Những ngày cuối tháng 8-2018, trên nhiều diễn đàn và sân khấu cả nước đã có các hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày mất cặp đôi nghệ sĩ tài danh Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh, nhưng cuộc đời và tác phẩm của một người như Lưu Quang Vũ thì hậu thế còn nhiều điều để bàn luận. Đọc Di cảo Lưu Quang Vũ thấy rõ điều đó - một cuốn sách cần phải đọc chậm; và không chỉ đọc một lần, nhất là phần thơ có tiêu đề Những bông hoa không chết.
Bìa sách Di cảo Lưu Quang Vũ. Ảnh: N.K.P |
Đọc Di cảo Lưu Quang Vũ, dù chưa phải đã là toàn bộ những gì anh để lại, chúng ta thấy một Lưu Quang Vũ “khác” - nói đúng hơn đó là một người không ngừng trăn trở, thao thức, thậm chí là vật vã như một người có chiều kích khác thường, đang cố cởi bỏ cái áo khoác, cái mũ chật chội mà anh đang mang. Và như thế, chúng ta hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên mà Lưu Quang Vũ đạt được những thành công nổi trội trong những năm cuối đời. Về một khía cạnh khác, Di cảo Lưu Quang Vũ cho chúng ta thấy bộ mặt tinh thần của thế hệ trưởng thành trong giai đoạn từ sau 1960.
Di cảo Lưu Quang Vũ dày 440 trang, gồm có 3 phần: phần 1-Nhật ký Lưu Quang Vũ với tiêu đề: “Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường”, phần 2- Thơ: “Những bông hoa không chết”, phần phụ lục“Người trong cõi nhớ” gồm 4 bài viết về anh.
Nhật ký Lưu Quang Vũ mở đầu ngày 21-2-1963 và kết thúc ngày 8-1-1966, khi anh đang là lính thuộc một đơn vị không quân ở sân bay Đa Phúc. Nhật ký được in trong cuốn sách này chỉ chiếm một phần rất nhỏ (3 năm 8 tháng so với cuộc đời 40 năm của tác giả). Tuy vậy, những ai có quen biết chút ít với Vũ hay đọc các bài viết của Ngô Thảo, Phạm Xuân Nguyên, Anh Chi trong phần phụ lục cuốn sách đều hiểu rằng phần nhật ký đã in mới chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm quãng đời học sinh và mấy tháng đi bộ đội của Lưu Quang Vũ. Còn để “thấy cả những góc khuất, những cay đắng dằn vặt trong anh” như Lưu Khánh Thơ (người biên soạn cuốn sách-BT) đã viết thì phải tìm hiểu qua những “kênh” khác, ví như, chúng ta có thể “đọc” thấy trong nhiều bài thơ của Di cảo Lưu Quang Vũ, tuy không kể sự việc, chi tiết do “đặc trưng” nghệ thuật thơ nhưng lại rất sâu sắc.
Còn qua mấy bài viết trong phần phụ lục, độc giả cũng thấy được Vũ đã vượt qua nhiều năm tháng thật gay go mới tới vinh quang. Có cả một giai đoạn dài gần cả chục năm (từ 1978 trở về trước), “anh xuất ngũ, nhưng xin một việc làm kiếm sống thật vô cùng khó khăn. Thêm một bất hạnh ập tới, hạnh phúc gia đình tan vỡ…” (trích bài của Anh Chi); có những ngày Vũ phải “ngồi gỡ len, cuộn len cho nhà thơ Xuân Quỳnh đan thuê để có thêm thu nhập nuôi cái gia đình có cả con anh, con tôi, con chúng ta. Cũng không nên quên là vì bị kỷ luật mà văn thơ viết ra không được đăng trên bất cứ sách báo nào… Vũ được về làm việc ở Tạp chí Sân khấu năm 1977, cũng không dễ dàng gì vì vấp phải sự phản đối quyết liệt và rất có lý của không ít người có chức sắc…” (trích bài của Ngô Thảo)…
