Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái biển

.

“Tôi đã đi rất nhiều bãi biển trên cả nước, song chưa có bãi san hô nào đẹp như ở đảo Ngọc - Đà Nẵng. Không chỉ có san hô, quần thể sinh thái tại đảo Ngọc, Sủng Cỏ rất đẹp và hoang sơ. Đó chính là những vẻ đẹp mà xu hướng du lịch mới, bền vững kiếm tìm”. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tàu cao tốc An Di thốt lên như thế khi bắt đầu câu chuyện du lịch sinh thái biển Đà Nẵng.

Vẻ đẹp của hoang sơ của các bãi biển Đà Nẵng là tiềm năng rất lớn cho loại hình du lịch sinh thái đang được nhiều du khách yêu chuộng.
Vẻ đẹp của hoang sơ của các bãi biển Đà Nẵng là tiềm năng rất lớn cho loại hình du lịch sinh thái đang được nhiều du khách yêu chuộng.

Theo ông Tuấn, Đà Nẵng đang sở hữu những tiềm năng du lịch sinh thái biển rất đặc sắc, khác biệt so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Không chỉ là đảo Ngọc, là Sủng Cỏ (phía Bắc mũi Hải Vân) mà bãi Cát Vàng, Tiên Sa, bãi Bắc... ở Sơn Trà cũng là những bãi biển có thể khiến du khách say đắm.

Chính vì nhận thấy rất rõ những cơ hội du lịch sinh thái quý giá như thế, Công ty CP Tàu cao tốc An Di không ngần ngại đầu tư trên 70 tỷ đồng cho đội tàu cao tốc gồm 7 chiếc, công suất 900CV/chiếc (chở 44 khách/ tàu), đạt tiêu chuẩn 4 sao để đưa vào khai thác các tour du ngoạn, lặn ngắm san hô trên biển một cách chuyên nghiệp, an toàn.

Ông Tuấn cho biết, hiện đội tàu đã hoàn tất các thủ tục đăng ký, đăng kiểm và được phép xuất bến. Để đưa đến những trải nghiệm vừa thú vị, vừa tiện nghi cho du khách, hiện đơn vị này đang xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản ở các điểm đến của đảo Ngọc, Sủng Cỏ...; dự kiến đến tháng 12 này sẽ khai thác chuyến đầu tiên.

Theo khảo sát của đại diện một số hãng lữ hành, những bãi biển phía đông nam Hải Vân như bãi Chuồn, Sủng Cỏ... là mảnh đất “màu mỡ” của loại hình du lịch sinh thái. Du khách khi tham gia tour vừa có cơ hội được khám phá thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, vừa có thể thưởng thức những sản vật địa phương phong phú, vừa hòa mình vào đời sống bình dị của người dân nơi đây.

Anh Nguyễn Công Tiến (một du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ rằng anh đặc biệt ấn tượng với lần đến Sủng Cỏ cách đây hơn hai năm.

Điểm đến mang lại cho anh cảm giác thư thái, nhẹ nhõm tuyệt diệu. “Lần này vào Đà Nẵng tôi cũng muốn trở lại Sủng Cỏ nhưng thật tiếc vì yếu tố an toàn chưa được bảo đảm, không có tàu ra”, anh Tiến bày tỏ tiếc nuối.

Bà Dương Thị Xuân Liễu, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác du lịch tại bán đảo Sơn Trà (Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng), cho biết ở bán đảo Sơn Trà từ trước tới nay chỉ có một hoạt động thuần du lịch sinh thái là lặn ngắm san hô.

Các hoạt động mở nhà hàng, dịch vụ thuyền bè dọc tuyến đều mang tính tự phát, chưa chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và an toàn cho du khách. Các trường hợp vi phạm đều bị lập biên bản, xử lý, song vẫn có chuyện tái diễn.

Về định hướng phát triển du lịch sinh thái biển tại bán đảo này, ông Trần Đại Nghĩa, Phó ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện đơn vị này vẫn trong trạng thái “chờ đợi” hướng dẫn từ cấp trên. Nhiệm vụ của đơn vị liên quan đến vấn đề này chỉ là quản lý, bảo vệ bằng cách

thả phao định kỳ (từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm) để giữ bãi san hô quý tại Hòn Sụp mà thôi.
Anh Lê Chiến - tình nguyện viên của tổ chức bảo vệ môi trường biển One Ocean đang được giao thực địa cho đề tài “Bảo tồn và tái tạo rạn san hô Sơn Trà” cho rằng, đối với bán đảo Sơn Trà nên được bảo tồn nguyên vẹn, nhất là những rạn san hô; tuyệt đối tránh các hoạt động khai thác du lịch dù ở hình thức nào.

Đại diện những người làm du lịch, lữ hành cùng ý kiến nên để Sơn Trà nhỏ bé “được yên” và nên hướng mũi nhọn khai thác loại hình du lịch thân thiện môi trường này xuống khu vực chân đèo Hải Vân rộng lớn, đa dạng, kỳ vĩ.

“Du lịch sinh thái biển là một mảng rất lớn và Đà Nẵng hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có theo hướng vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn thiên nhiên này. Tuy nhiên, so với Sơn Trà, các bãi biển ven chân đèo Hải Vân có nhiều lợi thế khai thác hơn”, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours nhận định.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với các khu vực bãi biển dưới chân đèo Hải Vân, các doanh nghiệp, hãng lữ hành dù rất muốn đầu tư khai thác điểm đến vẫn e ngại vì vướng thủ tục pháp lý liên quan đến địa giới hành chính.

Ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, dù đã đầu tư rất nhiều tâm sức và tiền của cho đội tàu cao tốc, song, đối với các điểm đến chỉ đầu tư “chừng chừng” với khu tắm nước ngọt, cầu tre để du khách lên xuống bờ, chứ không dám “mạnh tay”. “Công suất đón khách tham quan theo đó cũng chỉ đạt tối đa khoảng vài trăm người/ ngày, dù nhu cầu du khách lên đến hàng ngàn lượt/ngày. Đó là điều khá đáng tiếc”, ông Tuấn nhìn nhận.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.