Bảo tồn, phục hồi di tích Hải Vân Quan

Góp thêm chứng liệu quan trọng

.

Sau hơn 4 tháng tiến hành khai quật khảo cổ di tích Hải Vân Quan (từ tháng 4 đến tháng 8-2018) dưới sự chủ trì của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, ngày 17-9-2018, tại thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cùng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức hội thảo Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

Ảnh của Rabaud chụp Hải Vân Quan cuối thế kỷ XIX còn nguyên tường thành và các pháo nhãn  (Nguồn: Ph. Eberhardt, Guide de l’Annam, Augustin Challamel - Éditeur, Librairie Maritime et Coloniale, Paris, 1914, trang 47)
Ảnh của Rabaud chụp Hải Vân Quan cuối thế kỷ XIX còn nguyên tường thành và các pháo nhãn (Nguồn: Ph. Eberhardt, Guide de l’Annam, Augustin Challamel - Éditeur, Librairie Maritime et Coloniale, Paris, 1914, trang 47)

Trong hội thảo, dựa trên nguồn tư liệu thành văn, ảnh tư liệu và kết quả khai quật khảo cổ, đơn vị tư vấn là Phân viện Khoa học công nghệ và xây dựng miền Trung đề xuất hai phương án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan:

Phương án 1 là phục hồi toàn bộ các công trình thời nhà Nguyễn phía trong vùng 1 bảo vệ di tích; phương án 2 là bảo tồn nguyên trạng các công trình được xác định có trước giai đoạn 1975.

Các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đã có nhiều ý kiến đóng góp về công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích và đa số lựa chọn phương án 1 trên cơ sở có bổ sung, điều chỉnh theo một số ý kiến được tiếp thu trong hội thảo.

Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi nhận thấy có một số hạng mục di tích cần phục hồi nhưng các chứng liệu do đơn vị tư vấn đưa ra có niên đại khá muộn (đầu thế kỷ XX) hoặc chưa đủ sức thuyết phục, nhất là chứng liệu về đoạn tường thành hai bên hông Hải Vân Quan, về những cánh cửa của Hải Vân Quan, về tuyến đường thiên lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi ra Huế.

Về đoạn tường thành hai bên hông Hải Vân Quan hướng vào Đà Nẵng, chứng liệu của đơn vị tư vấn dùng làm căn cứ để phục hồi hạng mục này là các bản vẽ và hình ảnh của H. Cosserat năm 1918, kết hợp “dựa theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường hông” của cổng; nhưng không có tư liệu thành văn hay hình ảnh thể hiện chiều cao, độ dày, hình dạng tường thành và các pháo nhãn (lỗ châu mai), kích cỡ của đá xây tường thành.

Ảnh Hải Vân Quan còn nguyên hai cánh cửa sắt do Alfred Raquez chụp ngày 3-1-1900, là ảnh gốc mà họa sĩ Tôn Thất Sa dựa vào để vẽ tranh (Nguồn: Alfred Raquez, Pages laotiennes, Le Haut-Laos, Le Moyen-Laos, Le Bas-Laos, F.H. Schneider Imprimeur - Éditeur, Hanoi, 1902, p. 39)
Ảnh Hải Vân Quan còn nguyên hai cánh cửa sắt do Alfred Raquez chụp ngày 3-1-1900, là ảnh gốc mà họa sĩ Tôn Thất Sa dựa vào để vẽ tranh (Nguồn: Alfred Raquez, Pages laotiennes, Le Haut-Laos, Le Moyen-Laos, Le Bas-Laos, F.H. Schneider Imprimeur - Éditeur, Hanoi, 1902, p. 39)

Theo chúng tôi, để bảo đảm việc phục hồi không làm biến dạng tường thành so với nguyên bản, đơn vị tư vấn cần tham cứu thêm các nguồn tư liệu xưa hơn, mà bức ảnh của Rabaud chụp Hải Vân Quan cuối thế kỷ XIX được chúng tôi đính kèm (xem hình 1) là một trong những căn cứ có thể dùng để ước tính chiều cao, độ dày, kích cỡ đá xây dựng, hình dạng của tường thành và các pháo nhãn nguyên bản.

Về hai cánh cửa ở Hải Vân Quan, chứng liệu của đơn vị tư vấn dùng làm căn cứ là dựa vào bức tranh do họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ lại từ một bức ảnh chụp năm 1900 để “phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ”, kiểu “thượng song, hạ bản”

Theo chúng tôi, việc dựa vào bức tranh được vẽ lại từ một ảnh chụp để xác định hai cánh cửa ở Hải Vân Quan làm bằng chất liệu gỗ là không đủ căn cứ; đó là chưa nói hai cánh cửa trong bức tranh này cũng không lột tả hết đường nét vốn có trong bức ảnh gốc, dễ gây hiểu nhầm về chất liệu.