Mặc dù phần nhật ký đã in trong Di cảo Lưu Quang Vũ còn thiếu nhiều, nhưng qua hơn hai trăm trang ghi lại chặng đường hơn 3 năm (1963-1966), chúng ta có dịp hiểu thêm những yếu tố đã làm nên tài năng của anh. Anh không chỉ có cái gène là “con nhà nòi”, mà còn được hưởng thụ, được đào luyện trong một không gian văn hóa tốt đẹp từ tuổi thơ. Như được thân phụ đưa đi xem kịch, chèo, tha hồ hóng nghe các bậc đàn anh ngành sân khấu hồi đó đàm luận về các vở diễn; và hầu như tất cả tác phẩm văn học kinh điển thế giới được dịch hồi đó đều “qua tay” anh…
Những điều đó đồng thời vun đắp và thổi bùng ngọn lửa yêu nước của người con Đà Nẵng 17 tuổi đang khao khát được đặt chân lên quê hương, thôi thúc Vũ “xếp bút nghiên” quyết liệt đòi đi bộ đội. Mặt khác, với một tâm hồn nhạy cảm, từng say mê trước cái đẹp, cái cao cả trong những tác phẩm văn học lớn, Lưu Quang Vũ bắt đầu trăn trở khi “thấy nhiều cái nhỏ nhen quá” (nhật ký 10-4-1964) “chán ngán nhìn những bộ quần áo lố lăng, mất dạy và lòe loẹt của lũ thanh niên” (nhật ký 19-4-1964)…
Đọc những dòng này, chúng ta có thể hiểu vì sao sau khi “ra quân” năm 1970 và tiếp cả chục năm sau đó, trước nhiều mặt trái của xã hội và hậu quả chiến tranh ngày càng lộ diện, những trăn trở có thể nói là đau đớn đã vò xé tâm can khiến Vũ trở thành một nhân vật có thể nói là “cá biệt”, đến mức “xin một việc làm kiếm sống thật vô cùng khó khăn”, “văn thơ viết ra không được đăng trên bất cứ sách báo nào…”. Nhưng mặt khác, có thể nói, chính những “nỗi đau” đó là “năng lượng”, là “chất đốt” tạo nên sức đẩy “phóng” nghệ sĩ Lưu Quang Vũ lên đỉnh cao.
Việc Lưu Quang Vũ đạt đến đỉnh cao nghệ thuật sân khấu thì cả triệu người đã biết. Chỉ cần dẫn một chi tiết: “Có những Hội diễn toàn quốc, các tác phẩm của riêng Lưu Quang Vũ chiếm hơn một nửa. Không có sức kham nổi đơn đặt hàng, lại sợ mang tiếng làm phách, Xuân Quỳnh phải bố trí cho tác giả đi trốn để yên tĩnh mà viết…” (Trích bài của Ngô Thảo).
Tuy vậy, theo nhà thơ Anh Chi (và có lẽ không chỉ Anh Chi) nhận xét “…thời đại chúng tôi đang sống chưa có ai hy sinh vì thơ như Lưu Quang Vũ… rồi người đời sẽ ghi nhận thơ mới là thành công lớn nhất của anh. Lưu Quang Vũ cũng tự biết như thế…” Đọc 200 trang in thơ trong Di cảo Lưu Quang Vũ - trong đó có nhiều bài được in lần đầu, tôi tin là nhiều người sẽ nghĩ như Anh Chi. Trong “Thay lời bạt”, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ đã thổ lộ: “Khi chọn thơ để in, chính tôi đã tự “biên tập” để bỏ bớt những bài cảm thấy e ngại. Nhưng người chịu trách nhiệm cũng vẫn yêu cầu tôi cắt bỏ một số câu, đoạn. Tôi đành chấp nhận bỏ cả bài chứ không muốn cắt xén. Thời gian chuẩn bị bản thảo tôi nhiều đêm không ngủ…”
Một tác giả lớn đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đất nước thì đã đổi mới hơn 30 năm mà còn phải e ngại, thận trọng đến mức ấy, đủ biết những bài thơ chưa công bố của Lưu Quang Vũ “dữ dội” đến mức nào… Hẳn rồi sẽ có những chuyên luận sâu sắc, những luận án tiến sĩ xứng đáng với khối lượng thơ phong phú, đa dạng của anh ra đời nay mai.
Vậy nên dù kỷ niệm 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ đã qua, nhưng chuyện bình luận về giá trị nhiều mặt của người nghệ sĩ đa tài mà yểu mệnh này vẫn mãi là một công việc luôn tìm thấy những điều kỳ diệu như là khai thác một mỏ quý vô tận…
Nguyễn Khắc Phê