Dịch vụ thể thao Biển: Đa dạng nhưng không đồng đều

.

Với lợi thế có bãi biển đẹp, sóng êm, dịch vụ thể thao biển ở Đà Nẵng dần được chuyên nghiệp hóa, đa dạng. Tuy nhiên, giữa các loại hình dịch vụ thể thao biển vẫn chưa có sự phát triển đồng đều. Bên cạnh đó là không ít khó khăn mà những đơn vị đang khai thác dịch vụ thể thao biển đã và đang đối mặt.

Ca-nô kéo dù bay là dịch vụ thể thao biển phát triển mạnh ở hầu hết các khu giải trí thể thao biển ở Đà Nẵng bởi sự đơn giản trong cách chơi cùng sự thích thú mà dịch vụ mang lại cho người chơi.  (Ảnh do Danabeach cung cấp)
Ca-nô kéo dù bay là dịch vụ thể thao biển phát triển mạnh ở hầu hết các khu giải trí thể thao biển ở Đà Nẵng bởi sự đơn giản trong cách chơi cùng sự thích thú mà dịch vụ mang lại cho người chơi. (Ảnh do Danabeach cung cấp)

Khai thác dịch vụ thể thao biển từ năm 2010, khu dịch vụ giải trí biển Danabeach, Công ty CP Quê Việt luôn hướng đến sự đa dạng hóa các loại hình dịch vụ giải trí trên biển nói chung cũng như các loại hình dịch vụ thể thao biển nói riêng, góp phần làm tăng sự hấp dẫn của bãi biển Đà Nẵng.

Hiện Danabeach đang khai thác các dịch vụ như: ca-nô kéo dù bay, mô-tô nước, ca-nô kéo phao chuối, ca-nô kéo phao trượt nước, ca-nô kéo lướt ván… Ông Trần Thanh Thiên, Giám đốc điều hành khu giải trí biển Danabeach cho hay: “Trước khi khách sử dụng dịch vụ thể thao biển, chúng tôi đều tư vấn cho du khách nên chơi trò gì cho phù hợp, bảo đảm sự thích thú của du khách. Và mỗi môn đều có nội quy trò chơi rõ ràng.

Du khách muốn chơi sẽ phải ký cam kết thực hiện theo nội quy. Khách chủ yếu tập trung ở các dịch vụ: ca-nô kéo dù bay, mô-tô nước, ca-nô kéo phao chuối bởi sự đơn giản trong cách chơi, không đòi hỏi ở người chơi phải có kỹ thuật cao như những dịch vụ còn lại”.

Như khi chơi ca-nô kéo dù bay, người chơi sẽ được cột vào dù bởi các dây khóa ngang bụng, rồi ca-nô kéo dù bay lên cao, người chơi sẽ được lơ lửng ở độ cao 70-100m. Ở độ cao này, người chơi sẽ được thỏa thích ngắm thành phố từ trên cao, hướng tầm nhìn đi thật xa, tạo cho người chơi một cảm giản nhẹ nhàng, thư giãn.

Dù đơn giản nhưng vẫn đem lại cảm giác thích thú cho người chơi nên trò dù bay cũng là một trong số những dịch vụ thể thao biển phát triển mạnh ở khu dịch vụ giải trí biển Temple Đà Nẵng, thuộc Công ty CP Thương mại và Du lịch San Hô Đà Nẵng.

Bà Trần Thị Thanh Chi, Giám đốc điều hành khu giải trí biển Temple Đà Nẵng cho hay: “Dù bay chiếm gần 70%  tổng doanh thu từ dịch vụ thể thao biển, những dịch vụ còn lại chỉ chiếm khoảng 30%”.

Chính thức khai thác dịch vụ thể thao biển từ năm 2011, đến nay, các loại hình dịch vụ thể thao biển đang được khai thác ở Công viên Cá Voi của Công ty CP Cá Voi Biển Xanh (tiền thân là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Huy Khánh) cũng đa dạng không kém với những dịch vụ: dù bay, ca-nô kéo phao chuối, mô-tô nước, chèo thuyền kayak, lướt ván buồm.

Trong số đó, chỉ có dù bay, mô-tô nước, ca-nô kéo phao chuối là phát triển mạnh và được du khách đánh giá cao. Những dịch vụ còn lại như: chèo thuyền kayak, lướt ván buồm vẫn chưa thể đưa vào phục vụ du khách.

