Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - nhìn từ Hàn Quốc

.

Đến “Xứ sở Kim Chi” nhiều lần, thấy cách bảo tồn và phát huy văn hóa của nước bạn, mới thấy mình có nhiều điều cần học hỏi, nhất là nền văn hóa của Hàn Quốc có nhiều nét khá gần gũi với chúng ta.

Mỏm đá Đầu Rồng (đảo Jeju) -  một điểm đến thu hút rất đông khách du lịch. Ảnh: D.H
Mỏm đá Đầu Rồng (đảo Jeju) - một điểm đến thu hút rất đông khách du lịch. Ảnh: D.H

Trước tiên là về “văn hóa ứng xử”. Đến Hàn Quốc, qua tiếp xúc, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy người Hàn Quốc rất coi trọng lễ nghĩa, ăn nói có trên dưới, phải kính ngữ với người trên thái độ và chú trọng đến cử chỉ khi chào hỏi. Nụ cười và thái độ lịch sự, thân thiện trong văn hóa chào hỏi không chỉ thể hiện sự tôn trọng, tình đoàn kết cộng đồng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Hàn Quốc hiện đại, văn minh và chuyên nghiệp.

Người Hàn Quốc không chỉ giới thiệu văn hóa, đất nước con người ra bên ngoài lãnh thổ thông qua điện ảnh và các loại hình nghệ thuật mà còn xem đây là cơ hội thu hút, giới thiệu cho bạn bè gần xa những điểm tham quan độc đáo và hấp dẫn. Lấy dẫn chứng ở đảo Jeju, nơi xưa kia vốn là vùng đất nghèo khó nhất Hàn Quốc vì tách rời với đất liền, đất canh tác không nhiều, cây trồng ở đây chỉ toàn cam, quýt, hồng. Thời phong kiến, đây là vùng đất để lưu đày các phạm nhân.

Tuy nhiên, kể từ sau bộ phim Nàng Dae Jang Geum và Bản tình ca mùa đông đình đám, đảo Jeju được biết đến như địa điểm du lịch mới đầy thú vị. Hằng năm, nơi đây thu hút hàng triệu lượt khách du lịch từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chính quyền Jeju đã khai thác tối đa các tiềm năng tự nhiên và cả nhân tạo để làm du lịch, từ các truyền thuyết, sự tích đến địa danh tự nhiên... Jeju còn nổi tiếng với nhiều viện bảo tàng. Có đến 65 bảo tàng từ bảo tàng nghệ thuật đến bảo tàng chuyên ngành, những nơi mà khách du lịch ít khi bỏ qua.

Có thể nói, bất kỳ địa điểm nào liên quan đến truyền thuyết, sự tích đều được người Hàn Quốc khai thác, tôn tạo, hình thành các điểm tham quan, qua đó vừa tăng doanh thu về du lịch vừa giới thiệu được văn hóa và lịch sử của mỗi vùng miền nói riêng và đất nước Hàn Quốc nói chung. Làng cổ Seongeup ở đảo Jeju là một ví dụ. Có dịp ghé thăm ngôi làng này, chúng tôi được chiêm ngưỡng những ngôi nhà truyền thống của người Hàn Quốc, được xây dựng từ đá và mái được lợp tranh. Ngoài ra, mặc dù là một đất nước phát triển, là một trong “4 con rồng châu Á” nhưng người Hàn Quốc vẫn không chạy theo các trào lưu của văn hóa phương Tây một cách ồ ạt, không có những biểu hiện sính ngoại, sính Tây… Dẫn chứng là trên con đường mặt phố của Hàn Quốc mà người viết đi qua, từ thủ đô Seoul đến đảo Jeju, các bảng hiệu, bảng quảng cáo đa số đều bằng chữ Hàn, tiếng Anh nếu có đều có một vị trí và kích cỡ khiêm tốn.

Đến Seoul, bạn không nên bỏ qua một buổi biểu diễn có tên là Nanta. Đây là một loại hình biểu diễn không lời với những tiết tấu cuồng nhiệt để kịch hóa bộ gõ truyền thống của Hàn Quốc trong một chương trình sân khấu hài đầy ấn tượng. Hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa Hàn Quốc. “Bữa tiệc âm nhạc” này được những diễn viên trong trang phục đầu bếp trổ tài “nấu nướng” bằng bất cứ thứ gì phát ra âm thanh, từ xoong, nồi, chảo, đĩa, dao, thớt, chai nước, thậm chí đến cả cây chổi cũng trở thành đạo cụ của bộ gõ. Du khách nước ngoài, tuy không hiểu về ngôn ngữ và nguồn gốc của thể loại biểu diễn mang đặc trưng Hàn Quốc này nhưng chương trình đã tạo ra những tràng cười sảng khoái không ngớt trong nhà biểu diễn. Qua tìm hiểu, đây là một trong các hoạt động diễn ra liên tục để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước mỗi lần đến Seoul và nhà hát lúc nào cũng đông khách đến xem. Đây cũng là một cách quảng bá văn hóa cho du khách quốc tế mỗi lần đến Hàn Quốc.

Phải nói rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, người Hàn Quốc vẫn không quên bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc của mình một cách bền vững. Họ đã nghĩ ra nhiều cách thức để quảng bá văn hóa đặc sắc của đất nước mình ra thế giới, không những chỉ bằng cách giới thiệu ra bên ngoài mà còn bằng cách bảo tồn, tôn tạo, phát triển các di tích lịch sử, tự nhiên, truyền thuyết trong nước để tạo các điểm đến hấp dẫn đối với du khách 5 châu. Có thể nói, với một mũi tên họ đã đạt được 2 mục đích là doanh thu từ du lịch và quảng bá văn hóa.

Do thời gian có hạn nên người viết không có điều kiện tiếp cận nhiều điểm đến đặc sắc về văn hóa, lịch sử của đất nước Hàn Quốc, nhưng chắc chắn rằng, với những gì được trải nghiệm và sự cảm nhận của bản thân về đất nước này, có thể rút ra những điều bổ ích về văn hóa của bạn, trong đó có những điều Đà Nẵng rất cần tham khảo để học hỏi và làm theo trong điều kiện và tiềm năng hiện có, nhất là việc quảng bá văn hóa, nghệ thuật và khai thác các sự tích, truyền thuyết, địa danh lịch sử hiện nay còn đang bỏ ngỏ, chưa được khai thác hoặc khai thác chưa hiệu quả.

Dân Hùng

;
.
.
.
.
.
.