Vì trường học không có bạo lực

.

Khó xử lý bạo lực tinh thần

Chị bạn của tôi tâm sự: “Con mình có hôm đi học mà không có tiền ăn quà vặt là… không có bạn chơi. Dù biết cho tiền con như vậy là không đúng nhưng cứ nghĩ tới cảnh con lủi thủi một mình trên trường lại thương, lại phải dấm dúi cho con vài đồng ăn quà”.

Đứng bên cạnh mẹ, mân mê tà áo, cô học trò lớp 4 một trường tiểu học trên địa bàn quận Sơn Trà phụng phịu kể: “Tại các bạn thấy con đi bộ đi học nên nói con là con nhà nghèo. Hôm nào con không mua đồ ăn cho các bạn là các bạn chẳng chơi với con. Thấy con đi qua là nói: nhà nghèo, nhà nghèo kìa.

Mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS Tây Sơn luôn lồng ghép các bài học về bạo lực học đường.  (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS Tây Sơn luôn lồng ghép các bài học về bạo lực học đường. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Có lần con tức quá, con đứng lại nói: Nhà nghèo thì có sao đâu. Mình không có buồn đâu. Mấy bạn chọc miết cho mỏi miệng đi”. Tôi hỏi: Vậy con có buồn không? Cô bé bẽn lẽn: “Dạ buồn!”. Mẹ bé chia sẻ thêm: “Nó hiền lắm. Mình không biết làm cách nào để dạy con biết đứng lên đòi quyền lợi.

Có lần, nó đi học về kể, con nhặt được 4.000 đồng trong sân trường, định lên lớp nộp lại cho cô thì có bạn kia đến hỏi “Tiền gì đó”, con kể lại xong hai đứa con lên lớp. Vừa gặp cô thì bạn đó giật tiền trên tay con rồi nhanh nhảu nói với cô: Cô ơi, con nhặt được tiền trong sân trường, con nộp lại cô ạ! Vậy là bạn đó được cô khen còn con bé nhà mình đứng sững sờ, không nói được gì nữa”.

Tôi đem câu chuyện này kể lại cho một anh chuyên viên tâm lý. Anh nói, cô bé rõ ràng đang bị bắt nạt nơi trường học. Đó là một dạng bạo lực học đường kiểu mới. Bạo lực học đường giờ đây không còn gói gọn trong chuyện ẩu đả, đánh nhau mà xuất hiện dưới hình thức xúc phạm, lăng mạ, tẩy chay, chia bè kết nhóm. Ở độ tuổi cấp tiểu học, các em chưa biết chọn cho mình những người bạn thực sự.

Trong trường hợp này, mẹ cô bé, thậm chí, phải đi tìm bạn cho con. Có thể là thường xuyên đưa đón con. Mỗi ngày, mẹ nên đến trường sớm một chút, chuẩn bị một ít bánh kẹo, đợi con ra thì chia cho con và những bạn cũng đang chờ ba mẹ đến đón.

Sự quan tâm, gần gũi của phụ huynh sẽ khiến bạn bè của con không dám bắt nạt con (vì biết bạn ấy luôn luôn có mẹ ở bên cạnh). Như vậy, dần dần con sẽ có những người bạn bên cạnh mình, nhu cầu có bạn của trẻ con là một nhu cầu thực sự.

Ở độ tuổi càng lớn thì tình trạng bạo lực tinh thần càng tinh vi hơn. Cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ kể một câu chuyện tại trường mình cách đây 1 năm:

“Em học sinh ấy học lớp 8, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoại hình khác biệt (da đen). Em luôn bị các bạn trong lớp trêu chọc vì sự khác biệt ấy. Có lẽ, áp lực vì bị chê bai, trêu chọc, em ấy đã sống không thực với hoàn cảnh của mình.

Em nói những điều không có về gia đình. Một số bạn biết được lại đi nói cho cả lớp, thế là em càng bị xa lánh… Nếu đánh nhau thì dễ phát hiện hành vi bạo lực và có thể được ngăn chặn kịp thời; còn bạo lực thông qua việc trêu chọc, xa lánh kỳ thị  thì rất khó phát hiện và xử lý ngay được”.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, trong 5 năm trở lại đây, toàn thành phố chỉ ghi nhận 2 trường hợp bạo lực học đường (bạo lực về thể chất), còn bạo lực tinh thần thì không thống kê đầy đủ được.

