Biển sẽ hết "ngủ đông"?

.

Đường Nguyễn Tất Thành là con đường dài nhất Đà Nẵng hiện nay, chỉ tính vòng cung ôm vịnh Đà Nẵng từ chân cầu Thuận Phước đến phường Hòa Hiệp Nam đã hơn 12km. Đây là một trong những đường phố ven biển thơ mộng của Đà Nẵng, thế nhưng khách qua lại tuyến đường này giữa mùa hè lại có cảm giác như đang… mùa đông. Vì vậy, đánh thức biển Nguyễn Tất Thành hết “ngủ đông” là việc cần thiết và cần làm căn cơ hơn…

Blue Sea Beach Bar vào một ngày hè năm 2018 (hiện giờ đã được tháo dỡ “trú đông”). (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Blue Sea Beach Bar vào một ngày hè năm 2018 (hiện giờ đã được tháo dỡ “trú đông”). (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Doanh nghiệp chung tay đầu tư khai thác dịch vụ

Từ khi đề án Quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2012-2014 được triển khai, giấc “ngủ đông giữa hè” nơi đây được đánh thức. Hai bãi tắm công cộng được xây dựng, một trên địa bàn quận Thanh Khê, một trên địa bàn quận Liên Chiểu.

200 ghế đá, 8 nhà vệ sinh công cộng, 4 khu vực thể thao, 10 điểm cho thuê phao bơi, các dịch vụ ẩm thực, trạm cứu hộ… Tất cả truyền “sinh lực” cho hoạt động du lịch biển nơi đây chuyển mình.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đề án (2012-2014), theo nhận định của Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường, tuyến biển này vẫn còn một số hạn chế, như chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiện ích công cộng như: điện, nước, gạch gốm, bậc cấp lên xuống biển…

Công tác quản lý, khai thác du lịch chỉ dừng lại ở việc quy hoạch sắp xếp; sản phẩm du lịch còn thiếu sự đầu tư, còn đơn điệu chưa tương xứng với tiềm năng du lịch biển hiện có. Các công cụ, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, an ninh trật tự, tuyên truyền quảng bá bị hư hỏng và xuống cấp.

Nhiều người có cái nhìn không khác với lãnh đạo Sở Du lịch thành phố về tình trạng thuyền, thúng tập kết không đúng vị trí quy định, người dân đụng đâu để đó; còn cơ quan chức năng thì chưa xử lý thường xuyên và triệt để nên ảnh hưởng đến trật tự đô thị, mỹ quan du lịch. Bất kỳ một điểm đến du lịch nào cũng phải bảo đảm các tiêu chí hàng đầu là “An toàn, văn minh, hấp dẫn”.

Thế nhưng, với các bãi biển dọc tuyến Nguyễn Tất Thành, các tiêu chí này chừng như chỉ mới ở vạch xuất phát. Ví như Văn minh, tiêu chí này còn phải phấn đấu mạnh hơn, bởi rác rến vẫn còn xả tràn lan. Hộp xốp, túi ni-lông, ly giấy... nhiều người đi hưởng thụ vẻ đẹp và hương vị của biển lại vô tư vứt, dù đây đó có bố trí các thùng rác ở nơi dễ thấy.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, ngay từ đầu năm 2018, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt đề án Quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020, tổng kinh phí hơn 46 tỷ đồng.

Là đơn vị thực hiện, ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (Ban Quản lý), cho biết sau khi UBND thành phố có quyết định phê duyệt đề án, đơn vị đã xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác dịch vụ.

Trong đó, Công ty CP Đầu tư phát triển Tập đoàn Hòa Bình khai thác dịch vụ thể thao giải trí biển tại phía nam bãi tắm Thanh Khê. Công ty CP Thương mại du lịch Ecosea và Công ty TNHH TMDV Đào tạo đầu tư Green Hope đầu tư 2 cụm dịch vụ tổng hợp tại bãi biển Xuân Thiều, Nam Ô.

Đây là 2 cơ sở được tập trung đầu tư phát triển nhằm tạo sự khác biệt trên địa bàn quận Liên Chiểu (khu vực từ Khu du lịch Xuân Thiều đến bãi tắm Nam Ô) với các loại hình như: Khu tổ chức sự kiện, hoạt động cộng đồng; Khu cắm trại lưu động; Khu dịch vụ ẩm thực-lưu niệm; Khu check in; Khu vui chơi cho trẻ em; Khu tắm nước ngọt di động; Dịch vụ nhà phao nổi; Dịch vụ Bar bãi biển.

