Nỗi lo còn đó…

.

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng Trà Thanh Lành đưa tôi đến thăm bệnh nhân Trần Thị Lệ H. ở số nhà 34 Nguyễn Biểu, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê. Mẹ em, bà Nguyễn Thị Thành, kết thúc buổi phụ bán bún cho người hàng xóm cũng vừa về tới nhà.

Chồng bà, ông Trần Quang Toàn, 68 tuổi, trước ngày đi lính chế độ cũ đóng ở Non Nước, Đà Nẵng. Sau đó ông đi miền núi một thời gian rồi về sống ở phường Chính Gián, quận Thanh Khê, gần khu vực nay là Công viên 29-3. Năm 1982, Lệ H.- đứa con đầu lòng của vợ chồng bà ra đời với hình hài oèo oặt, không “vuông” như mọi đứa trẻ bình thường khác.

Cô gái Lệ H. mang nỗi đau da cam bên mình suốt 36 năm qua. Ảnh: V.T.L
Cô gái Lệ H. mang nỗi đau da cam bên mình suốt 36 năm qua. Ảnh: V.T.L

Đỡ “đứa bé” 36 tuổi có gương mặt không chút biểu cảm ngồi dậy, bà Thành giọng đượm buồn: “Đứa thứ hai một góc mặt bị nám. Cũng may, 3 đứa sau ông trời nhìn lại hay răng đó mà đều mạnh khỏe hết”.  

Một cô bé đang loay hoay soạn bữa cơm trưa dưới bếp vui vẻ ra chào, bà Thành bảo đó là đứa áp út. Nhìn sự tương phản giữa cô em gái mạnh lành và người chị bị liệt toàn thân, cảm thấy đau lòng trước những phận đời nghiệt ngã.

Người mẹ 62 tuổi tần tảo bỏ ra gần nửa quãng đời đã sống để chăm đứa con mình rứt ruột đẻ ra trong một hình hài không hoàn hảo. Đau thương chồng chất oằn lên đôi vai gầy và mái tóc sương pha, nhưng thẳm sâu trong ánh mắt vẫn da diết một tình yêu bao la của lòng mẹ.

Trước năm 1975, toàn bộ khu vực Công viên 29-3 hiện nay còn là một bãi rác khổng lồ, người dân quen gọi là “hầm bứa”.

Về cái tên lạ đời này, có lần một ông cụ, nhà ở gần chợ Tân Lập, sáng nào cũng đến công viên tập thể dục, nửa đùa nửa thật: “Thì lúc đó, ở ngay thành phố, mà nó tưa lưa ra, nó nát ngấu ra mọi thứ, không gọi hầm bứa thì gọi hầm chi đây?”. (Tra từ điển, thấy có một “bứa” là tính từ nghĩa là “tưa, nát bấy” - chắc là ông cụ nói theo cái nghĩa sau).

Năm 2001, nhà cửa nằm trong diện giải tỏa, cả gia đình bà Thành về chỗ ở hiện nay, cách không xa hồ Xuân Hòa A (còn gọi là hồ Sen), phường Hòa Khê. Vợ chồng bà đều bị bệnh tim mạch, trước còn đi kéo xe bò thuê, giờ sức lực không còn, làm việc nhẹ nên thu nhập không bao nhiêu...

Ông Trà Thanh Lành bắt đầu biết đến những cảnh đời bất hạnh vì dioxin từ khi Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng được thành lập vào năm 2005. Ông nhớ vanh vách cụ thể từng người, từng hoàn cảnh. Ở quanh Sân bay Đà Nẵng, ông kể, có hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Văn Dũng rất đáng thương.

Ông Dũng làm công nhân vét dọn cống rãnh trong Sân bay quốc tế Đà Nẵng, vợ ông buôn bán nhỏ. Vợ chồng ông có 3 người con, trong đó có 2 cháu (sinh năm 2000 và 2008) đã qua đời vì nghi nhiễm chất độc da cam.

Để xử lý hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề nhiễm độc da cam/dioxin tại Sân bay Đà Nẵng, từ tháng 6-2011, dự án xử lý môi trường nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) được khởi công.

Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án trong đợt kiểm tra dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin đầu năm 2017, sân bay Đà Nẵng có khoảng 148.000mđất, trầm tích nhiễm dioxin. Đến nay, 45.000m3 đất nhiễm dioxin đã được làm sạch. 19ha đất đã được giải phóng, trong đó gần 6ha bàn giao cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam xây dựng mở rộng Sân bay quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC 2017. Giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai.

Trong khi đó, theo USAID, dự án đã tiến hành xử lý khoảng 90.000m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng xuống dưới mức tiêu chuẩn quốc gia về xử lý môi trường của Chính phủ Việt Nam. Giai đoạn 2 của quá trình xử lý bắt đầu vào cuối năm 2016.

Xử lý giai đoạn 2 và cũng là giai đoạn cuối cùng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017, tuy nhiên việc tháo dỡ kết cấu xử lý và hoàn trả mặt bằng dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2018.

Nhưng, những vùng đất bên ngoài Sân bay Đà Nẵng có bị nhiễm độc chất hay không, mức độ ô nhiễm như thế nào vẫn chưa có một tài liệu trả lời xác đáng.

Về cái hồ có tên chính thức là hồ Xuân Hòa A, 7 năm trước, ông Lê Quang Vũ, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khê, đã trả lời người viết trong một phóng sự về “điểm nóng dioxin”: “Đã có nhiều đoàn đến hồ lấy mẫu dioxin rồi... một đi không trở lại. Dân hỏi nhiễm là nhiễm như thế nào, chúng tôi bí. Công tác tuyên truyền về nhiễm dioxin trong dân vì thế rất khó.

Giờ đây, câu trả lời của Chủ tịch UBND phường Hòa Khê Đinh Viết Hồng Lễ vẫn không khác: “Đến nay, địa phương vẫn chưa nhận được kết quả hàm lượng dioxin tại khu vực hồ Xuân Hòa A nên rất khó trong việc xử lý. Người đến câu cá nói họ chỉ câu giải trí thôi chứ không ăn, mà giải trí thì mình lấy lý chi để cấm họ. Có người câu cá lên lại thả xuống hồ. Có người nói mang về cho heo ăn. Họ nói vậy chứ mang làm chi thì chỉ có trời mới biết! Chúng tôi rất mong có văn bản kết luận cụ thể về dioxin thì mới cấm câu cá mà không sợ phạm luật”.

Dù cơ quan chức năng luôn khuyến cáo mọi người không nên ăn cá khu vực cũng như sử dụng rau trồng xung quanh hồ Xuân Hòa A, nhưng người dân vẫn mong muốn có những thông tin cụ thể, xác thực về hàm lượng dioxin từ phía các cơ quan chức năng để người dân yên tâm hơn trong sinh hoạt.

Theo thông tin từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Xông hơi - Giải độc và phục hồi chức năng Đà Nẵng từ khi thành lập (tháng 2-2014) đến tháng 10-2018, đã tổ chức xông hơi, giải độc được 34 đợt cho gần 500 lượt người tham gia, trong đó 70% là nạn nhân da cam, gia đình nạn nhân...

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.
.