Giành lại mẹ từ… Internet

Trên TED (Ted.com) - nơi chuyên đăng tải các bài nói chuyện có ý tưởng lan tỏa, nữ luật sư người Pakistan có tên Nighat Dad đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về việc phụ nữ quê hương cô đã đấu tranh cho quyền sử dụng Internet như thế nào. Dad kể, cô sinh ra ở một ngôi làng nhỏ, nơi phụ nữ sử dụng điện thoại hay Internet từng được xem là cái tội có thể dẫn đến chết người. Và cô không ngoại lệ. Dù vượt qua mọi hủ tục để học cao hơn nhưng Dad cũng bị chồng đuổi ra khỏi nhà vì sử dụng điện thoại cá nhân. Thế là thay vì đi tìm lời giải cho sự gia trưởng và áp bức của xã hội, cô đứng ra thành lập Tổ chức Quyền kỹ thuật số vào năm 2012 (Digital Rights Foundation) để đấu tranh cho quyền truy cập Internet an toàn của phụ nữ. Vài năm sau đó, cô thành lập đường dây nóng bảo vệ phụ nữ bị quấy rối trên môi trường mạng. Với cô, truy cập Internet là truy cập kiến thức. Đấu tranh cho quyền truy cập Internet là đấu tranh cho bình đẳng giới…

Nhìn lại cuộc đấu tranh đơn độc của Nighat Dad càng thấy phụ nữ Việt Nam thật may mắn khi chúng ta không cần khổ sở để giành quyền truy cập Internet và sở hữu điện thoại cá nhân. Việt Nam hòa mạng Internet toàn cầu vào năm 1997 (ngày 19-11-1997) và có thể nói cũng từ đó, nguồn sáng văn minh nhân loại mang tên Internet nhanh chóng đến với mọi người, mọi nhà không loại trừ người truy cập là nữ giới (dĩ nhiên trừ vùng sâu, vùng xa còn khó khăn về điều kiện phát sóng, thiết bị…). Tôi nhớ lần đầu tiên mình chạm tay vào Internet là qua lời giới thiệu của cô bạn: “Cái gì không biết thì lên mạng gõ là ra”. Và thế là tôi biết Google, biết Yahoo Messenger mà không phải qua bất kỳ khâu “đấu tranh” nào, trong khi thời điểm đó Internet chưa phổ biến như bây giờ bởi điện thoại chưa “thông minh” và muốn xài máy vi tính có nối mạng phải ra tiệm trả 2.000 đồng – 4.000 đồng cho mỗi giờ đồng hồ sử dụng.

Giờ thì mỗi phụ nữ có nhiều hơn một thiết bị thông minh để nối mạng toàn cầu; đặc biệt, với chiếc điện thoại thông minh, phụ nữ như được “ôm” cả thế giới trong tầm tay. Báo cáo về kỹ thuật số Việt Nam 2018 (digital Vietnam 2018) của Wearesocial cho thấy, trung bình mỗi người Việt Nam đang sử dụng Internet gần 7 tiếng mỗi ngày; trong đó tiêu tốn cho mạng xã hội hơn 2 tiếng rưỡi. Về mặt bằng chung, con người có 8 tiếng mỗi ngày để làm việc nhưng chúng ta lại có đến gần chừng đó thời gian sử dụng Internet. Thực ra điều này không có gì bất thường, bởi làm việc trên Internet và không thể thiếu Internet trong vận hành công việc là nhu cầu và xu thế tất yếu. Có điều, mỗi người chúng ta chỉ sử dụng Internet cho mục đích công việc và giải quyết một số vấn đề cá nhân hay Internet, mạng xã hội đã trở thành “nguồn sống” đến mức thiếu mạng xã hội là bồn chồn, vật vờ như một con nghiện thì chính mỗi người mới hiểu chứ những con số không thể thống kê được. Bảng báo cáo này cũng không phân tích tỷ lệ nam, nữ sử dụng Internet, mạng xã hội, nhưng nhìn vào “quyền” truy cập Internet của các gia đình Việt, chúng ta không khó nhận ra không có sự “phân vai” nào trong nhu cầu và cơ hội sử dụng mạng. Sự thoải mái sử dụng Internet thể hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, nhưng cái gì cũng có giá của nó...

Đưa con ra công viên, bà mẹ trẻ đặt con lên trò đu quay trong tiếng nhạc rộn rã rồi tìm cho mình chiếc ghế ngồi và… dán mắt vào điện thoại. Đứa bé chừng dưới 2 tuổi bám tay chưa vững, trong khi chiếc vòng quay khá nhanh nên cứ bị trượt người dần sang một bên rồi ngã ầm xuống đất. Sự cố diễn ra khá nhanh và những người đứng gần đó chỉ kịp hét lên rồi lao tới ôm đứa bé kéo ra khỏi gầm đồ chơi, miệng liên hồi la lớn: “Con ai đây?”. Lúc này, người đáng ra phải lao đến ôm đứa bé đầu tiên mới ngẩng mặt lên và nhận ra con mình đang khóc giàn giụa vì hoảng sợ... Tôi cứ nghĩ những thế hệ được sinh ra khi Internet chưa bùng nổ thật may mắn, bởi họ có mẹ luôn ở bên cạnh đúng nghĩa. Chỉ cần con nhìn vào mắt mẹ đã thấy mẹ hướng về phía mình chứ không phải buồn chán thấy cảnh mẹ đang cắm cúi vào màn hình sáng lóa. Nhưng tôi đã lầm, bạn tôi cũng được sinh ra khi mẹ bạn chưa hề biết Internet, nhưng đến khi nghỉ hưu thì mẹ bạn vẫn bị thế giới ảo “bắt cóc” như thường. “Mẹ thức giấc là cầm ngay điện thoại vào mạng xã hội xem… đêm qua bạn bè thế nào, thế giới ra sao. Mẹ xem say sưa đến quên ăn sáng, lười tập thể dục và chẳng buồn nói chuyện với mình nữa”. Từ ngày mẹ có nhiều thời gian cho gia đình hơn cũng là lúc bạn thấy mẹ xa mình nhất.

Phụ nữ Việt Nam không cần cuộc đấu tranh nào để giành Internet về phía mình, nhưng những đứa trẻ thì đang thực sự cần một cuộc đấu tranh để giành lại mẹ chúng từ tay… Internet, bạn có nghĩ vậy không?

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.
.