Đầu tư phát triển thể chất cho học sinh

.

Trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố triển khai nhiều chương trình, đề án dạy học thể dục theo phân môn tự chọn. Nhờ đó, đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác dạy học bộ môn thể dục và phát triển thể chất cho học sinh.

Một lớp học bơi của học sinh khối lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.  Ảnh: MAI HIỀN
Một lớp học bơi của học sinh khối lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: MAI HIỀN

Chất lượng giờ học được nâng cao

Là một trong những trường đầu tiên áp dụng chương trình dạy học thể dục theo phân môn tự chọn, gần 3 năm qua, tùy vào năng lực và sở thích, học sinh tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) có thể chọn một trong hai môn thể thao: cầu lông, bóng rổ.

Chọn học môn cầu lông, em Nguyễn Ngọc Thùy Dương (lớp 7/4) chia sẻ: “Em chọn môn cầu lông vì em thấy môn này hợp với em hơn môn bóng rổ. Lúc trước, em không nghĩ là mình có thể chơi được cầu lông. Nhưng sau khi học thì em cảm thấy tự tin hơn hẳn”.

Trong khi đó, em Đặng Ngọc Quốc Bảo (lớp 7/2) cũng chọn học cầu lông chỉ đơn giản vì “Em cảm thấy học cầu lông vui hơn”.

Còn tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, học sinh có đến 5 môn thể thao để lựa chọn: cầu lông, bóng rổ, bơi, bóng bàn, bóng chuyền. Theo đó, môn cầu lông được học sinh lựa chọn nhiều nhất, tiếp đó là bóng rổ, bơi, bóng chuyền và bóng bàn là môn thể thao có số lượng học sinh theo học ít nhất.

Lựa chọn học bơi, em Đặng Nhật Minh (lớp 10A2) cho biết: “Vì em chưa biết bơi nên em chọn học bơi. Em cảm thấy học rất vui, thầy Phước rất gần gũi và hướng dẫn em rất tận tình”.

Thầy Nguyễn Hữu Phước, Tổ trưởng Tổ Giáo dục thể chất, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận xét: “Vì được tự chọn môn học nên học sinh học với tinh thần thích thú, vui vẻ, thoải mái và cũng từ đó mà chất lượng của giờ học được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp, học sinh “chọn mặt gửi vàng”; có thể học sinh thích học một môn nào đó nhưng thầy/cô phụ trách môn đó lại có vẻ khó tính, không cởi mở thì học sinh sẽ chọn môn khác có thầy/cô trông dễ chịu hơn để học.

Nên đôi khi, việc đưa ra môn thể thao cho học sinh tự chọn như vậy cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp. Và khi để học sinh tự chọn như vậy thì có trường hợp, môn thì số lượng học sinh tham gia quá ít, môn lại quá nhiều. Việc sắp xếp bộ môn thể dục tùy vào số lượng học sinh đăng ký chứ không dạy theo lớp như trước khiến giáo viên vất vả hơn”.

Ngoài ra, các câu lạc bộ (CLB) thể thao cũng được thành lập, phát triển ở các bậc học từ tiểu học đến THCS, THPT. Điển hình như Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) với 6 câu lạc bộ thể thao được thành lập: bóng bàn, bóng rổ, bóng đá, bơi lội, cờ vua, đá cầu.

Đa phần các CLB đều sinh hoạt ngay trong khuôn viên trường sau khi tan học, tầm 16 giờ 30 đến 17 giờ 30; riêng CLB Bóng đá sinh hoạt từ 6 giờ 30 đến 8 giờ tại Sân Bóng đá Chuyên Việt (98 Tiểu La) và CLB Đá cầu được các thầy lồng vào giờ học thể dục.

Em Nguyễn Thiện Nhân (lớp 4/1) hiện tham gia CLB Bóng rổ và CLB Bơi chia sẻ: “Em tham gia CLB Bơi được 2 năm, CLB Bóng rổ được 3 năm. Em chọn tham gia 2 CLB này vì bóng rổ sẽ giúp em cao lên, còn bơi thì giúp em phòng chống đuối nước. Từ lúc tham gia 2 CLB, em ăn nhiều hơn, mập lên, khỏe hơn lúc trước”.

Bên cạnh đó, ở các cấp tiểu học, THCS, THPT, thực hiện Đề án Tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn thành phố, trong năm 2017, thành phố đầu tư trang thiết bị, dụng cụ giáo dục thể chất và thể dục thể thao cho các trường phổ thông thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo với kinh phí 10,682 tỷ đồng; mua sắm 12 bể bơi với kinh phí 3 tỷ đồng. Trong năm học 2018, có 21 trường được đầu tư xây sân thể thao với tổng kinh phí khoảng 32 tỷ đồng.