Không chỉ vì sự kén người chơi, một số dịch vụ thể thao biển chưa phát triển mạnh do gặp khó khăn về yếu tố tự nhiên, cơ sở hạ tầng. Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty CP Cá Voi Biển Xanh cho hay: “Cơ sở hạ tầng phục vụ cho các loại hình này (cầu phao, bến bãi,…) chưa được quan tâm đầu tư. Từ đó, chúng tôi không biết nếu muốn phát triển các loại hình thể thao biển thì phải làm thế nào, đi từ đâu”.

Dịch vụ thể thao biển ở Đà Nẵng chỉ có thể hoạt động từ tháng 3 đến tháng 10, cao điểm là từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Những tháng rơi vào mùa mưa, bão phải ngừng hoạt động và có những giai đoạn phải “tùy cơ ứng biến” khi thời tiết thất thường.  Chính yếu tố thời tiết này đã gây khó khăn cho các đơn vị khai thác, kinh doanh dịch vụ này.

Ông Nguyễn Ngọc Hiệp chia sẻ: “Chi phí mua sắm nhập khẩu các trang thiết bị, phương tiện cao; chi phí duy tu bảo dưỡng trang thiết bị tốn kém. Công viên Cá Voi lại không có khu nhà kho quy mô để cất giữ, bảo quản các trang thiết bị nên dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và không khai thác hết tính năng của thiết bị do tính chất mùa vụ du lịch”.

Cùng với đó, việc ở Việt Nam chưa có sự thống nhất, rõ ràng về cơ chế, quy chế đối với việc sử dụng các phương tiện thể thao biển cũng gây không ít khó khăn cho các đơn vị khai thác, kinh doanh dịch vụ thể thao biển. Ví như chuyện đăng ký, đăng kiểm cho mô-tô nước.

Ông Trần Thanh Thiên cho hay: “Mô-tô nước phải đăng kiểm mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, phải qua đăng ký mới được đăng kiểm. Trong khi đó, việc đăng ký cho xe mô-tô nước chưa có sự thống nhất. Giai đoạn năm 2015-2016, Đà Nẵng có cho phép đăng ký cho mô-tô nước, nhưng sau đó thì không cho đăng ký. Chính ở sự bất cập này khiến chúng tôi không biết phải đầu tư như thế nào, thậm chí là không dám đầu tư”.

Hay chuyện bằng lái mô-tô nước. Bà Thanh Chi chia sẻ: “Ở Việt Nam không có lớp dạy và cấp bằng lái mô-tô nước như ở nước ngoài nhưng khi các đơn vị kiểm tra thì lại yêu cầu người lái mô-tô nước phải có bằng lái. Điều này khiến tôi cảm thấy phấp phỏng mỗi khi có đoàn kiểm tra”.

Dẫu khó khăn nhưng các đơn vị khai thác, kinh doanh dịch vụ thể thao biển vẫn chú trọng đầu tư trang thiết bị với mong muốn hình thành một khu thể thao biển ngày càng chuyên nghiệp hơn, tăng sự thu hút, hấp dẫn khách du lịch và cũng góp phần tăng thêm sự “quyến rũ” cho bãi biển Đà Nẵng.

“Doanh nghiệp chúng tôi luôn tâm huyết và  mong muốn hình thành một khu thể thao biển đẳng cấp, hàng đầu khu vực tại Công viên Cá Voi nhằm góp phần vào công cuộc phát triển du lịch của thành phố”, ông Hiệp chia sẻ.

Theo đó, trong thời gian tới, Công viên Cá Voi sẽ đầu tư thêm trang thiết bị, phương tiện khai thác tân tiến, hiện đại và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, cụ thể là đưa vào khai thác các loại hình lâu nay bị bỏ ngõ như lướt ván buồm, chèo thuyền kayak trên biển.

Hay Temple Đà Nẵng dự kiến sang năm sẽ tăng số lượng ca-nô, mô-tô nước để đáp ứng nhu cầu của du khách một cách tốt nhất, hướng đến phát triển thành một trung tâm thể thao biển quy mô, hàng đầu tại Đà Nẵng.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, thành phố nên có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực như: miễn giảm thuế đối với các phương tiện nhập khẩu phục vụ các loại hình dịch vụ thể thao biển; quan tâm giải quyết các hồ sơ kiến nghị của các doanh nghiệp tâm huyết với sự nghiệp phát triển du lịch của thành phố để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị mới, lạ nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng hơn, thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng.

MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.
.