Hoa thơm từ sỏi đá khô cằn

.

Trong số những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Đà Nẵng, nhiều người vẫn có khả năng tự phục vụ cho bản thân, cố gắng từng ngày làm việc nuôi sống bản thân hay ít ra là tìm niềm vui cho chính mình. Họ như những bông hoa mọc giữa sa mạc cằn cỗi. Và câu chuyện về hành trình vượt lên số phận của họ là tấm gương đầy nghị lực cho mỗi người trong chúng ta.

Chị Hồ Thị Láng (thứ 2, phải sang) hạnh phúc bên bố mẹ cùng con gái 8 tháng tuổi của chị. Ảnh: M.H
Chị Hồ Thị Láng (thứ 2, phải sang) hạnh phúc bên bố mẹ cùng con gái 8 tháng tuổi của chị. Ảnh: M.H

Ghé thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang vào một buổi sáng tiết trời khá ẩm ương, mặt đường còn đọng nước của cơn mưa đêm qua, tôi tìm đến nhà của chị Hồ Thị Láng (sinh năm 1994).

Bà Trần Thị Lài, mẹ chị Láng mời tôi ngồi xuống chiếc chiếu được trải ngay giữa nhà, nơi chị Láng cùng đứa con gái 8 tháng tuổi đang ngồi chơi. Và cứ thế, cuộc trò chuyện giữa tôi với chị Láng, bà Lài bắt đầu từ lúc nào không hay.

Năm chị Láng 12 tuổi, bà Lài thấy hai bên vai của con không cân đối nên dẫn đi khám thì phát hiện bị cong vẹo cột sống do biến đổi gen, với nguyên nhân nghi nhiễm chất độc da cam vì ông nội của chị từng đi bộ đội và ông Hồ Văn Bích - bố chị Láng cũng bị nhiễm chất độc da cam.

Kể từ đó, cuộc sống của chị chuyển sang một bước rẽ. Lưng chị dần gù đi, tay chân dần teo tóp lại, thêm phần trí tuệ không phát triển, chị nghỉ học ở tuổi 13.

Nghỉ học được gần 2 năm, chị Láng đi giữ con cho dì ruột. 2 năm sau đó, bà Lài sinh con thứ 2 nên chị Láng về chăm em phụ mẹ.

Đến năm 2012, chị được nhận vào Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng cơ sở 3 (gọi tắt là Trung tâm). Chị Láng nhớ lại: “Ngày nào cũng vậy, cứ 7 giờ 30 sáng sẽ có xe đến đầu đường đón vào Trung tâm. Tôi học nghề may và làm hoa voan. Học đến trưa thì ăn cơm, nghỉ trưa.

Đến chiều lại tiếp tục học. Tầm 4 giờ chiều thì xe của trung tâm chở về nhà”. Năm 2014, vì muốn kiếm việc làm để có thu nhập, chị Láng xin ra khỏi Trung tâm. Với những gì học được về nghề may trong suốt 2 năm qua, chị Láng xin vào làm ở tổ may tại Doanh nghiệp may tư nhân Hiền Phương với thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng. Hơn 1 năm sau, công ty này phá sản, chị Láng mất việc.

Tháng 9-2015, chị quyết định khăn gói ra Hà Nội kiếm việc làm. Hướng ánh mắt đượm buồn về phía tôi, bà Lài bộc bạch:

“Tôi không muốn cho nó đi chút nào. Thân con gái lại bệnh tật, đi xa trăm ngàn khó khăn, trắc trở. Tôi bảo nó ở nhà tôi nuôi mà nó không chịu”. Còn chị Lài thì: “Lúc quyết định đi Hà Nội, tôi cảm thấy sợ và lo lắm, nhưng vẫn muốn đi. Chứ ở nhà không kiếm được việc làm, chán lắm”.

Ban đầu chị làm tranh, thiệp giấy xoắn ở Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương với mức thù lao dao động 60.000-90.000 đồng/ngày. Tiếp đó, chị chuyển qua làm ở Công ty CP May X19 với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng. Một thời gian sau, chị chuyển qua làm ở Công ty TNHH Nét Á (một công ty chuyên về sản xuất túi xách xuất khẩu). Đến tháng 11-2017, chị Láng quyết định về Đà Nẵng.

Hiện tại, chị đang sống cùng bố mẹ, em trai và đứa con gái 8 tháng tuổi. Hằng ngày, những lúc có mẹ phụ trông con, sức khỏe ổn định thì chị tranh thủ làm tranh, thiệp giấy xoắn để bán kiếm tiền, phụ giúp gia đình.

Cũng như chị Láng, chị Đặng Thị Hòa (sinh năm 1991, thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến) là thế hệ thứ 3 trong gia đình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Càng lớn thì chân chị bị teo cơ dần, không đi được. Suốt 9 năm đi học từ lớp 1 đến lớp 9, bà Nguyễn Thị Thiếp-mẹ chị Hòa, gần như là đôi chân của chị. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, bà Thiếp kể:

“Sáng nào tôi cũng chở nó đi học bằng xe đạp. Đến trường thì cõng vào lớp. Có hôm, đám bạn của nó thấy liền chạy tới phụ một tay, đứa đỡ, đứa cầm cặp sách”. Dẫu khó khăn là vậy, song chị Hòa vẫn luôn cố gắng học tập, 5 năm liền đạt học sinh giỏi và 4 năm liền đạt học sinh khá.

Đến năm 16 tuổi, vì trường xa nhà, bà Thiếp lại không biết đi xe máy để đưa đón con, bản thân ông Đặng Văn Sơn-bố chị Hòa cũng bị teo chân, đi lại khó khăn nên cũng không phụ được gì, chị Hòa phải nghỉ học.

Ở nhà, với chiếc điện thoại được bố mẹ mua cho, chị Hòa bắt đầu tự học tiếng Anh và tiếng Hàn qua Youtube.

Chị Hòa cười bảo: “Tôi thích học tiếng Anh, tiếng Hàn vì từ những năm học THCS, tôi ước mơ trở thành thông dịch viên. Một phần vì tôi thích nghe nhạc tiếng Anh, tiếng Hàn nên học để có thể hiểu được nội dung của những bài hát mà tôi yêu thích”. Không chỉ vậy, chị còn phụ mẹ nấu ăn. “Nó nấu ăn ngon lắm”, bà Thiếp vội khoe với một chất giọng đầy tự hào về cô con gái của mình.

Cơ thể ốm yếu, khuyết tật, song chị Láng vẫn không ngừng cố gắng mỗi ngày để kiếm tiền phụ giúp gia đình, lo cho con nhỏ hay như chị Hòa vẫn cố gắng tự học tiếng Anh, tiếng Hàn để hiểu được bài hát yêu thích. Và đó cũng chính là cách họ tự tạo ra niềm vui cho cuộc sống của chính mình. Có ngồi nghe câu chuyện về hành trình vượt lên số phận của 2 chị, chúng ta rồi sẽ nhận thấy ở họ có rất nhiều điều mà chúng ta cần học và khâm phục.

MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.
.