Bắt đầu từ hè 2016, phong trào bơi cũng được đẩy mạnh. Với 57 bể bơi đã được đầu tư, cấp kinh phí hoạt động, 3 bể bơi tại các trường THCS, THPT, các bể bơi tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và 20 bể bơi được UBND thành phố đồng ý chủ trương lắp đặt tại 20 trường tiểu học, THCS, với đội ngũ giáo viên thể dục đã được đào tạo kỹ năng dạy học bơi; trong hè 2018 đã dạy bơi cho khoảng 30.000 học sinh.

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các đơn vị, trường học khuyến khích phụ huynh có điều kiện cho con mình học bơi ở các bể bơi dịch vụ tại các khách sạn, các trung tâm thể thao, đẩy mạnh công tác xã hội hóa… để việc dạy học được mở rộng và tăng số lượng học sinh biết bơi. Kỹ năng bơi là kỹ năng cơ bản của kỹ năng phòng, chống đuối nước.

Nâng cao thể chất nhờ sữa học đường

Đề án Sữa học đường giai đoạn 2016-2017 được triển khai tại 5 quận, huyện giúp cho 19.610 trẻ mầm non ở 16 xã, phường được uống 1 hộp sữa tươi/ngày với 3 ngày/tuần. Sữa được cung cấp với cơ chế ưu đãi: Thành phố hỗ trợ 84%, doanh nghiệp trúng thầu hỗ trợ 16% và uống miễn phí 100% cho trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trẻ ở khu công nghiệp và khu chế xuất.

Qua 2 năm triển khai, chất lượng chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng của trẻ tại các loại hình giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 1,5% với 1.042/68.142 trẻ mầm non; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 1,3% với 917/68.142 trẻ mầm non.

Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn thành phố được bắt đầu từ ngày 17-9-2018 với tổng số trẻ mẫu giáo tham gia là 47.688 trẻ, trong đó có 40.331 trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục, 7.357 trẻ mẫu giáo trong các nhóm, lớp độc lập tư thục.

Trường mầm non Măng Non (quận Liên Chiểu) tham gia Đề án Sữa học đường từ tháng 11 năm học 2016-2017 với 422/422 trẻ tham gia, đạt 100%. Trong năm học 2018-2019, có khoảng 295/311 trẻ tham gia, đạt tỷ lệ 95%.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Măng Non cho hay: “Trong thời gian đầu, việc vận động phụ huynh cho trẻ tham gia đề án sữa học đường có nhiều khó khăn, bên cạnh đó một số phụ huynh có thói quen cho con dùng sữa ngoại nên không tham gia.

Tuy nhiên, nhà trường phối hợp cùng giáo viên tuyên truyền, vận động phụ huynh bằng nhiều hình thức và sau một thời gian thì những phụ huynh đó đã chủ động, tự nguyện tham gia”.

Bên cạnh việc thực hiện cho trẻ uống sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ, nhà trường còn tổ chức cho trẻ tham gia nhiều hoạt động nhằm tăng cường và phát triển vận động, sự tự tin, khéo léo của trẻ thông qua các hoạt động học, hoạt động vui chơi ngoài trời.

Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, vào tháng 10-2017, nhà trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đầu tư thêm nhiều trang thiết bị nhằm phục vụ hoạt động vui chơi ngoài trời cho trẻ, qua đó giúp trẻ rèn luyện, nâng cao khả năng vận động, sự khéo léo như: xe đạp, ô-tô đạp chân, thang leo, cầu thang, bập bênh, bộ đồ chơi vận động thông minh...

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng đã triển khai Đề án Đầu tư trang thiết bị, đồ chơi cho lứa tuổi 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập giai đoạn 2017-2018 với kinh phí được phê duyệt là 23.880 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho hay, trong những năm qua, với sự phê duyệt của UBND thành phố, sở đã thực hiện một cách có hệ thống, đồng bộ, toàn diện ở các bậc học, từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác dạy học bộ môn thể dục, nâng cao hứng thú, động lực cho học sinh.

Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá một cách toàn diện để rà soát về trang thiết bị, cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; đồng thời, xem xét chương trình dạy học thể dục, các chương trình bồi dưỡng thể thao trong học đường để có thể kết hợp giữa học tập văn hóa và phát triển trí lực, thể lực cho học sinh một cách cân đối, hợp lý; tạo được niềm hứng thú cho học sinh mỗi khi đến trường.

MAI HIỀN

;
.
.
.
.
.
.