghiên cứu giảng dạy TRT (Teaching Resarch Team), mỗi năm có thêm gần 100 tân tiến sĩ từ các nước tiên tiến, đưa tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ lên gần 35%. Các trường thành viên như Trường ĐH Bách khoa có tỷ lệ tiến sĩ trên 47%; bảo đảm tỷ lệ dưới 25 sinh viên/giảng viên; không xảy ra tình trạng “quá tải”, lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực.

2. Mô hình ĐH quốc gia, ĐH vùng kết nối cộng hưởng sức mạnh hệ thống, đồng thời vẫn phát huy tự chủ và phân cấp cho các cơ sở giáo dục đại học thành viên đã thể hiện tính ưu việt trên nhiều mặt; tạo điều kiện thuận lợi, chủ động, linh hoạt trong xác định cơ cấu ngành nghề, chỉ tiêu tuyển sinh nhóm trường, nhóm ngành, liên thông trong và ngoài hệ thống; xây dựng các chương trình tiên tiến, chất lượng cao gắn với nhu cầu nguồn nhân lực và chiến lược kinh tế-xã hội của các vùng/khu vực và cả nước.

Các trường đi đầu thí điểm và đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm hài hòa giữa phát triển quy mô và chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào. Tỷ lệ tuyển sinh, nhập học và sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở các ĐH vùng luôn ở top đầu trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà. Ngoài ra, sinh viên có thể học bằng thứ 2 trong các trường thành viên của ĐH quốc gia, ĐH vùng.

Tuy nhiên, các ĐH quốc gia, ĐH vùng không có một cơ chế quản trị đại học phù hợp làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Chính phủ ban hành quy chế hoạt động riêng cho ĐH quốc gia, bảo đảm các ĐH này luôn có mức tự chủ cao nhất trong tất cả các mặt hoạt động, khác biệt hẳn so với các trường ĐH thành viên. Trong khi đó, các ĐH vùng hoạt động theo quy chế do Bộ GD&ĐT ban hành, quyền tự chủ rất hạn chế, không khác biệt nhiều so với các trường ĐH thành viên.

3. Với xu hướng phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu xếp hạng ĐH, cần hình thành các ĐH lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để trở thành các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong một thế giới đầy biến động và đáp ứng yêu cầu của công tác xếp hạng.

Thực tế điều kiện của Việt Nam là cần phải sắp xếp, sáp nhập, giảm đầu mối trực thuộc theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, không để tình trạng có quá nhiều trường ĐH như hiện nay.

Trong thời gian qua, chúng ta tiến hành nhiều đổi mới trong giáo dục-đào tạo, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, nhưng cũng có một số đổi mới gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Vì vậy, đổi mới nhưng phải thận trọng, có nghiên cứu kỹ, có bước đi vững chắc tạo ra lòng tin trong xã hội.

Do đó, việc sửa Luật Giáo dục đại học lần này sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng xu hướng hội nhập và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, trên cơ sở thừa nhận thực tế, không tạo ra sự thay đổi quá lớn đối với xã hội nói chung và các trường ĐH nói riêng. Cần phân biệt rõ ĐH mang tính tổng hợp và ĐH mang tính tổ hợp (ĐH quốc gia, ĐH vùng).

Các trường ĐH tổng hợp có những trường chuyên ngành không có tư cách pháp nhân, chỉ lo đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các vấn đề về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tài chính và nhân sự sẽ thuộc về đại học.

Với mô hình này thì sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là trường trong trường và không còn tình trạng có quá nhiều trường ĐH như hiện nay. Tuy nhiên, mô hình này cũng sẽ tạo ra sự bất cập là các trường thành viên thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng sẽ xin tách ra khỏi nhóm vì mất tư cách pháp nhân.

Khi đó, mục tiêu giảm đầu mối sẽ không đạt được nếu Chính phủ cho các trường tách ra (số lượng trường ĐH sẽ tăng lên 30 trường, nhưng tiềm lực của từng trường bị yếu) và như vậy sẽ không phù hợp với xu thế hình thành các đại học lớn.

Do đó bên cạnh các ĐH mang tính tổng hợp được thành lập mới, cần duy trì mô hình ĐH mang tính tổ hợp là các ĐH quốc gia và các ĐH vùng bao gồm các trường thành viên với tư cách pháp nhân đầy đủ.

Để bảo đảm các trường mang tính tổ hợp này hoạt động tốt, khắc phục những bất cập hiện nay thì Chính phủ nên giao cho các trường cơ chế tự chủ cao nhất mà các trường ĐH thành viên không có được, ví dụ như cơ chế của ĐH quốc gia hiện nay.

Mô hình này vừa phù hợp với thực tế hiện nay (vẫn duy trì các ĐH quốc gia, ĐH vùng đã có 25 năm hình thành và phát triển), vừa tạo điều kiện giảm đầu mối vừa phù hợp với xu hướng của thế giới (do cho phép thành lập các trường trên cơ sở sáp nhập, sắp xếp lại các trường đại học trên cùng địa bàn).  

ĐH Đà Nẵng hiện đang có 1.454 giảng viên, trong đó có 9 giáo sư, 102 phó giáo sư và 445 tiến sĩ, 1.026 thạc sĩ.  

Chương trình chất lượng cao hiện đang triển khai tại 4 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, gồm trường ĐH Bách khoa, trường ĐH Kinh tế, trường ĐH Sư phạm và trường ĐH Ngoại ngữ.  

ĐH Đà Nẵng cũng đang triển khai 40 chương trình chất lượng cao, trong đó trường ĐH Bách khoa có 18 chương trình, trường ĐH Kinh tế có 10 chương trình, trường ĐH Sư phạm và trường ĐH Ngoại ngữ mỗi trường có 6 chương trình.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.
.