Nổi cộm nhất trong những năm gần đây có lẽ là vụ bạo lực tinh thần (một nhóm học sinh lập nhóm kín nói xấu, vạch trần sự thật về nhau, “ném đá” nhau trên mạng xã hội) khiến một nữ sinh lớp 11 uống thuốc tự tử vào năm 2013.

Đây chính là fanpage bôi nhọ hình ảnh của người khác. Chủ nhân của trang này ngang nhiên đăng những thông tin nặc danh, phần lớn nội dung là nói xấu, chửi bới người khác. Thậm chí, trang mạng xã hội này còn đưa cả phụ huynh vào. May mắn là, cô bé ấy đã được gia đình phát hiện kịp thời và cứu sống.

Đồng hành với học sinh

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị-tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân. Trẻ em đa phần không có kỹ năng kiềm chế cơn nóng giận, không biết tôn trọng sự khác biệt, không có kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn… Vì vậy, việc giúp trẻ hình thành các kỹ năng trên là điều vô cùng cần thiết.

Từ năm học 2012-2013, dự án “Hành trình yêu thương” về phòng, chống bạo lực và thúc đẩy bình đẳng giới trong học đường tại thành phố Đà Nẵng khởi động thông qua việc ký biên bản ghi nhớ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và Tổ chức Hòa bình và Phát triển của Tây Ban Nha.

Mục tiêu của dự án là xây dựng căn cứ để vận động và mở rộng chương trình ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới dựa vào học đường. Đối tượng chính là học sinh THCS. Sau khi dự án kết thúc, hiện các trường THCS đưa chương trình này vào giảng dạy như chương trình ngoại khóa, có ý nghĩa thiết thực, được phụ huynh quan tâm.

Cô Lê Thị Tuyết Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn cho biết, trong mỗi buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường đều lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực học đường vào giáo dục các em. Theo cô Vân, việc hướng học trò đến kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ rất quan trọng; cha mẹ, thầy cô cần làm chỗ dựa để trẻ tin tưởng tâm sự, chia sẻ mỗi khi gặp bất an. Một phương pháp quan trọng nữa đó là việc duy trì nhắc lại các kỹ năng.

Tuổi học trò rất nhanh quên, việc được nhắc đi nhắc lại, tô đậm vào ý thức sẽ hình thành cho trẻ các thói quen tích cực. Mùa hè vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức lớp tập huấn cho lãnh đạo các trường tiểu học, THCS về “Kỷ luật tích cực” - không dùng roi vọt trong trường học, không xử phạt học sinh bằng cách đuổi ra khỏi lớp…

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương cho rằng, để trẻ hạn chế tối đa tình trạng bị bạo lực học đường, cha mẹ cần trở thành người bạn thân thiết nhất của con. Ở độ tuổi cấp THCS, trẻ thường không tìm được tiếng nói chung với ba mẹ, muốn xây dựng một thế giới riêng.

Điều này để lại một khoảng trống trong tâm lý của cha mẹ. Nếu để xảy ra tình trạng này, “tình bạn” của hai bên sẽ tan vỡ và rất khó để trẻ chia sẻ những khó khăn. Thêm nữa, cha mẹ cần tạo cho trẻ hình thành một phản xạ thích thú với cái tốt và dị ứng với cái xấu. Khi thấy một sự việc bạo lực xảy ra với mình và ngay cả bạn bè mình, trẻ cũng cần dũng cảm đứng lên nói với thầy cô.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, sau khi dự án “Hành trình yêu thương” triển khai suốt 3 năm học ở hơn 30 trường THCS trên toàn thành phố, có 96% số học sinh nhận thức được vai trò của nam và nữ giới trong xã hội là bình đẳng, hơn 90% số học sinh tự nhận thấy sau khi tham gia chương trình đã kiểm soát tốt hơn cảm xúc cũng như cơn giận dữ của mình và hơn 88% biết tự giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực.

Cũng theo thống kê, tỷ lệ học sinh cảm thấy an toàn trong các trường tham gia dự án tăng lên 73%. Có 60-70% đã nói chuyện với bố mẹ về sự đối xử công bằng giữa nam và nữ, nói không với việc sử dụng bạo lực.

Quỳnh Trang
 

;
.
.
.
.
.
.