Chúng tôi đã tìm ra bức ảnh gốc mà họa sĩ Tôn Thất Sa đã dùng để vẽ Hải Vân Quan, đó là ảnh chụp của Alfred Raquez ngày 3-1-1900 khi đi từ Đà Nẵng ra Huế để sang Lào. Trong ảnh, hai cánh cửa ở Hải Vân Quan có song cửa và các gọng cửa giống chất liệu sắt hơn là gỗ (xem hình 2).

Những tư liệu thành văn đáng tin cậy mà chúng tôi tiếp cận được cũng khẳng định những cánh cửa ở Hải Vân Quan được bọc sắt, chứ không phải bằng gỗ thuần túy. Dutreuil de Rhins, một sĩ quan hàng hải Pháp trên đường từ Đà Nẵng ra Huế ngày 7-10-1876, khi đi qua Hải Vân Quan đã mô tả rằng: “Đỉnh đèo rộng khoảng 50 mét, bị ngăn bởi một bức tường đá đâm xuyên qua 4 cái lỗ châu mai. Ở giữa là một cái cổng hoành tráng có hai cánh cửa, được bọc bằng các tấm sắt” (Dutreuil de Rhins, Le royaume d’Annam et les Annamites: journal de voyage, Librairie Plon, Paris, 1889, trang 161).

Cho đến cuối thế kỷ XIX, những người Pháp khác khi đi qua hoặc đề cập Hải Vân Quan cũng đều gọi đó là “Cổng Sắt” (nguyên văn: Porte de Fer), như: Camille Paris, Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine, par la route mandarine, E. Leroux, Paris, 1889, trang 41; Jean-Louis de Lanessan, L’Indo-Chine française, Félix Alcan, Esditeur, Paris, 1889, trang 69; Édouard Hocquard, Une campagne au Tonkin, Hachette et Cie, Paris, 1892, trang 475…

Về tuyến đường thiên lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi Huế, đơn vị tư vấn đưa ra phương án “phục hồi khoảng 200m bằng đá xếp theo hình thức và công nghệ truyền thống”, nhưng chưa đưa ra được chứng liệu nào về hướng của tuyến đường, và cuộc khai quật khảo cổ vừa qua cũng chưa làm xuất lộ được dấu vết của con đường từ cổng đi ra. Như vậy, chưa có cơ sở khoa học để xây dựng phương án phục hồi tuyến đường này nếu chưa có nghiên cứu, khai quật hay tư liệu chứng minh.

Theo chúng tôi, hướng của cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan là đông kiêm bắc, quay ra phía núi và biển, mang tính phong thủy chứ không thuận cho giao thông bộ, nên tuyến đường từ cổng quan nối với đường Thiên Lý ngày xưa bị bẻ ngoặt về phía tây và rất dốc, thậm chí trong nguyên bản không phải đường mà là cầu thang gỗ nối cổng với đường ở bên dưới.

Sở dĩ chúng tôi đưa ra ý tưởng này, bởi một phần do con đường từ cổng quan đi ra chưa được xuất lộ trong đợt khai quật vừa qua, phần khác là do ghi chép của Dutreuil de Rhins khi qua ải ngày 7-10-1876 cho biết rằng: “Đằng sau cửa quan, mặt đất bị thu ngắn lại, mắt chỉ nhìn thấy khoảng trống, một vực thẳm có bức tường thành bằng gỗ, che giấu độ dốc đáng sợ của nó. Cái đèo gỗ này, hay đúng hơn là cây cầu gỗ này, cao hơn 470 mét so với mặt biển, là con đường bộ giao thông liên lạc duy nhất cho đến nay giữa hai tỉnh Quảng Nam và Huế” (Dutreuil de Rhins, đã dẫn, trang 161).

Những chứng liệu quan trọng về tường thành, về những cánh cửa của Hải Vân Quan hướng vào Đà Nẵng, về đường Thiên Lý từ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan đi Huế nói trên đòi hỏi các cơ quan quản lý, xây dựng và thực hiện dự án cần phải nắm bắt đầy đủ thông tin về di tích, hiểu rõ toàn diện chứng liệu về di tích để vận dụng đúng đắn vào công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan do thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trương.  

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

;
.
.
.
.
.
.