Chung tay vì nạn nhân da cam

.

Hiện thành phố có trên 5.000 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 1.400 trẻ em bị ảnh hưởng do di chứng của độc chất này gây ra. Những năm qua, nhờ sự chung tay hỗ trợ và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cuộc sống.

Hội Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Shizuoka (Nhật Bản) trao học bổng và khám mắt cho nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng.
Hội Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Shizuoka (Nhật Bản) trao học bổng và khám mắt cho nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng.

Kêu gọi cộng đồng giúp đỡ

Theo đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Hội), trong 9 tháng đầu năm 2018, các cấp Hội từ thành phố đến cơ sở vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước số tiền hơn 9,9 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1 tỷ đồng tiền mặt, còn lại là tiền hỗ trợ cho các dự án như nuôi dạy trẻ, tặng quà, hỗ trợ xe, nâng cao năng lực chăm sóc trẻ.

Đặc biệt trong chương trình Đồng hành với nạn nhân da cam, từ sự phối hợp của các sở, ban, ngành và các cơ quan báo, đài, Hội vận động được gần 8 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kêu gọi học sinh, sinh viên các trường học tích cực ủng hộ chương trình này.

Từ đầu năm đến nay, Hội đã tiếp đón và làm việc với hơn 55 tổ chức và 350 cá nhân người nước ngoài đến tìm hiểu và hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố như: Đoàn sinh viên Hàn Quốc, Đại học Changwon Hàn Quốc, đoàn truyền thông đến từ JICA Nhật Bản, Hội Bảo trợ trẻ em nhiễm dioxin tại Pháp, tổ chức Living Water Global Initiative, tổ chức Xanh…

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã ký kết dự án cải thiện mô hình chăm sóc ban ngày cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) với ngân sách hỗ trợ 120.000 USD trong giai đoạn 2018-2021.

Đến nay, Hội đã làm các thủ tục tiếp nhận và thanh, quyết toán dự án quý 3-2018 với kinh phí 347 triệu đồng. Thông qua Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, một tổ chức của Mỹ cũng đã hỗ trợ 22 con heo giống cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Cùng với đó, nhiều tổ chức, đơn vị cam kết hỗ trợ nhiều dự án, tài sản có giá trị như:

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ký kết với hội hỗ trợ 1 ô-tô 29 chỗ ngồi để phục vụ đưa đón các em nạn nhân chất độc da cam với số tiền 1,2 tỷ đồng; Quỹ Harris Freeman Foundation-Hoa Kỳ hỗ trợ vitamin và khoáng chất phục vụ giải độc cho nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm xông hơi, giải độc và phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng trị giá 160 triệu đồng; Quỹ Hòa giải phát triển VFP hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam 136 triệu đồng; Công ty EDRINGTIN (Singapore) ủng hộ 227 triệu đồng…  

Bên cạnh một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ hằng năm, nhiều câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện cũng thường xuyên vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm giúp đỡ các em thông qua các dịp lễ, Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6). Hiện Hội có 1 trung tâm đang nuôi dưỡng khoảng 120 em ở 2 cơ sở tại quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang.

Nhờ có nguồn hỗ trợ, Hội mới có kinh phí chăm sóc hằng ngày cho các em nạn nhân chất độc da cam như ăn ở, phí chuyên chở các em, trả lương cho người chăm sóc, chi phí tiền điện nước… mỗi tháng tổng cộng 180 triệu đồng.

Ngoài nhận tiền trợ cấp xã hội và trợ cấp chất độc hóa học của Nhà nước, Hội cũng vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân nhận trợ dưỡng thường xuyên hằng tháng cho khoảng 150 em ở Trung tâm và cộng đồng. Đặc biệt, Hội Những người Nhật Bản yêu Việt Nam, Hội Bảo trợ nạn nhân nhiễm dioxin tại Pháp hỗ trợ học bổng cho nạn nhân và anh em ruột của nạn nhân, giúp họ có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.

Những tấm lòng thiện nguyện

Trong 13 năm qua, kể từ khi thành lập Hội, đã có 57 người nước ngoài tham gia làm tình nguyện viên và hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng. Họ là những người luôn mang lại không khí ấm áp, tươi vui cho các em ở các Trung tâm bằng nghĩa cử đẹp.

Như cựu chiến binh Mỹ Matthew Keenan (68 tuổi), từng tham chiến tại Chu Lai (Quảng Nam) và Đà Nẵng vào năm 1971 và 1972. Hiện ông đang mang trong mình căn bệnh ung thư do phơi nhiễm chất độc da cam. Trong gần 5 năm đến Đà Nẵng, ông Matthew Keenan đã có 3 năm làm tình nguyện viên tại Trung tâm.

Ông cũng thường xuyên dành thời gian đến giao lưu với các em và vận động bạn bè ở Mỹ ủng hộ vật chất như ti-vi, xích đu, mái che, vẽ tranh tường… Với kinh nghiệm chống chọi căn bệnh ung thư do phơi nhiễm chất độc da cam của mình, ông Matthew Keenan hy vọng sẽ giúp đỡ các em tại Trung tâm xoa dịu nỗi đau bệnh tật.

Trong khi đó, bà Nonoyama Nobuyo (sinh năm 1977) là tình nguyện viên người nước ngoài do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giới thiệu và được UBND thành phố tiếp nhận làm tình nguyện tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng.

Sau khi trở thành tình nguyện viên tại Trung tâm từ tháng 7-2016 đến nay, bà Nonoyama Nobuyo đã tích cực tham gia các hoạt động về chăm sóc, giáo dục, giúp đỡ và hướng dẫn dạy nghề làm hoa cườm, thêu sauodi của người Nhật cho các em nơi đây. Đồng thời, bà chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giúp đỡ, chăm sóc trẻ cho các cán bộ, nhân viên tại cơ sở 3, góp phần vào việc cải thiện các dịch vụ chăm sóc trẻ tốt cho nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng.

Ngoài ra, bà còn vận động kết nối các tổ chức, cá nhân, bạn bè từ Nhật Bản để kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng bằng nhiều hình thức. “Với tình cảm cá nhân, tôi muốn cống hiến một chút thời gian nhỏ của mình để giúp đỡ cho các cháu nạn nhân chất độc da cam tại thành phố ngày càng tốt hơn, giúp các cháu mau khỏe mạnh, tôi cũng cầu mong cho các cháu được hạnh phúc và sống trong bầu không khí yên bình, được thỏa mãn với mơ ước của mình”, bà Nonoyama Nobuyo chia sẻ về công việc tình nguyện của mình.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
.
.
.
.
.
.