Tạo sản phẩm du lịch có sự khác biệt

Các tổ kinh doanh dịch vụ du lịch trên bãi biển dọc vịnh Đà Nẵng này được quy hoạch thành 19 tổ dịch vụ (theo mô hình nâng cấp các tổ tại tuyến biển Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp), bố trí đều tại 7 bãi tắm biển và 6 khu nhà tắm nước ngọt trên suốt tuyến đường.

Tổ kinh doanh số 9 của chị Phan Thị Thanh Nga, từ mùa hè năm 2016 đã mở quầy dịch vụ giải khát, chủ yếu cho thuê dù, ghế lưới, bán các thức uống giải khát ở bãi biển ngã ba Nguyễn Chánh - Nguyễn Tất Thành. Một năm sau, chị nâng cấp thành một bar nhỏ có tên là Blue Sea Beach Bar, ngoài quầy hàng còn bố trí thêm các nhà dù, trang trí hợp với không gian biển với chủ đề “Thiên đường Tình yêu”.

Khi nghe lãnh đạo Ban Quản lý cho biết một trong các mục tiêu của Đề án giai đoạn 2018-2020 là “Giữ được vẻ đẹp hoang sơ của bãi biển nhưng vẫn đáp ứng được đầy đủ các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống”, chị dự định sang năm 2019 sẽ xây dựng thêm một không gian nữa, hoài cổ hơn với chủ đề “Làng chài Cổ tích”. Chị sẽ tái hiện một làng chài với những vạt lưới giăng mắc bên những cây dứa biển, những ngọn đèn măng-sông từng một thời rọi sáng biển đêm...

Bãi biển Nguyễn Tất Thành không như bãi biển dọc tuyến đường Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa. Ở vòng cung lượn quanh phía nam vịnh Đà Nẵng này - chị Nga chia sẻ, do cấn bờ kè nên chỉ kê mấy cái ghế là đã chạm đến mép biển rồi.

Mùa hè còn đỡ, chứ bắt đầu sang đông là sóng “lấn sân”, phần diện tích bị thu hẹp, phần mưa bão triền miên nên mỗi năm kinh doanh chủ yếu chỉ được 5 tháng, từ đầu tháng tư đến hết tháng tám.

Bước qua tháng chín, chị rục rịch đóng gói mọi thứ dọn về nhà, có để lại chăng là “dấu chân và kỷ niệm” như cách nói vui của anh Hồng, chồng chị. Dọc tuyến chưa có dịch vụ lưu trú, dù Blue Sea Beach Bar là bar duy nhất ở đây nhưng khách chưa đông lắm, bởi toàn là người địa phương tắm biển ghé vào.

Trên tuyến này có bãi biển Xuân Thiều, nơi những binh sĩ Mỹ đầu tiên của Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến đã đổ bộ vào Đà Nẵng qua đường biển đây vào sáng ngày 8-3-1965. Binh lính Mỹ gọi bãi biển nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) này là Red Beach (Bãi Biển Đỏ).

Sau đó, nơi đây trở thành một bãi tắm chỉ dành riêng cho binh lính Mỹ, vì đây là khu quân sự với sân bay dã chiến và kho quân nhu, cùng hệ thống bố phòng bảo vệ Đà Nẵng từ phía bắc.

Ông Hải cho biết, khu chứng tích Red Beach là một trong những hướng nhắm tới trong mục tiêu chính nhằm tạo ra sản phẩm du lịch có sự khác biệt mang tính đặc trưng vùng miền gắn với lịch sử, có những bước đột phá hơn so với các bãi biển tuyến Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp.

Cùng với đó, việc triển khai du lịch có trách nhiệm với cộng đồng, tái hiện nét văn hóa của người dân địa phương sẽ góp phần làm cho mùa hè ở các bãi biển trên tuyến đường này không còn những giấc “ngủ đông”…

Việc triển khai đề án Quản lý và khai thác du lịch sẽ làm thay đổi diện mạo cho bãi biển Nguyễn Tất Thành, đồng bộ về hạ tầng, phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ mới lạ mang tính khác biệt so với các mô hình kinh doanh tại tuyến biển Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp, đồng thời định hướng cho người dân địa phương hiểu rõ tầm quan trọng trong việc chung tay bảo vệ môi trường du lịch biển hướng đến bãi biển du lịch văn minh; mở rộng không gian du lịch biển, giảm tải cho khu vực biển phía đông thành phố. Qua đó, đề án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch đi đôi với phát triển kinh tế cộng đồng địa phương dọc tuyến biển trên địa bàn 2 quận Thanh Khê và Liên Chiểu nói riêng và khu vực phía bắc-tây bắc thành phố nói chung.  

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng TRẦN CHÍ CƯỜNG

VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.
.